Ngành vận tải ‘chết lâm sàng’, doanh nghiệp dừng đăng kiểm xe để tiết kiệm tiền
Chịu đòn đau giáng mạnh lần thứ 2 từ COVID-19 chỉ trong vòng nửa năm, nhiều doanh nghiệp vận tải có nguy cơ phá sản, chưa biết bao giờ có thể quay lại thị trường.
Khách thưa thớt, công trình phải gác lại vô thời hạn, du lịch đóng băng là những lý do khiến ngành vận tải phải “ngủ đông” bất đắc dĩ và chưa biết ngày nào mới thức tỉnh.
Chia sẻ với VTC News, ông Ngô Bảo Thiên – đại diện Công ty TNHH Vận tải du lịch và dịch vụ thương mại Long Hiền, Tổng thư ký Hội vận chuyển du lịch Đà Nẵng – cho biết, dù không đến mức thiệt hại ngay và luôn như du lịch nhưng ngành vận tải cũng đối diện với những nguy cơ lớn. Số lượng xe từng sử dụng để phục vụ du lịch tại doanh nghiệp của ông đang phải ngừng hoạt động 100%. Một số ít xe được điều động hoạt động cầm chừng trong các dự án hợp đồng nhỏ lẻ khác như là giải pháp tạm thời để hạn chế thiệt hại.
Nhiều nhà xe hiện nay thậm chí còn không đi tái đăng kiểm dù đã hết thời hạn. “Gói đăng kiểm không hề rẻ, trong khi xe đăng kiểm xong nhiều khả năng vẫn đắp chiếu vô thời hạn. Vì vậy chủ doanh nghiệp buộc phải lựa chọn cách tạm dừng đăng kiểm để tiết kiệm tiền”, ông Thiên cho biết.
Do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều lao động của công ty vận tải do ông Thiên quản lý phải nghỉ việc. Số lao động có thời gian gắn bó lâu dài với công ty, dù nghỉ làm vẫn được hỗ trợ mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. “Số tiền này chỉ bằng 1/3, 1/4 so với thu nhập trước đây của họ nhưng đây đã là nỗ lực hết sức của chúng tôi nhờ có quỹ dự phòng từ trước. Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp thêm nhiều khó khăn, không thể tiếp tục hỗ trợ người lao động”, ông Thiên nói.
Tổng thư ký Hội vận chuyển du lịch Đà Nẵng phân tích thêm, khi ngành du lịch hứng trọn thiệt hại từ tác động của COVID-19 thì vận tải cũng bị trượt dài bởi cơn “bĩ cực” của ngành du lịch.
“Cả một đoàn xe chở khách trị giá từ 2-3 tỷ đồng/xe phải đắp chiếu. Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng phải vay vốn ngân hàng, dù ít hay nhiều. Đối với những xe vẫn đang nợ ngân hàng thì gánh nợ càng trở nên phức tạp hơn. Xe đã trả hết nợ thì lại phải gánh nợ thay xe khác. Để cứu doanh nghiệp thoát khỏi vực phá sản, thậm chí có nơi phải bán cắt lỗ với mức giá thấp kỷ lục. Cho nên hiện nay, thị trường xe bán ra rất nhiều và giá xe cũng rất rẻ”, ông Thiên cho hay
Liên quan đến những thiệt hại của ngành vận tải, ông Hoàng Văn Dinh, giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Đoàn Xuân – một trong những doanh nghiệp vận tải lớn nhất Hải Phòng hiện nay cho biết, COVID-19 đã khiến hoạt động của doanh nghiệp này phải ngừng đến 80%.
“Bình thường mỗi ngày Đoàn Xuân có hàng trăm chuyến xe đi các tỉnh, lượng khách từ 25-30, nay mỗi ngày chỉ có một vài chuyến, lượng khách chỉ có từ 5-6 người, thậm chí có chuyến xe chỉ có từ 1-2 khách“, ông Dinh cho biết.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, số chuyến xe đi qua địa bàn Hải Dương của Đoàn Xuân hiện đã phải dừng 100%. Chỉ còn có thể khai thác trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tuy nhiên, các chuyến xe vận chuyển khách đến Hà Nội cũng chỉ duy trì cầm chừng để tránh việc đóng cửa chứ doanh thu không đủ để trang trải các loại chi phí.
“Trường học đang nghỉ hè, sinh viên ít đi lại, tâm lý người dân lo ngại di chuyển không đi chơi, không đi khám bệnh. Vì thế chúng tôi không biết lấy đâu ra khách cả“, ông Dinh nói.
Ông Dinh cảnh báo, đây không chỉ là thực tế đang diễn ra đối với doanh nghiệp mình mà là tình cảnh chung của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam hiện nay. Những khó khăn của ngành này nghiêm trọng đến mức, theo chủ doanh nghiệp này “chỉ cần rút ống thở ra là chết hết”.
Trong khi đó, giám đốc doanh nghiệp vận tải số 1 Hải Phòng chia sẻ: “Hoạt động giảm sút khiến không có đủ việc cho nhân viên làm. Chúng tôi buộc phải sử dụng lao động bằng cách quay vòng, làm một ngày nghỉ một ngày. Lương thì cũng chỉ được chi trả tối thiểu. Chẳng còn cách nào khác. Doanh nghiệp và lao động buộc phải hỗ trợ nhau, vừa duy trì việc làm, vừa giữ chân lao động. Nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng này thì doanh nghiệp sẽ phá sản“.
Thực tế, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ngày càng phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách Hải Phòng vừa lo sợ dịch vừa lo phá sản. “Dù được tạo các điều kiện để duy trì hoạt động nhưng thời điểm này nếu chẳng may lái xe có nghi ngờ về dịch bệnh, coi như cả doanh nghiệp đó đóng cửa luôn”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Không chỉ lĩnh vực vận tải hành khách mà đại dịch COVID-19 còn làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics. Do nhiều nhà máy phải tạm ngưng hoạt động nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng cũng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải logistics. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng bị giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Theo thống kê, trong số hơn 400 doanh nghiệp vận tải ô tô ở Nghệ An thì hiện nay chỉ có hơn 200 đơn vị đang hoạt động cầm chừng với rất nhiều khó khăn. Số xe đắp chiếu ngày càng gia tăng khiến gánh nặng tài chính càng đè nặng doanh nghiệp.
Chủ doanh nghiệp logistic Lazer (Hà Nội) khẳng định, giữa vòng xoáy COVID-19, hệ thống dịch vụ logistics đang gần như tê liệt, khiến hệ thống kho bãi, luân chuyển, hàng đến và đi bị bế tắc. Theo vị này, một mặt doanh nghiệp phải xoay đủ các giải pháp để hoạt động, một mặt vẫn phải thực hiện các công tác phòng chống COVID-19. Hành khách giảm sút, dự án trì trệ trong khi gánh nặng về lãi suất ngân hàng, các khoản thuế phí vẫn phải chi trả. Điều này đang trở thành thách thức và nếu không có sự hỗ trợ hay giải pháp hợp lý thì việc phá sản là điều rất dễ xảy ra.