Về đầu trang

Thị trường heo hơi miền Nam duy trì mức cao, lo thị trường xáo trộn

Posted by admin
Hiện giá heo hơi xuất chuồng tại các tỉnh phía Nam đang dao động từ 50.000 – 52.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết trước Tết, giá heo hơi xuất bán tại trại chăn nuôi ở mức 52.000-53.000 đồng/kg. Sau Tết, giá heo tiếp tục được đẩy lên 54.000 đồng/kg do nguồn cung có phần thiếu hụt. Tuy nhiên, từ đầu tuần qua, giá heo bắt đầu có dấu hiệu giảm, hiện giá xuất chuồng còn 50.000-52.000 đồng/kg. Theo nhận định của ông Đoán, giá heo giảm có thể do nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc vận chuyển vào TP HCM tiêu thụ khá nhiều với mức giá thấp.

Theo giới kinh doanh, nguồn heo từ phía Bắc đưa vào phía Nam tiêu thụ đã diễn ra cả tuần qua, mỗi ngày có từ 2.000-3.000 con. Giá heo các tỉnh, thành phía Bắc đang thấp, chỉ từ 43.000-45.000 đồng/kg, chênh lệch đến 7.000 đồng/kg so với khu vực miền Đông Nam Bộ nên mới có chuyện đưa heo từ Bắc vào Nam để tiêu thụ. Sở dĩ giá heo ở miền Bắc thấp là do có thông tin dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở một số tỉnh nên người nuôi lo ngại bán tháo khiến giá heo giảm nhanh.

Thịt heo bán lẻ tại chợ ở TP HCM.

Ông Đoán lo lắng về việc nguồn heo từ khu vực phía Bắc đang chuyển vào phía Nam tiêu thụ sẽ rất nguy hiểm. Nếu dịch bệnh bị lây nhiễm vào khu vực nuôi heo lớn như Đồng Nai sẽ dẫn đến thiệt hại rất nặng nề. Theo ông Đoán, cơ quan chức năng cần có biện pháp để kiểm soát nguồn heo từ phía Bắc vận chuyển vào phía Nam tiêu thụ.

Trong khi đó, ghi nhận tại 2 chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) và Bình Điền (quận 8), thông thường mỗi ngày tiêu thụ khoảng 7.000 con heo mảnh nhưng hiện nay giảm còn khoảng 6.000-6.500 con. Giá heo mảnh hồi đầu tuần ở mức cao 72.000-73.000 đồng/kg, nay giảm còn 62.000-68.000 đồng/kg.

Những người am hiểu thị trường cho biết do hiện vẫn còn trong tháng ăn chay (tháng giêng âm lịch) nên nhu cầu tiêu thụ thịt heo có phần giảm. Tuy nhiên, khi hết tháng giêng, nhu cầu thịt heo sẽ tăng trở lại mà nguồn cung không đủ đáp ứng đủ mới đáng lo. Vì thời điểm này nhiều người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dám đầu tư cho đợt heo kế tiếp mà chỉ nuôi cầm chừng.

Ông Trần Quang Trung – chủ một trại chăn nuôi heo lớn ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai – cho biết hiện nay, các trại đã bắt đầu khó bán heo ra, thương lái viện nhiều lý do để trì hoãn việc mua heo. Theo ông Trung, ở xã Gia Kiệm hiện có đến 50% hộ nuôi heo giảm đàn, có hộ dự tính sau khi bán hết lượt heo hiện nay sẽ bỏ chuồng trống để nghe ngóng tín hiệu thị trường.

Đồng Nai hiện là địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 2,5 triệu con. Do đó, nếu dịch AFS bùng phát sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc bệnh dịch tả heo châu Phi (AFS) xuất hiện trong nước khiến người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh hết sức lo lắng.

Sau khi căng mình chống chọi với bão giá, người chăn nuôi thủ phủ nuôi heo cả nước lại phải đối mặt với rủi ro từ dịch bệnh. Các cơ quan chức năng đang phải ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.​

Người chăn nuôi cẩn trọng về nguồn thức ăn của heo trước dịch ASF

Những ngày qua, ông Trần Quang Trung, chủ trại heo tại xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, thuộc địa bản tỉnh Đồng Nai đang vô cùng lo lắng trước thông tin dịch bệnh AFS đã xuất hiện ở Việt Nam.

