Thị trường dầu mỏ khó yên với chiến tranh thương mại
Vào thời điểm giá dầu trượt dốc thẳng đứng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiếp tục đánh thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, việc Iran có động thái bắt giữ các tàu chở dầu qua Vịnh Ba Tư lần thứ 3 trong vài tuần cũng không đủ sức đẩy giá dầu đi lên. Thực tế, dường như điều duy nhất hiện tại có thể tác động lớn tới giá dầu là cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Khi ông Trump cho biết sẽ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng 1/2019, giá dầu ngay lập tức giảm 8%, trong khi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành dầu khí giảm ít nhất 10%. Ðây là biến động đi xuống lớn nhất trong 1 ngày trong 3 năm qua. Cùng với đó, các chỉ số chứng khoán lớn trên toàn cầu, bao gồm Dow Jones và S&P 500 đều giảm ít nhất 1%.
Hiện tại, giá dầu đang giao dịch ở mức thấp nhất 6 tuần qua, với giá dầu thô Brent vào khoảng dưới 60 USD/thùng. Trong khi đó, Bank of America đưa ra cảnh báo, mức 30 USD/thùng là hoàn toàn có thể xảy ra khi Trung Quốc có những động thái đáp trả cứng rắn trước hành động của Mỹ.
Cụ thể, Trung Quốc cho phép nhân dân tệ giảm giá xuống mức thấp nhất 10 năm qua so với USD, khiến hàng hóa từ Ðại lục trở nên rẻ hơn so với các loại hàng hóa khác tính bằng đồng bạc xanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Việc xung đột thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang đe dọa đà tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc nói riêng, nền kinh tế toàn cầu nói chung. Theo đó, tác động trực tiếp đầu tiên là ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ dầu trên thị trường, khi doanh nghiệp bị tổn thương bởi cuộc chiến và tâm lý đầu tư đi xuống.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ làm tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 giảm 0,3%, cùng với việc đã làm giảm 0,2% trong năm ngoái khi các hàng rào thuế được dựng lên. Ðáng chú ý, con số này được đưa ra trước khi mức thuế với 300 tỷ USD hàng hóa được công bố mới đây.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, khi mua 9,24 triệu thùng dầu/ngày năm 2018 và đa phần số dầu mua về vẫn đang nằm trong các kho dự trữ. Nếu nền kinh tế Trung Quốc chịu tác động của xung đột thương mại và tiếp tục giảm tốc, việc nhập khẩu dầu thô đi xuống là dễ nhận thấy. Ðiều này sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ dầu thô trên thị trường toàn cầu, nhất là khi nguồn cung dầu đang gia tăng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ gia tăng nhanh hơn trong năm tới khi sản lượng dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục mới. Theo giới chuyên gia, năm 2020, nguồn cung dầu mỏ sẽ vượt nhu cầu khoảng hơn 1 triệu thùng/ngày. Việc nguồn cung đi lên trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút sẽ giữ giá dầu ở mức thấp và tiếp tục đi xuống, bất chấp những biến động khác trên thị trường dầu mỏ.
Khi 2 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới tiếp tục xung đột và chưa có tín hiệu sẽ đi đến hồi kết, những tổn thất cho cả 2 phía là tất yếu. Hậu quả để lại là tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm và thị trường dầu mỏ là một trong những nạn nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Nguồn : Copy