Về đầu trang

Giá lợn hơi có xu hướng tăng

Posted by admin

Ngày 15-8, kết thúc một tuần giá lợn hơi có nhiều biến động. So với tuần trước, tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng 1.000-4.000 đồng/kg, các thương lái thu mua trong khoảng 54.000-57.000 đồng/kg. Tại Hà Nội và các tỉnh: Lào Cai, Thái Bình, Bắc Giang… tăng 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 55.000-56.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Tuyên Quang, giá tăng mạnh 4.000 đồng/kg, lên 55.000 đồng/kg; tỉnh Hưng Yên tăng 3.000 đồng/kg, có giá cao nhất khu vực (57.000 đồng/kg). Miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg, hiện được các thương lái thu mua trong khoảng 53.000-55.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi đang được thu mua thấp nhất cả nước, ổn định trong tuần qua, giá dao động trong khoảng 52.000-53.000 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 11,6%. Dự báo, trong quý III-2021, sản lượng thịt lợn đạt khoảng 884 nghìn tấn, tăng 4,5%. Mặc dù quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, nhưng để bảo đảm nguồn cung – cầu trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn.

Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xuất hiện ở một số tỉnh như Lào Cai, Cà Mau… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương triển khai hiệu quả biện pháp phòng, chống dịch như: Khuyến cáo người dân khi nhập con giống về nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương, nếu không khai báo khi xảy ra dịch sẽ không được hỗ trợ; trước khi nuôi, phải tiến hành tổng vệ sinh môi trường xung quanh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh…

Nhập khẩu thịt lợn dự báo vẫn tăng

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam đạt 80,85 nghìn tấn (thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh), trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% về lượng và tăng 144,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.314 USD/tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 33,86 nghìn tấn, trị giá 93,38 triệu USD, tăng tới 414,1% về lượng và tăng 405% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.757 USD/tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù quy mô chăn nuôi lợn của Việt Nam đã gần phục hồi bằng mức trước dịch tả heo Châu Phi (ASF), nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn do vẫn còn thâm hụt cung – cầu.

Theo Rabobank, động lực nhập khẩu mạnh sẽ có thể tiếp diễn trong nửa cuối năm 2021. Ngoài ra, giá thịt lợn nhập khẩu có thể giảm do cạnh tranh thương mại toàn cầu đang tăng lên khi nhu cầu tại Trung Quốc yếu đi.

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm 2021

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt trên 2,93 tỷ USD, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tháng 7/2021 kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 476,98 triệu USD, tăng 28,6% so với tháng 6/2021 và tăng 50,4% so với tháng 7/2020. Ngoài ra, trong 7 tháng qua, Việt Nam cũng chi 3,095 tỷ USD để nhập ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu mỡ động thực vật .

Thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất vẫn có xuất xứ từ Achentina, riêng nhập khẩu từ thị trường Achentina đã chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 1,03 tỷ USD, tăng 19,6%.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường Mỹ trong tháng 7/2021 cũng tăng mạnh 49% so với tháng 6/2021 và tăng 80% so với tháng 7/2020, đạt 65,53 triệu USD; nâng kim ngạch 7 tháng lên 480 triệu USD, tăng mạnh 77,7% so với cùng kỳ, chiếm 16,3%.

Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ thị trường Brazil trong tháng 7/2021 đạt 78,8 triệu USD, tăng 79,5% so với cùng kỳ năm 2020, đưa kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đạt 341,98 triệu USD, tăng 66,4% so với cùng kỳ chiếm 11,7% trong tổng kim ngạch.

Nhập khẩu thức ăn gia súc từ thị trường EU 7 tháng đầu năm cũng tăng mạnh trên 62% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 241,2 triệu USD. Nhập khẩu thức ăn gia súc từ thị trường Đông Nam Á chỉ tăng nhẹ 2,6%, đạt 191,71 triệu USD.

Nhìn chung, nhâp khẩu thức ăn gia súc từ hầu hết các thị trường chủ đạo trong 7 tháng đầu năm 2021 đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, thời gian qua ngành chăn nuôi trong nước tăng trưởng mạnh đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng số 1 khu vực Đông Nam Á và thứ 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi, với mức tăng trưởng bình quân 13-15%/năm.

Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài (nhập 70-85% nguyên liệu). Đây chính là nguyên nhân đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao mỗi khi giá thức ăn chăn nuôi thế giới biến động mạnh. Ngoài ra, hơn 60% thị phần thức ăn chăn nuôi trong nước đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.

Dự báo, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục tăng, Việt Nam sẽ cần khoảng 28 – 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm.

Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. Trong đó, cần tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm các ngành sản xuất, chăn nuôi trong nước như ngành thủy hải sản, ngành công nghiệp chế biến…; đồng thời hoàn thiện chính sách, cơ chế hoạt động của doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi…

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục tăng, đang vượt quá sức chịu đựng của người chăn nuôi. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 30-35%, với trung bình mỗi tháng/lần tăng. Mới đây nhất, vào đầu tháng 8, các doanh nghiệp tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng giá bán với mức tăng từ 3-5%.

Theo ông Trọng, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi có thể tiếp tục tăng khoảng 5 – 10% tùy loại.

 

Trả lời