Giá thịt lợn tăng bình quân 68,2%
Giá thịt lợn tăng do nguyên nhân cung – cầu
Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá cả thị trường sáu tháng đầu năm 2020 diễn biến tăng, giảm đan xen do chịu ảnh hưởng của các yếu tố cung – cầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, mặt bằng giá tăng cao vào tháng 1 do yếu tố quy luật dịp lễ Tết nhưng quay đầu giảm trong các tháng tiếp theo do tác động của dịch bệnh Covid 19 và dần hồi phục trở lại bình thường từ tháng 5, khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu trong nước giảm 19,49% so cùng kỳ năm 2019, tác động làm CPI giảm 0,81%. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến du lịch, hoạt động đi lại của người dân sau Tết giảm khiến giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 1,49%…, là yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, lạm phát bình quân sáu tháng đầu năm tăng 4,19% so bình quân cùng kỳ năm 2019; lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đầu năm tăng 2,81% so bình quân cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng từ tăng giá thịt lợn.
Cụ thể, tháng 12-2019, giá thịt lợn đã tăng 49% so cùng kỳ năm 2018. Tính chung sáu tháng đầu năm 2020, giá thịt lợn tăng bình quân 68,2%, đóng góp 2,86% vào mức tăng 4,19% của CPI bình quân cùng giai đoạn, chiếm gần 2/3 mức tăng CPI bình quân, kéo theo đà tăng giá của các mặt hàng thực phẩm chế biến.
“Giá thịt lợn tăng hoàn toàn do nguyên nhân cung – cầu. Nguồn cung thiếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh này đã khiến sản lượng thịt lợn sáu tháng qua giảm 8,8%, đàn lợn giảm 7,5% so cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá mặt hàng thịt lợn” – bà Ngọc nói.
“Tuy nhiên, đến hết tháng 5-2020 giá thịt lợn vẫn ở mức cao do nhu cầu tăng trong khi đó nguồn cung thịt lợn thiếu. Từ ngày 12-6, Việt Nam chính thức nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về để nuôi, giết mổ làm thực phẩm, theo đó, giá lợn hơi trong nước giảm từ 2.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg. Nhưng giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ dân sinh tháng 6 vẫn tiếp tục tăng 3,36% so với tháng trước”, bà Ngọc giải thích.
TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn chính sách kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “kéo giá thịt lợn xuống chỉ là giải pháp trước mắt. Quan trọng hơn, cần hình thành lại khâu phân phối trong nông nghiệp. Trong thị trường hiện đại, thành công thuộc về người nắm kênh phân phối”.
“Bên cạnh đó, về phía người dân cũng cần đa dạng hóa thực phẩm, chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm khác như thịt bò, gia cầm, trứng… để giảm dần áp lực cho nguồn cung thịt lợn. Tuy nhiên, thói quen này không phải có thể thay đổi trong ngày một ngày hai” – TS Nguyễn Đức Kiên đánh giá.
Các yếu tố tăng giá đột biến cuối năm
Nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước đều chỉ rõ, kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong nửa cuối năm 2020 và có thể kéo dài sang những năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thể đạt mục tiêu 6,8% như kế hoạch dự kiến.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) vừa công bố hai kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP 2,1%, xuất khẩu giảm 3,1%, thặng dư thương mại 1,7 tỷ USD, lạm phát 4,3%. Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP 2,6%, xuất khẩu giảm 1,9%, thặng dư thương mại 2,1 tỷ USD, lạm phát 4,5%.
Do đó, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng năm 2020.
Tổng cục thống kê kiến nghị, Chính phủ cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi không để phát sinh ổ dịch mới. Khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn, góp phần kiểm soát lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 dưới 4% là khả thi.
Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính), có hai nhân tố chính tác động làm tăng CPI những tháng cuối năm.
Đó là giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.
Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Bên cạnh đó, cũng có ba yếu tố sẽ kiềm chế tốc độ tăng CPI: Tình hình dịch bệnh Covid-19; chiến tranh thương mại; xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng.
Cung – cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt do các doanh nghiệp đang tích cực tái đàn và nhiều nơi đạt kết quả tốt.
Cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra. Đây chính là yếu tố tích cực ổn định CPI.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá: Công tác điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát năm 2020 sẽ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với các năm trước do thế giới đang trong cuộc khủng hoảng do Covid-19.
“Áp lực làm phát là có nhưng có thể vượt qua, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% nếu các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, xem xét lại vấn đề giá của sách giáo khoa, giảm được giá thịt lợn. Đặc biệt là tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ” – PGS.TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.