Giá heo hơi hôm nay 11/12: Tăng phi mã, tiến gần mốc 90.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tiến sát 90.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tăng chóng mặt, đạt ngưỡng 88.000 đồng/kg, tiến sát mốc 90.000 đồng/kg.
Cụ thể, Tuyên Quang tăng 7.000 đồng/kg lên 83.000 đồng/kg, Yên Bái tăng 2.000 đồng/kg lên 79.000 đồng/kg, Hà Nam tăng 4.000 đồng/kg lên 84.000 đồng/kg, Thái Bình 81.000 đồng/kg, Nam Định 83.000 đồng/kg, Ninh Bình 79.000 đồng/kg.
Hà Nội tăng 7.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg. Đặc biệt Hưng Yên tăng 2.000 đồng/kg lên 86.000 đồng/kg, tuy nhiên ở một số huyện thương lái đã trả giá lên tới 87.000 – 88.000 đồng/kg.
Vừa hôm qua Công ty cổ phần chăn nuôi C.P báo tăng giá tại kho 1.000 đồng/kg, hôm nay lại tăng tiếp 2.000 đồng/kg. Hiện giá heo hơi tại kho của công ty này đạt 77.000 đồng/kg, nhưng ngoài thị trường, bà con chăn nuôi đang bán cao hơn khoảng 10 giá, dao động từ 86.000 – 88.000 đồng/kg tuỳ địa phương.
Như vậy, chỉ trong 2 ngày, C.P miền Bắc đã tăng giá bán tới 3.000 đồng/kg, trong khi C.P miền Nam còn tăng mạnh hơn khi ngày 10/12 tăng 3.000 đồng/kg, còn hôm nay cũng tăng 1.500 đồng/kg. Việc doanh nghiệp chiếm thị phần chăn nuôi heo lớn nhất cả nước điều chỉnh giá tăng mạnh đã khiến thị trường cả nước như “sôi sục” theo.
Giá heo hơi tại miền Bắc hiện dao động trong phổ giá khoảng từ 79.000 – 86.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi miền Trung đồng loạt tăng giá
Thị trường heo hơi miền Trung – Tây Nguyên hôm nay đồng loạt tăng giá mạnh theo đà tăng của miền Bắc.
Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận đồng loạt tăng giá 2.000 đồng/kg lên 67.000 – 72.000 đồng/kg. Bình Định tănh 1.000 đồng/kg lên 73.000 đồng/kg.
Đặc biệt, Quảng Trị tăng 8.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg, cùng với Thanh Hoá và Nghệ An tăng 2.000 đồng/kg lên 82.000 đồng/kg, là những địa phương có giá cao nhất miền. Hiện giá trung bình tại đây đạt khoảng 70.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung nằm trong khoảng giá từ 68.000– 82.000 đồng/kg.
Thị trường miền Nam giá heo đạt đỉnh 82.000 đồng/kg
Miền Nam hôm nay cũng rộn ràng tăng giá ở khắp các tỉnh thành, sau khi CP ngày thứ 2 liên tiếp điều chỉnh tăng giá heo hơi thêm 3.500 đồng/kg cho thị trường phía Nam. Tổng cộng mức điều chỉnh tăng của CP trong 2 ngày qua tại phía Nam là 6.500 đồng/kg; mức điều chỉnh tại phía Bắc là 3.000 đồng/kg.
Đồng Nai – thủ phủ nuôi heo của cả nước đã tăng tận 8.000 đồng/kg lên 82.000 đồng/kg – mức giá cao nhất miền. Bình Dương cũng theo đó tăng 4.000 đồng/kg, Vũng Tàu tăng 1.000 đồg/kg cùng lên 75.000 đồng/kg.
Tại miền Tây, Tiền Giang tăng 3.000 đồng/kg lên 78.000 đồng/kg, Bến Tre tăng 4.000 đồng/kg lên 78.000 đồng/kg, Sóc Trăng tăng 3.000 đồng đạt giá 75.000 đồng/kg và Trà Vinh tăng 3.000 đồng/kg có giá 81.000 đồng/kg.
Hiện giá heo hơi trung bình khu vực miền Nam đạt 75.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 72.000 – 82.000 đồng/kg.
Hỗ trợ tiền, xem xét xóa nợ cho cơ sở chăn nuôi lợn
Ngày 10/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại với nông dân lần thứ hai tại TP.Cần Thơ với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.
Tại đây, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã hỏi Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành về chính sách đột phá để ưu tiên, hỗ trợ ngành chăn nuôi, đặc biệt là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn trích dẫn Quyết định số 793/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành ngày 27/6/2019. Theo đó, người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ nhận được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Chính phủ hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn thịt (khoảng 70% giá thành sản xuất); hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn giống; 500.000 đồng/con lợn giống cụ kỵ, ông bà.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định đã có nhiều khoản tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ đối với người dân chưa có khả năng trả nợ.
“Chúng tôi chỉ đạo tất cả chi nhánh khoanh nợ, kéo dài các khoản nợ, tạo điều kiện cho người dân, trong đó có người dân bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất”, ông Tú nói.
Đáng chú ý, ông Đào Minh Tú cũng cho biết thêm, nếu sự việc xảy ra với quy mô lớn thì có thể tính đến việc xóa nợ cho người chăn nuôi lợn.
Hàng chục xe ô tô tải lớn chuyển heo vào Việt Nam mỗi đêm
Theo ghi nhận, hiện biên giới thuộc địa bàn tỉnh Long An và An Giang đang được xem là “điểm nóng” về việc vận chuyển và buôn bán heo lậu từ Campuchia vào nội địa. Tại một số bãi đất trống gần khu vực biên giới thị trấn Long Bình (huyện An Phú, An Giang), mỗi đêm có hàng chục xe ô tô tải lớn đến chờ chuyển heo vào Việt Nam. Những xe này chủ yếu đến từ TP Cần Thơ, Kiên Giang và TP Long Xuyên của tỉnh An Giang. Heo lậu được vận chuyển về đây bằng xe máy, xe tải nhỏ và thuyền nhỏ… Theo một số đầu nậu ở đây, phần lớn heo được các đầu nậu Campuchia nhập lậu từ Thái Lan, sau đó bán lại cho các đầu nậu phía Việt Nam. Để qua mặt cơ quan chức năng, các đầu nậu thường lợi dụng đêm khuya vận chuyển heo bằng xe máy, rồi thuê chuồng heo của các hộ dân dọc theo tuyến biên giới để nhốt tạm, khi có thời cơ sẽ cho xe tải nhỏ vận chuyển đến điểm tập kết, rồi chuyển qua các xe tải lớn mang đi các tỉnh tiêu thụ. Thậm chí, có những đầu nậu còn đưa thợ sang Campuchia để giết mổ, chia nhỏ, dùng phương tiện xe máy “tuồn” về qua biên giới đem đi tiêu thụ kiếm lời. |
Nguồn : Tổng hợp