Sẽ tới lúc ‘khủng hoảng thịt lợn’?
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã lan ra 22 tỉnh thành, số lợn tiêu hủy khoảng 73.000 con. Các doanh nghiệp (DN) đề xuất không chỉ dập dịch mà cần đồng thời kích thích lưu thông để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn.
Tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với các DN chăn nuôi lớn chiều 27/3, Ông Kiều Minh Lực, Phó TGĐ Tập đoàn C.P Việt Nam lo ngại, giá lợn đang giảm, không tiêu thụ được, tồn đọng rất lớn. Do vậy, cần xử lý vấn đề lưu thông. “Lợn đến kỳ xuất chuồng ứ đọng tăng lên, khả năng miễn dịch kém dần, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cao. Đây là một vòng luẩn quẩn”, ông Lực nói.
Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó TGĐ Tập đoàn Masan cho biết, từ tháng 8/2018, Masan đã ngừng nhập bột xương từ các nước có dịch, tăng lấy mẫu kiểm tra các lô hàng có nguồn gốc động vật.
Trong tình cảnh tương tự, ông Đào Lê Vũ, Phó TGĐ điều hành khu vực Bắc Sông Hồng Cty GreenFeed cho biết, GreenFeed đang gặp trở ngại khi tiêu thụ lợn thịt, lợn giống. “Chúng ta phải qua quá nhiều trạm kiểm dịch, hậu kiểm. Chúng tôi lo ngại việc lây nhiễm ở khâu này”, ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, do đang “sống chung” với dịch, nên đàn lợn phải có chứng nhận âm tính với ASF mới được xuất. Song việc cứ 2 tuần phải gửi mẫu đi xét nghiệm một lần là gây khó cho DN. Ông Vũ cho rằng, một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có khả năng nhiễm virus ASF. Hiện có một số DN kiểm soát, nhưng cũng có đơn vị làm chưa tốt, nên có thể làm lây lan dịch.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho biết hiện giá lợn hơi đã tụt xuống 32-33 nghìn đồng/kg. Theo ông, cần sự vào cuộc của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT… để truyền thông rõ vì ASF không lây sang người, tránh tâm lý cực đoan bài trừ thịt lợn như hiện nay.
“Ở Bắc Ninh, từ vấn đề nhiễm sán lợn, kết hợp với dịch tả lợn châu Phi, các trường học nhắn nhau không dùng thịt lợn. Nếu không làm tốt chỗ này, sẽ rất khó khăn cho các hộ chăn nuôi và trang trại”, ông So nói.
Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho rằng, phòng chống ASF là quá trình lâu dài không thể một sớm, một chiều. Ông So đề xuất thành lập các địa điểm phân phối thịt lợn an toàn ở siêu thị, điểm bán lẻ, nhất là khu vực nông thôn để kích thích tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng kiểm tra, giám sát, nguồn thịt đảm bảo an toàn thực phẩm, có lộ trình cấm giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích xây dựng lò mổ tập trung. “Có thể nghiên cứu hạn chế nhập khẩu thịt lợn, kể cả tạm nhập tái xuất, kể cả bột thịt xương, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh”- ông So nói.
Ông Đàm Mạnh Lương, TGĐ Tập đoàn Mavin nói, thứ 6 vừa qua, Trung Quốc phải hỗ trợ khẩn cấp để duy trì đàn giống của nước này. Điều này cho thấy, vấn đề không chỉ là dập dịch mà còn phải duy trì đàn lợn.
