Khủng hoảng thị trường vì bệnh dịch tả heo châu Phi?
Nguồn gốc dịch bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF)
Dịch ASF lần đầu xuất hiện tại Kenya, sau đó lây lan nhanh chóng tại nhiều nước châu Phi.
Năm 1957, dịch bệnh tả heo châu Phi lần đầu được báo cáo tại châu Âu và gần đây, đầu tháng 8/2018 virus đã bùng phát tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới và được phát hiện tại Mông Cổ vào cuối tháng 1.
Virus ASF gây ra bệnh sốt xuất huyết ở heo với khả năng lây lan nhanh ở mọi lứa tuổi, loại heo và tỉ lệ tử vong lên tới 100% đối với những con heo nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), dịch bệnh hiện chưa có vacxin phòng chống, nhưng không gây nguy hiểm cho con người.
Dịch ASF một khi xuất hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi tại khu vực đó.
Tại Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quốc gia này cho biết tính đến tháng 1, lượng heo bị nhiễm virus ASF đã lên tới 1 triệu con. Mặc dù con số này chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng sản lượng đàn heo 600 triệu con mỗi năm của Trung Quốc, nhưng vẫn tác động lớn tới nguồn cung và giá trên thị trường heo hơi.
Ngày 15/1, cơ quan này cho biết Trung Quốc đã tiêu hủy 916.000 con heo sau khoảng 100 trường hợp bùng phát dịch ASF và có xu hướng lây lan sang các trang trại lớn hơn, thường có hệ thống bảo vệ sinh học tốt hơn.
Sự phức tạp và khả năng lây lan của bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF)
Sau khi virus ASF xuất hiện và lây lan tại ASF, các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cùng OIE đã xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh.
Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban, ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu heo và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương. Ngoài ra, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và địa bàn có nguy cơ cao.
Cùng với đó, các địa phương như TP HCM, Lào Cai, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên đã ban hành kế hoạch ứng phó dịch, cùng với chủ động dự trù nơi tiêu hủy, chôn, đốt heo và sản phẩm heo khi cần thiết, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn.
Tuy nhiên, dịch bệnh mới đây được phát hiện tại Thái Bình và Hưng Yên với 8 ổ dịch. Như vậy có thể thấy sự phức tạp và mức độ lây lan của dịch bệnh.
Với việc hiện vẫn chưa có vacxin để bảo vệ động vật, các nhà nghiên cứu cho biết loại virus này – có thể tồn tại hơn một năm trong hịt heo muối. Dịch bệnh cũng dễ bị lây nhiễm khi heo tiếp xúc với không khí, bụi, thức ăn nhiễm virus ASF.
Theo ông Huang Baoxu, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe động vật và Dịch tễ học Trung Quốc, 46% tất cả trường hợp nhiễm bệnh được điều tra tính tháng 11/2018 tại Trung Quốc bị lây lan từ con người hoặc xe cộ.
Ngoài ra, dùng rác thải nhà bếp là thức ăn cho heo gây ra 23 trường hợp, trong khi 13 ổ dịch bị lây lan vì hoạt động vận chuyển heo sống và sản phẩm từ heo trên khắp các khu vực.
Bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) gây khủng hoảng tâm lý người chăn nuôi
Dịch ASF được báo cáo khiến người chăn nuôi hoảng loạn và dễ dàng xảy ra tình trạng bán tháo tại khu vực xuất hiện ổ dịch.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi heo tỉnh Đồng Nai, bán tháo là cách để bảo vệ đồng vốn của người chăn nuôi nhưng bán tháo heo khỏe là một chuyện, còn nếu là heo bệnh thì là một mối nguy cho ngành chăn nuôi.
“Người nông dân không nên quá sốt ruột, hoang mang làm náo loạn thị trường. Những ngày này nếu bán tháo thì giá sẽ xuống vì với người chăn nuôi, giá nào cũng sẽ bán và đối với thương lái thì đây là cơ hội để họ ép giá”, ông Đoán khuyến nghị.
Vì vậy, người chăn nuôi cần tỉnh táo, theo dõi sát tin tức, tuân thủ qui định và hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương để có quyết định đúng đắn nhất.
Bên cạnh đó, tăng cường sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, lối đi vào trại, nơi cân xe, khu vực xung quanh trạị, khu xử lý heo chết…
Hạn chế nhân viên ra khỏi trại khi không cần thiết. Hạn chế tối đa người vào trại, khi vào phải qua sát trùng.
Nhập heo, thức ăn chăn nuôi rõ ràng, có nguồn gốc và giám sát tình trạng sức khỏe của đàn heo hàng ngày.
Một khi phát hiện đàn heo có triệu chứng, cần thông báo tới cơ quan thú ý tại địa phương để tiến hành xét nghiệm, khử trùng, tiêu hủy…
Theo Kinh tế & Tiêu dùng