Về đầu trang

Anco của Masan bứt phá năm 2020 nhờ mảng thịt và thức ăn chăn nuôi

Posted by admin
Category:

Nhờ thị trường chăn nuôi hồi phục sau dịch tả lợn và nguồn thu từ chuyển nhượng công ty con, Anco đã chuyển từ trạng thái lỗ sang có lãi 425 tỷ đồng năm 2020.

CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020 với doanh thu gấp hai lần năm trước đó, đạt 3.848 tỷ đồng. Sau năm 2019 lỗ kỷ lục 468 tỷ đồng thì ngành chăn nuôi hồi phục đã giúp Anco báo lãi 425 tỷ đồng năm 2020.

Theo giải trình của công ty, kết quả doanh thu tăng trưởng năm 2020 đến từ sự đóng góp của ngành thịt và ngành chăn nuôi, góp hơn 2.274 tỷ đồng, tăng 440% so với năm 2019.

Cục Chăn nuôi Việt Nam cho biết năm 2020 là một năm đặc biệt đối với ngành chăn nuôi trong nước khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến tổng đàn lợn sụt giảm mạnh kèm giá lợn được đẩy lên đỉnh lịch sử.

Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cả nước đã tăng đàn, tái đành thành công.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành chăn nuôi gia cầm như: Minh Dư, Cao Khanh, Dabaco… tiếp tục nâng cấp, mở rộng nâng cấp nhà máy con giống hiện đại với quy mô hàng trăm triệu con giống mỗi năm.

Các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài ngành cũng liên tiếp nhảy vào mảng chăn nuôi vào như: Cargill, Japfa, Hòa Phát, Thaco, Mavin, Hùng Nhơn hay gần đây nhất là Vinamilk… thông qua các khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Thị trường chăn nuôi hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi, cộng với nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi heo trên thị trường tăng trưởng đã giúp Anco có lãi trở lại năm 2020.

Ngoài ra, Anco đã thu về 752 tỷ đồng doanh thu tài chính từ hoạt động chuyển toàn bộ lợi ích vốn chủ sở hữu trong Công ty TNHH MNS Meat cho CTCP Masan MEATLife, công ty mẹ cấp trung để tái cấu trúc 6 đơn vị thành viên trong tập đoàn.

Như vậy, Anco chỉ còn nắm 100% tại Công ty TNHH MTV Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế Bình Định và sở hữu 24,94% tại CTCP Việt nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan, mã: VSN).

Tính đến cuối năm 2020, tổng vốn điều lệ tại Anco là 1.214 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Anco tính đến hết năm 2020 hơn 5.089 tỷ đồng, giảm hơn 2.200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó công ty đang có 2.701 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm hơn một nửa tổng nguồn vốn. Tổng nợ đi vay và trái phiếu phát hành của công ty hơn 2.155 tỷ đồng.

Ngành thức ăn chăn nuôi: Giành lại thị phần từ tay các doanh nghiệp ngoại

GS.TS Nguyễn Duy Hoan chia sẻ với Tạp chí chăn nuôi Việt Nam “dự báo trong thời gian tới, cạnh tranh để giành thị phần thức ăn chăn nuôi sẽ trở nên khốc liệt hơn rất nhiều”.

Theo thông tin từ Báo Công Thương, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, “năm 2020, chúng ta đã nhập khẩu từ 2 nước chính là Brazil và Argentina như ngô ta nhập khẩu 584 triệu USD; thức ăn gia súc 391 triệu USD, tăng trưởng 83%. Còn Argentina với 2 loại này là 3 tỷ USD. Điều này cho thấy khả năng cung cấp của thị trường này tương đối lớn”.

Do đó, để chủ động hơn nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước, và với tiềm năng của thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp lớn như: Masan, Hòa Phát, Hùng Vương, Vingroup hay đã bắt đầu có những đầu tư lớn vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi với mong muốn giành lại thị phần từ tay các doanh nghiệp ngoại.

Các tập đoàn này đang liên kết tạo thành chuỗi phát triển sang lĩnh vực chăn nuôi, tiêu thụ và bước đầu đã thành công. Điều này kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước.

Theo ông Dương, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi Việt Nam cho biết trong năm 2021, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, chúng ta vẫn có quyền hi vọng về cơ hội mới cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhưng nếu các doanh nghiệp không chú trọng về đầu ra sản phẩm hay cân bằng cung cầu, bức tranh thị trường vẫn khó có thể thay đổi.

Trả lời