Kiến nghị thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu từ 2021
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị xem xét lại và đề xuất, từ năm 2021 trở đi nên thu loại phí bảo trì đường bộ qua xăng, dầu.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo gửi Chính phủ nêu kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng về chuyển đổi phương thức thu phí bảo trì đường bộ.
Cụ thể, hiệp hội này kiến nghị thay đổi cách thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện hiện nay và để đảm bảo công bằng nên thu phí qua xăng dầu. Xe sử dụng đường bộ nhiều, tiêu hao nhiều nhiên liệu thì đóng phí nhiều, cách thu sẽ đơn giản hơn, dễ quản lý, hạn chế được thất thu cho ngân sách.
Bà Mã Thị Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc thu phí trên đầu phương tiện như hiện nay làm phát sinh sự thiếu công bằng với xe sử dụng đường bộ nhiều và xe sử dụng đường bộ ít.
Có tình trạng một cá nhân, tổ chức sở hữu một lúc nhiều xe cá nhân và chỉ sử dụng một xe tham gia giao thông, song vẫn phải đóng phí tất cả là chưa công bằng.
“Nếu thu phí qua xăng dầu thì những người nào hoạt động nhiều làm ảnh hưởng đến đường sá nhiều sẽ đóng phí nhiều hơn, người nào đi ít sẽ đóng phí ít. Xe có lúc không tham gia sử dụng đường bộ thì vẫn phải đóng phí. Đồng thời, thu qua xăng dầu sẽ tốt hơn và chính xác hơn và đáp ứng được nguyện vọng của doanh nghiệp, của những người có xe kinh doanh vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách”, bà Thanh lý giải.
Tuy nhiên, trao đổi về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu thu qua xăng, dầu sẽ không công bằng cho đối tượng không sử dụng đường bộ.
Ông Nguyễn Văn Quyền nhận định: “Vướng mắc lớn nhất là hiện nay lượng xăng, dầu đang tiêu thụ trên thị trường không phải phục vụ riêng cho vận tải đường bộ đặc biệt là nhiên liệu diesel. Nhiên liệu diesel phục vụ cho vận tải đường sông đường biển, phục vụ cho các lĩnh vực khác, chiếm tới khoảng trên 70%, cho vận tải đường bộ chỉ 30%. Nếu thu qua xăng dầu như thế sẽ không công bằng ở chỗ một số đối tượng không sử dụng đường bộ người ta vẫn phải chịu phí đó qua xăng, dầu”.
Ông Quyền cũng bày tỏ quan điểm, đối với kinh doanh vận tải nếu phương án này được thực hiện trong trường hợp mức thu phù hợp và tương xứng như mức thu qua đầu phương tiện hiện nay, thì các đơn vị vận tải sẽ giảm được một khâu phải nộp phí qua các đợt kiểm định xe, đỡ được khâu về mặt thủ tục hành chính, còn sẽ bất hợp lý nếu như thu ở mức quá cao.
Đường xấu, đường tắc… ai đền cho dân?
Ông Công Tuấn, ở đường Láng, Hà Nội thắc mắc, đã có nhiều công trình tốn hàng trăm tỉ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hỏng. Người dân chịu thiệt thòi khi phải đi vào những con đường hỏng, giảm tuổi thọ của xe, ách tắc giao thông, cản trở công việc… Vậy ai sẽ là người đền bù những thiệt thòi này của người dân.
“Người dân đồng ý việc thu phí tham gia giao thông nhưng phải rõ ràng, minh bạch và sử dụng quỹ thật hiệu quả. Cần phải có lộ trình rõ ràng trong việc sử dụng quỹ. Bởi đây không phải lần đầu Bộ GTVT đưa ra mục đích thu phí nhằm bảo trì, duy tu công trình giao thông. Việc sử dụng phí để duy tu, bảo dưỡng lâu nay vẫn chưa đạt hiệu quả…” ông Tuấn nói.
Theo TS luật Vũ Quang – Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay rất nhiều nơi hệ thống giao thông còn quá kém, nếu phải trả phí giao thông sẽ tạo ra sự thiếu công bằng.
Sẽ khó thực hiện
Trao đổi đề xuất này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nhìn bề ngoài, việc thu phí bảo trì đường bộ có vẻ công bằng trên cơ sở dùng xăng, dầu để xe lăn bánh trên đường phải trả phí. Tuy nhiên, không phải tất cả đều sử dụng xăng dầu để phục vụ lưu thông trên đường.
Về mặt lý thuyết có vẻ rất hợp lý nhưng thực tế nếu thu theo phương thức này sẽ gây nhiều hệ lụy. Bản thân xăng, dầu hiện đã “cõng” nhiều loại thuế, phí nếu thêm phí bảo trì đường bộ sẽ tạo gánh nặng làm tăng giá xăng, dầu.
Giả sử nếu có thu theo phương thức này thì việc hoàn trả phí cho các đối tượng sử dụng xăng, dầu nhưng không tham gia giao thông rất phức tạp, khó thực hiện khi không thể chứng minh được đâu là đối tượng dùng xăng, dầu để lưu thông trên đường hay dùng cho máy móc nông nghiệp.
Phía Tổng cục Đường bộ VN, Phó tổng cục trưởng Phan Thị Thu Hiền cho biết, trước đây, theo Nghị định số 186/1994 của Chính phủ, ở nước ta đã thu lệ phí giao thông qua giá xăng dầu.
Tuy nhiên, do thu theo khối lượng xăng dầu bán ra nên có một khối lượng xăng dầu không sử dụng vào giao thông đường bộ cũng phải chịu phí này như sử dụng cho phương tiện giao thông thủy, đường sắt, sử dụng cho thiết bị phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp, sử dụng vận hành máy móc công nghiệp, xây dựng…
Chính vì bất cập này nên Chính phủ đã chuyển loại phí này thành phí xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 78/2000. Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất chế biến xăng dầu có nghĩa vụ nộp đủ, đúng hạn số tiền phí xăng dầu vào ngân sách Nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế, phí xăng dầu được tập trung toàn bộ cho ngân sách trung ương quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.
Do lượng xăng cơ bản được sử dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ nên phương án thu phí sử dụng đường bộ qua xăng đảm bảo thu đúng đối tượng chịu phí bảo trì đường bộ, đảm bảo việc các ngành và lĩnh vực sử dụng nhiên liệu diezel nhưng không tham gia giao thông đường bộ thì không phải nộp phí bảo trì đường bộ; khắc phục được tình trạng thất thu đối với người sử dụng mô tô, xe máy do các đối tượng nộp phí đã thực hiện nghĩa vụ qua giá xăng, tiết kiệm chi phí tổ chức thu từ đối tượng này.
Tuy nhiên với những người sử dụng xăng dầu nhưng không tham gia giao thông đường bộ thì phải có cơ chế hoàn trả phí cho những đối tượng này.
Phương án thu phí sử dụng đường bộ qua giá xăng, dầu đã được tính toán, đề xuất khi thành lập Quỹ Bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, việc tổ chức hoàn lại tiền cho các đối tượng đã tiêu thụ xăng dầu nhưng không sử dụng cho mục đích tham gia giao thông rất phức tạp, khó xác định đối tượng hoàn trả tiền, phát sinh bộ máy và chi phí tổ chức hoàn trả tiền.
“Phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ sẽ đảm bảo tuyệt đối việc thu phí bảo trì đường bộ đúng đối tượng, dễ được người dân chấp thuận, không phải thực hiện bù trừ tiền cho các đối tượng sử dụng xăng, dầu nhưng không tham gia giao thông”, bà Hiền nói.