Trước đó, khi có những thông tin về dịch bệnh này bùng phát ở Trung Quốc, ông Trung cũng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu. “Tôi được biết bệnh này chưa có vắc xin đặc trị, heo nhiễm bệnh thì tỷ lệ chết gần như tuyệt đối. Do đó, giờ dịch bệnh này đã xuất hiện trong nước thì ai nuôi heo cũng lo lắng cả”, ông Trung cho biết.

Để bảo vệ cho đàn heo 700 con của mình, những ngày này trang trại của ông Trung gần như “nói không” với người lạ. Chỉ gia đình và hai nhân công được ông thuê mới được ra vào trại nhằm ngăn ngừa nguy cơ mầm bệnh xâm nhập.

Ông Trung cũng tiến hành phun xịt, khử trùng chuồng trại. Đặc biệt, với thức ăn cho heo, ông chỉ sử dụng sản phẩm của những doanh nghiệp lớn, uy tín.

“Tuy giá cao hơn nhưng đảm bảo hơn về việc không có mầm bệnh trong thức ăn. Người nuôi heo chúng tôi mới trải qua cơn “bão giá” đã rất khó khăn, giá vừa phục hồi được mấy tháng thì giờ lại phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm này”, ông Trung chia sẻ.

Tương tự, những ngày này, bà Nguyễn Thanh Thủy, một hộ chăn nuôi heo tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cũng đang làm mọi cách để bảo vệ đàn heo của gia đình.

Đàn heo của bà Thủy khoảng 100 con, ngoài nguồn thức ăn chính là cám mua từ đại lý, bà Thủy còn tận dụng lấy thêm nguồn thức ăn dư thừa từ các quán và bếp ăn công nghiệp về nuôi heo.

Tuy nhiên, khi có thông tin về dịch bệnh AFS đã xuất hiện trong nước, bà Thủy quyết định ngừng sử dụng loại thức ăn này, chỉ dùng cám của các doanh nghiệp.

“Giờ mà xảy ra dịch thì gia đình trắng tay. Do đó, tôi không dùng thức ăn dư thừa từ quán, bếp ăn nữa vì tôi nghe nói dịch bệnh có khả năng lây lan qua đường này”, bà Thủy cho hay.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho hay, hiện nay bệnh AFS trên heo chưa có vắc xin đặc trị. Trong khi đó, tỷ lệ chết đối với heo nhiễm bệnh gần như tuyệt đối nên người chăn nuôi hết sức lo lắng.

“Hơn năm rưỡi qua, người chăn nuôi heo phải đối mặt với bão giá, giờ giá phục hồi thì đến nỗi lo dịch bệnh nên người chăn nuôi lo lắng là đúng. Bởi, nếu bây giờ xảy ra dịch bệnh, nhiều người chăn nuôi sẽ rơi vào cảnh trắng tay”, ông Công cho biết.

Cách phòng chống dịch ASF

Cũng theo ông Công, hiện cách đối phó duy nhất đối với AFS là thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học nhằm tránh loại vi rút này xâm nhập trại nuôi. Tuy nhiên, cụ thể quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như thế nào thì không nhiều người chăn nuôi nắm rõ.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Trần Văn Quang cho biết, ngay khi nắm thông tin bệnh AFS xuất hiện ở Hưng Yên và Thái Bình, sáng 20/2, cơ quan chức năng của Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp, đề ra các giải pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh.

Vệ sinh chuồng trại

Theo ông Quang, bệnh AFS không có vắc xin phòng bệnh, không có khái niệm chữa trị, 100% heo mắc bệnh bị chết.

Do đó, cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là người chăn nuôi cần đảm bảo các điều kiện để dịch bệnh không xâm nhiễm vào trại nuôi.

Cụ thể, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh; có các biện pháp ngăn chặn các loại côn trùng, gặm nhấm vì chúng có thể mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác.

