Thị trường gia cầm sôi động trở lại
Thời điểm hiện tại, giá các loại gia cầm, trứng gia cầm bắt đầu tăng nhẹ và thị trường cũng nhộn nhịp hơn so với cách đây 2 tháng. Tuy nhiên, giá bán từ các trang trại đến chợ dân sinh vẫn có một khoảng cách khá xa. Giải pháp nào để hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng?
Giá gia cầm tăng nhẹ
Những ngày gần đây, trên thị trường Hà Nội, giá gia cầm bắt đầu tăng trở lại, mở ra hy vọng cho các hộ chăn nuôi.
Ông Vương Văn Tư ở xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai), cho biết: Trang trại nuôi 6.000 con vịt thương phẩm, trung bình mỗi tháng xuất bán 3.000 con ra thị trường. Giá vịt bán tại chuồng là 45.000-46.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng. Với giá này, người chăn nuôi đã có lãi hơn 10.000 đồng/kg.
Còn ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) nói với phóng viên Báo Hànộimới: Nhu cầu tiêu thụ gia cầm nói chung và gà ta nói riêng trên thị trường đã tăng trở lại, giá bán tại chuồng đã ở mức 90.000-100.000 đồng/kg, tăng khoảng 10% so với thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Giá trứng gia cầm cũng bắt đầu tăng sau một thời gian giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Duy Toản ở xã Viên An (huyện Ứng Hòa), hiện tại, giá trứng gà bán tại chuồng là 1.350 đồng/quả, tăng 450 đồng/quả so với thời điểm tháng 2-2021. “Do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi vẫn lỗ. Tuy nhiên, thị trường đã “khởi sắc”, giá trứng sẽ tăng ở mức hợp lý, bảo đảm có lãi cho người chăn nuôi… ”, ông Nguyễn Duy Toản cho biết thêm.
Xung quanh câu chuyện giá gia cầm tăng trở lại, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội nhận định: Giá gia cầm thời gian tới sẽ tăng, song nguồn cung khá dồi dào nên không tăng “nóng”. Dù tăng nhưng với mức giá bán tại trang trại hiện nay, người nuôi vẫn chưa thể bù đắp phần thua lỗ trong thời gian dài trước đây…
Bảo đảm hài hòa lợi ích.
Có một thực tế là, trong khi giá bán gia cầm, trứng gia cầm tại các trang trại không tăng bao nhiêu và người chăn nuôi vẫn đối mặt với câu chuyện thua lỗ thì giá tại các chợ dân sinh luôn giữ ở mức cao.
Bà Nguyễn Thị Trang, kinh doanh gia cầm tại chợ Xanh (quận Hà Đông) cho biết: Thời điểm hiện tại, cửa hàng bán gà ta thả vườn với giá 130.000 đồng/kg, vịt 70.000 đồng/kg; ngan 80.000 đồng/kg và mức giá này đã duy trì vài tháng nay. Chỉ khác là khi các bếp ăn tập thể, nhà hàng… mở cửa trở lại, lượng gà, vịt bán ra mỗi ngày nhiều hơn.
So sánh giá gia cầm, trứng gia cầm bán tại trang trại và giá bán tại các chợ dân sinh có thể thấy một khoảng cách khá xa. Theo ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá bán gia cầm tại trang trại đang hồi phục nhưng vẫn ở mức thấp. Còn người tiêu dùng phải “chịu” giá cao là do khâu trung gian chiếm tới hơn 40% giá thành. Hiện, thương lái đang hưởng lợi quá lớn, trong khi người chăn nuôi đối mặt rủi ro thua lỗ, còn người tiêu dùng phải mua giá quá cao.
Để bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, cho biết: Hà Nội sẽ giữ ổn định tổng đàn gia cầm hơn 39 triệu con, để bảo đảm cân đối cung cầu. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông từ cơ sở giết mổ tới chợ dân sinh. Mặt khác, các chủ trang trại cần tập trung chăm sóc đàn gia cầm theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh và sử dụng thức ăn sẵn có, từ đó giảm chi phí sản xuất.
Về lâu dài, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tham mưu cho thành phố có chính sách khuyến khích đầu tư vào chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng; đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra nhiều sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm chất lượng cao với giá cả phù hợp. Cùng với đó là đẩy mạnh các giải pháp liên kết doanh nghiệp – trang trại chăn nuôi gia cầm để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với mức giá ổn định, bảo đảm lợi ích giữa các bên.