Về đầu trang

Thị trường heo hơi có thể lên đến 70.000 đồng/kg: Cơ hội ‘vàng’ cho DN chăn nuôi lớn?

Posted by admin

Cung thiếu hụt – cầu tăng trở lại

Hai tuần qua ghi nhận đà tăng mạnh giá heo hơi trên cả nước. Đặc biệt tại miền Bắc, giá heo hơi tăng tới 10.000 – 12.000 đồng/kg lên 35.000 – 42.000 đồng/kg.

Vùng miền Giá heo hơi ở các miền 15/6 (đồng/kg)  Tăng so với ngày 3/6 (đồng/kg)
Miền Bắc 35.000 – 42.000 10.000 – 12.000
Miền Trung – Tây Nguyên 32.000 – 42.000 4.000
Miền Nam 37.000 – 38.000 2.000 – 8.000

Giải thích đà tăng mạnh của giá heo hơi này, trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết thời gian qua, tâm lí người tiêu dùng trước dịch tả heo châu Phi đã ổn định, do đó nhu cầu tiêu thụ thịt heo quay trở lại. Trong khi đó, nguồn cung của thực phẩm này giảm mạnh sau các đợt tiêu hủy heo vừa qua.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 12/6, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 55 tỉnh, thành phố. Số lượng heo buộc phải tiêu hủy là hơn 2,5 triệu con với trọng lượng hơn 148.000 tấn.

“Bản chất chung vẫn nằm ở phía cung. Hiện nay nguồn cung đang bị thiếu hụt. Trong khi đó, nhu cầu có thể giảm ở một giai đoạn nhất định nhưng không thể kéo dài lâu và có thể tăng trở lại bất kì lúc nào.

Nói một cách đơn giản, người ta không thể mãi ăn thịt gà, cá, thịt bò mãi được vì dù gì thịt heo vẫn chiếm một trọng rất lớn trong cơ cấu khẩu phần ăn của người Việt Nam”, ông Thắng nhận định.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, hiện trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của Việt Nam, thịt heo chiếm đa số với gần 71%, thịt gia cầm chiếm 20,4%, thịt gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6%.

Theo ông Thắng, từ nay đến cuối năm khả năng tái đàn rất thấp và nguồn cung vẫn thiếu hụt, khiến giá heo hơi sẽ bị đẩy lên cao.

“Giá heo hơi tăng mạnh vào cuối năm là khó tránh. Tôi cho rằng, giá heo hơi có thể lên tới 60.000 – 70.000 đồng/kg”, Tổng thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định.

Nói riêng ở TP HCM, khu vực mới công bố dịch tả heo châu Phi vào ngày 11/6, ông Thắng nhận định thời gian tới nguồn cung tại đây sẽ giảm đáng kể.

“Đồng Nai và một số tỉnh Đông Nam Bộ chiếm tới quá nửa nguồn cung heo cho TP HCM. Trong khi đó, bản thân TP HCM cũng không nuôi được nhiều do quá trình đô thị hóa. Ngoài ra, nguồn cung heo từ miền Bắc cũng bị thắt chặt do quá trình kiểm dịch.

Vì vậy, nguồn cung heo cho TP HCM chắc chắn giảm và giá heo hơi khu vực này vẫn có thể tăng trong ngắn hạn”, ông Thắng nhận định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM, từ ngày 25/2, thành phố vận động các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào địa bàn.

Nguồn heo nhập vào thành phố giết mổ chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa – Vũng Tàu (8,01%).

Thành phố có 11 cơ sở giết mổ heo với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm là 6.500-7.000 con heo/ngày.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 12/6, có ba trong số 5 tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ đã công bố dịch tả heo châu Phi là Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và TP HCM. Số heo bị tiêu hủy là gần 17.000 con, trọng lượng gần 910 tấn. Còn lại hai tỉnh và Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh chưa có dịch.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, 11 trong số 13 tỉnh, thành phố cũng đã công bố dịch với số lượng tiêu hủy là gần 10.000 con, trọng lượng 916 triệu tấn.

Cơ hội vàng cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn

Ông Thắng nhận định đây cơ hội vàng cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn với tiềm lực tài chính mạnh và khả năng đảm an toàn sinh học tốt.

“Những trang trại tiềm năng, qui mô và tiềm lực tài chính lớn, điều kiện an toàn sinh học tốt không “dại” gì mà không chớp lấy cơ hội để đầu tái đàn. Và đây là cơ hội vàng đối với doanh nghiệp lớn để “lấp đầy” thị phần bị bỏ trống từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do chịu tác động của dịch tả heo châu Phi”, ông Thắng nói.

Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam khuyến nghị vẫn nên “nghe ngóng” thông tin thị trường, giữ đàn trong khả năng và điều kiện an toàn sinh học tốt nhất của mình. Đối với việc tái đàn, người dân vẫn nên thận trọng để tránh rủi ro phải chịu thiệt hại lớn khi dịch tả heo châu Phi xâm nhập.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Trả lời