Khi phát hiện heo có biểu hiện bất thường thì báo cho cơ quan chức năng. Cùng với đó, mua con giống phải rõ nguồn gốc; không nên sử dụng thức ăn dư thừa, không rõ xuất xứ.

Không cho người lạ vào chuồng

Không cho người lạ (đặc biệt là thương lái) vào khu chuồng trại vì những người này có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác vào.

“Sắp tới, Đồng Nai sẽ tổ chức hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện nhằm cung cấp cho người nuôi heo các giải pháp phòng, chống dịch. Cơ quan Thú y sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch tễ, nếu phát hiện heo mắc dịch bệnh có yếu tố bất thường thì lập tức lấy mẫu xét nghiệm”, ông Quang cho biết.

Kiểm soát việc vận chuyển heo từ địa phương khác qua

Đồng Nai cũng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo từ các địa phương khác qua địa bàn tỉnh.

Trưởng trạm kiểm dịch động vật Ông Đồn (nằm trên QL 1A, thuộc huyện Xuân Lộc) Phan Mạnh Hùng cho hay, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 10 xe chở heo (khoảng hơn 1.500 con) từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam đi qua Trạm kiểm dịch Ông Đồn để đưa vào các tỉnh Tây Nam bộ.

Do dịch bệnh AFS đã xuất hiện ở nước ta nên Trạm kiểm dịch Ông Đồn đã huy động toàn bộ lực lượng, tăng cường kiểm tra, đảm bảo tất cả heo qua trạm đều có xuất xứ, nguồn gốc, đã được kiểm dịch.

Theo ông Hùng, hiện nay giá heo ở miền Nam đang cao hơn các tỉnh miền Bắc nên khả năng heo được vận chuyển từ Bắc vào Nam sẽ tăng lên trong những ngày tới.

Với heo có biểu hiện mang bệnh, Trạm kiên quyết ngăn chặn, không cho lưu thông. “Trong vài ngày qua, có một số xe chở heo đã không tuân thủ quy định của pháp luật, cố tình vượt Trạm kiểm dịch động vật Ông Đồn.

Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, trạm đang làm việc với lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm xử lý xe chở động vật vượt trạm”, ông Hùng cho hay.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh Trần Văn Quang cho biết thêm, ngoài Trạm kiểm dịch Ông Đồn kiểm soát việc vận chuyển heo từ Bắc vào Nam, sắp tới Đồng Nai sẽ thành lập thêm một trạm kiểm dịch động vật trên Quốc lộ 20, nhằm kiểm soát việc vận chuyển heo từ các tỉnh Tây Nguyên qua địa bàn Đồng Nai.

10 giải pháp đối phó và xử lý khi có AFS xảy ra ở Đồng Nai

Trước diễn biến phức tạp của dịch AFS, ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này trên toàn quốc.

 

Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đưa ra 10 giải pháp nhằm đối phó và xử lý khi có dịch AFS xảy ra gồm: Thông tin về tác hại của bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng;

Tuyên truyền công tác phòng, chống dịch khẩn cấp ở tỉnh và 11 huyện, thị xã, thành phố;

Điều tra, thống kê đàn heo và giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện các ca bệnh xảy ra;

Kiện toàn trạm kiểm dịch trên Quốc lộ 1 và thành lập mới trạm kiểm dịch trên Quốc lộ 20 để giám sát các xe vận chuyển heo vào ra trên địa bàn tỉnh;

Tăng cường công tác kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ để kịp thời phát hiện các trường hợp bất thường, kịp thời có biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh;

Gửi mẫu đi giám định những con heo bệnh có dấu hiệu nghi ngờ mắc AFS;

Phối hợp Sở Tài chính cụ thể hóa mức hỗ trợ đối với những trường hợp heo bệnh buộc phải tiêu hủy;

Phối hợp Sở Tài nguyên – môi trường xác định nơi tiêu hủy và hướng dẫn các quy định tiêu hủy nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường;

Tổ chức tiêu độc, khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh;

Hướng dẫn các trang trại thực hiện các biện pháp an toàn sinh học phòng ngừa bệnh.

Tổng hợp: Báo kinh tế và tiêu dùng – Thanh niên

 

Trả lời