Về đầu trang

Thị trường heo hơi hôm nay 30/10: Thu trăm nghìn tỷ, sao nghề nuôi lợn vẫn bấp bênh?

Posted by admin

Giá heo hơi hôm nay 30/10 lên xuống bấp bênh

Theo ghi nhận của PV, ngày hôm qua giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc tiếp tục giảm ở một số nơi. Tại chợ lợn lớn nhất miền Bắc là Bình Lục (Hà Nam), hiện thương lái giao dịch quanh mức 44.000 đồng/kg đến 45.000 đồng/kg.

Một số địa phương khác như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên giá lợn hơi xuất chuồng dao động từ 46.000 đồng/kg đến 48.000 đồng/kg tuỳ loại.

Theo các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp, giá trị của đàn lợn nuôi – chỉ tính riêng tiêu thụ nội địa ước chừng 500.000 tỷ đồng/năm. Câu hỏi đặt ra là giá trị tới hàng trăm ngàn tỷ đồng như vậy, nhưng sao sản xuất của nông dân vẫn bấp bênh?

Hai năm trước, người chăn nuôi lợn khốn khổ, thua lỗ nặng nề vì giá cả trên thị trường giảm mạnh, do cung vượt cầu. Ở các tỉnh phía Bắc, giữa tháng 10, giá lợn hơi còn ở mức trên 50.000 đồng/kg, nhưng gần cuối tháng, chỉ sau một cuộc họp của các cơ quan chức năng, giá lợn hơi giảm từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.

Nông dân các tỉnh phía Nam cũng sợ giá sẽ giảm nữa nên kêu thương lái vào bắt lợn.

Người nuôi lợn vẫn bị động và chịu rủi ro lớn vì dịch bệnh, giá heo hơi luôn bấp bênh (ảnh minh họa).

Nhiều người chăn nuôi nói rằng, rủi ro của nghề nuôi lợn không chỉ là do dịch bệnh hay tác động cung – cầu, mà còn do can thiệp của chính sách. Dù con lợn không thuộc diện kiểm soát, bình ổn, nhưng không chỉ cấp bộ yêu cầu giảm giá bán, mà ở nhiều tỉnh, thành cũng đưa vào diện bình ổn giá.

Theo ông Kiều Minh Lực (Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam), ngành chăn nuôi lợn có vốn hoá gần 20 tỷ USD ở Việt Nam, sở dĩ có sự bấp bênh vì chưa kiểm soát được tổng đàn, nghĩa là nông dân và cả doanh nghiệp nuôi lợn không có kế hoạch gì.

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn cũng khẳng định, không ai có thể biết chính xác tổng đàn lợn ở Việt Nam có bao nhiêu con.

Hồi tháng 9.2018, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) báo cáo tổng đàn lợn giảm 6,2% vào tháng 4.2018 và 3% vào tháng 6.2018 so với cùng kỳ 2017 (27,4 triệu con), nhiều ý kiến cho rằng, nguồn cung lợn trên thị trường không còn nhiều. Số liệu trên chưa hẳn chính xác, điều này thể hiện qua giá cả tăng mạnh từ tháng 4.2018.

Người chăn nuôi cũng không tìm đâu được thông số nhu cầu tiêu dùng hàng tháng, hàng quý và hàng năm của thị trường nội địa. Nông dân không biết đã đành, doanh nghiệp cũng không. Còn số liệu chính thống từ cơ quan quản lý thị trường cũng mù mờ. Cho đến nay, hơn 2,5 triệu hộ nuôi lợn, hàng ngàn doanh nghiệp liên quan; nhưng không được cung cấp dữ liệu phân tích thị trường bán lẻ, dự báo giá heo hơi ra sao…

Bao giờ mới hết cảnh chạy theo giá lợn?

Với các nước có ngành chăn nuôi lợn phát triển, các nhà quản lý luôn có kế hoạch sản xuất rõ ràng. Người nuôi, doanh nghiệp giết mổ (tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) và nhóm các nhà cung ứng cho ngành chăn nuôi có liên kết nhau chặt chẽ, để sản xuất đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa, cũng như nhu cầu xuất khẩu. Vì lẽ đó mà giá lợn ở Mỹ hay cộng đồng EU không bao giờ có biên độ lên và xuống như tại Việt Nam.

Người nuôi heo đang rất cần thông tin về tổng đàn, nhu cầu thị trường, dự báo giá heo hơi nhưng không có cơ quan nào cung cấp số liệu đó.

Trong khi đó, với người chăn nuôi trong nước, “liều thua nhiều”. Năm nay người nuôi có thể bán được 50.000 đồng/kg lợn hơi, nhưng năm sau xuống 20.000 – 30.000 đồng/kg, là chuyện thường ngày của người nuôi lợn.

“Người nuôi lợn vẫn cứ mãi chạy theo giá lợn lên xuống thất thường như… dân chơi chứng khoán trong mấy năm qua” – ông Nguyễn Minh Long – chủ trại lợn ở Xuân Lộc (Đồng Nai) nói.

Ông Long cho rằng, những chủ trại lợn có quy mô đàn nái 300 – 500 con như ông, nuôi lợn chỉ bán cho thương lái, chứ không có liên kết với doanh nghiệp nào, nên chịu rủi ro của thị trường rất lớn. Muốn giảm rủi ro, theo ông Long, người chăn nuôi rất cần thông tin về tổng đàn, về nhu cầu thị trường thịt lợn… nhưng đến giờ, không có cơ quan nào cung cấp những số liệu đó cả.

Người dân nuôi lợn đã mù mờ thông tin như vậy, khâu nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn cũng chưa có chiến lược sản xuất một cách bài bản, để giảm nhập khẩu. Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhiều lần kiến nghị: Phải có chính sách thúc đẩy phát triển trồng ngô, đậu tương để giảm dần lượng hàng nhập khẩu.

Theo ông Lịch, mỗi năm, quy mô ngành công nghiệp sản xuất thức ăn tăng từ 10 – 15% (sản lượng năm 2017 khoảng 23 triệu tấn), kéo theo nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng đều đặn từng năm, vì Việt Nam chưa có bất kỳ kế hoạch trồng trọt  dài hơi để chủ động nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn như mặt hàng ngô, vốn sử dụng khoảng 40% trong công thức sản xuất thức ăn, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra khoảng 50.000 tỷ đồng để nhập 8 – 10 triệu tấn nguyên liệu.

Ông Lịch cho rằng, Việt Nam là quốc gia có thể trồng ngô ở nhiều tỉnh, thành thuộc phía Bắc, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, ĐBSCL, nhưng đến nay chúng ta chưa có chính sách thúc đẩy vùng nguyên liệu, cải tạo giống, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ sấy… “Cách nay vài năm, Việt Nam có quy hoạch 250.000ha đất trồng bắp ở các tỉnh ĐBSCL, nhưng do chính sách chưa tốt nên nông dân không chịu trồng!” – ông Lịch nói.

Nguồn : Báo Dân Việt

Trả lời