Cục Chăn nuôi: Dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng thêm 5%
Giá thức ăn chăn nuôi trong nước dự kiến sẽ tăng thêm 5%, tương đương tăng 10.000 – 12.000 đồng/kg so với thời điểm hiện tại. Sau đó, giá thức ăn chăn nuôi mới vào chu kỳ ổn định.
Giá nguyên liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), 6 tháng đầu năm, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.
Cụ thể giá ngô hạt 7.600 đồng/kg, tăng 35%; giá khô dầu đậu tương 13.000 đồng/kg, tăng 35,5%; giá DDGS (bã ngô) 8.800 đồng/kg, tăng 46%, cám mì 6.700 đồng/kg, tăng 33%…
Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm 6 tháng đầu năm cũng tăng so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể giá thức ăn hỗn hợp cho heo thịt từ 60 kg đến xuất chuồng 10.700 đồng/kg, tăng 14,5%. Giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu 10.800 đồng/kg, tăng 14,5%. Giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng 11.200 đồng/kg, tăng 12%.
Cục Chăn nuôi cho biết giá thức ăn chăn nuôi tăng do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước…
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến cảng biến thiếu container, chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường, đội giá nguyên liệu tăng cao.
Giá nguyên liệu đổi chiều, giá thức ăn vẫn cao
Những ngày đầu tháng 7, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tiếp tục giữ xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể giá ngô, giá khô dầu đậu tương, giá DDGS đồng loạt giảm 2%.
Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vẫn tăng khoảng 2% so với tháng 6.
Xu hướng giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp sẽ còn tăng thêm 5% trong tháng 7 do các doanh nghiệp lấy lý do nguyên liệu thức ăn hạ nhưng vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước, đơn hàng mới chưa về đến kho.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết đến nay dịch bệnh trên thế giới cũng được kiểm soát, vận tải thông thoáng hơn nên giá nguyên liệu của thế giới bắt đầu giảm kéo theo giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm.
“Giá thức ăn chăn nuôi sẽ không neo ở mức cao quá lâu vì điều này khiến nông dân lỗ, bỏ chuồng thì chính doanh doanh nghiệp sẽ mất đi khách hàng. Do đó, cơ chế doanh nghiệp phải hưởng lãi ít đi, giảm giá xuống để hỗ trợ người chăn nuôi.
Giá thức ăn chăn nuôi giảm, giá heo hơi duy trì ở mức 62.000 – 68.000 đồng/kg thì nông dân mới có hiệu quả”, ông Trọng nói.
Cục Chăn nuôi dự báo giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do các thông tin về tồn kho vụ cũ và diện tích trồng ngô, đậu tương vụ mới của Mỹ đều thấp hơn dự kiến.
Đồng thời, nhu cầu ngô sản xuất ethanol của Mỹ tăng cao dẫn tới hạn chế nguồn cung ngô dùng cho chăn nuôi.
Trao đổi với người viết, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục là giai đoạn khó khăn của ngành chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu chưa thể giảm nhanh được.
“Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước dự kiến có 2 lần tăng với tổng mức tăng khoảng 5% trong thời gian tới. Như vậy, mỗi đợt tăng 5.000 – 6.000 đồng, lúc đó giá mới trở lên ổn định bởi các mặt hàng luôn có độ trễ từ 1- 1,5 tháng”, ông Chinh nói.
Cục Chăn nuôi sẽ có những chỉ đạo, dự báo thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá heo, giá gia cầm sát thực tế hơn giúp người chăn nuôi có định hướng phát triển phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang nuôi gia súc ăn cỏ hay trồng nguyên liệu cũng là những định hướng quan trọng người dân có thể tiếp cận, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nguồn : Vietnambiz