Theo ông Lương, một năm vừa qua, tổng đàn nái của Trung Quốc đã giảm 20%, giá lợn trong tuần vừa qua tăng 37%. Vậy trong 6 tháng tới Việt Nam có khủng hoảng thịt lợn hay không? “Thời gian qua, tôi có cảm giác là chúng ta đang cố gắng dập dịch, chứ không phải là kiểm soát nó”, ông Lương nói. Ông Lương lấy ví dụ Tây Ban Nha, Ba Lan… đã thành công về kiểm soát ASF và cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Ông Lương kiến nghị, cần một hành động liên bộ để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn. Chẳng hạn, Bộ Y tế phải đưa ra thông điệp để người tiêu dùng biết rõ là virus ASF không làm hại đến sức khỏe con người.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các DN, trang trại chăn nuôi tổng rà soát các biện pháp về an toàn sinh học nội bộ một cách cao nhất, từ thức ăn, giống, chuồng trại, quy trình chăn nuôi, con người, dụng cụ… để phòng dịch, vì nếu lơ là sẽ “không có cơ hội để rút kinh nghiệm”.
Theo Bộ trưởng Cường, các DN cũng cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tiêu thụ thịt bình thường, không có tồn dư. Theo ông DN muốn “chiến đấu” với môi trường bền vững phải sản xuất theo chuỗi hoặc liên kết “chứ không là suốt ngày đi giải cứu”. Ông Cường yêu cầu Cục Thú y từ các kiến nghị của DN rà soát lại các quy định, bất cập trong khâu lấy mẫu để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc biến động trong khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg
Theo ghi nhận, trong khi giá heo hơi tại Hải Dương tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên 35.000 đồng; khu vực Hà Nội báo giá heo giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg xuống 33.000 – 34.000 đồng. Tại Phú Xuyên, heo hơi được thu mua ở mức 34.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Ninh Bình, Hà Nam cũng xuống còn 33.000 – 34.000 đồng/kg. Hiện, mức giá phổ biến trong khu vực đang dao động trong khoảng 33.000 – 35.000 đồng/kg.
Về diễn biến dịch tả heo châu Phi (ASF), theo Cục Thú y, đến thời điểm này, đã có 476 xã của 91 huyện, thuộc 23 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch bệnh. Trong đó, Vĩnh Phúc là tỉnh vừa mới công bố có dịch bệnh vào sáng 27/3.
Đến nay, đã có 73.000 con heo bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên giảm tới 5.000 đồng/kg
Cụ thể, Khánh Hòa, Ninh Thuận là hai địa phương ghi nhận mức giảm này, với giá heo hơi xuống 37.000 đồng/kg. Tại Thanh Hóa, giá heo hơi giảm tới 4 giá xuống 34.000 đồng/kg. Quảng Nam, Quảng Ngãi đồng loạt giảm 2.000 đồng xuống 37.000 đồng/kg.
Còn giá heo hơi tại Hà Tĩnh báo giảm ít hơn, khoảng 1.000 đồng, xuống 31.000 đồng/kg. Như vậy, với đợt thay đổi này, giá heo hơi tại khu vực xuống còn 31.000 – 38.000 đồng/kg.
Tại Tây Nguyên, một hộ chăn nuôi cho hay giá heo vẫn dao động trong khoảng 39.000 – 40.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam biến động trái chiều
Theo đó, giá heo hơi tại Vĩnh Long có nơi báo tăng 2.000 đồng/kg lên 42.000 đồng. Khu vực Đồng Nai ghi nhận giá heo đạt 41.000 – 42.000 đồng/kg đối với heo đẹp, nhưng có nơi giá vẫn chỉ ở mức 38.000 đồng/kg. Tại Tiền Giang, giá heo cũng tăng nhẹ 1.000 đồng lên 41.000 đồng/kg.
Ngược lại, một số địa phương như Long An, Tây Ninh giá heo hơi giảm khoảng 1.000 đồng xuống lần lượt 39.000 đồng và 43.000 đồng/kg. Giá heo tại Vũng Tàu giảm mạnh 3.000 đồng xuống 37.000 đồng/kg.
Tại chợ đầu mối TP HCM, lượng heo về chợ trong ngày 27/3 đạt 4.100 con và thương lái cho biết tình hình buôn bán tại chợ tiếp tục tốt, thể hiện nhu cầu tiêu thụ của người dân đang tăng lên.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng