Cách nào tính giá vé xe container qua trạm BOT?
Thay vì nhận dạng qua container, sẽ nhận dạng qua chiều dài của xe để tính giá vé. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến của DN về thay đổi này.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ.
Theo đó, thay vì nhận dạng qua container, sẽ nhận dạng qua chiều dài của xe để tính giá vé. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của doanh nghiệp về thay đổi này.
Thay đổi để phù hợp với giấy đăng kiểm xe
Là đơn vị đang quản lý thu phí tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bà Nguyễn Thu Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho hay, đối với xe container, đơn vị đang thu phí theo quy định tại Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT.
Theo đó, đối với xe loại 4 là xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet, đơn vị đang thu với giá vé 8.000 đồng/km.
Đối với xe loại 5 là xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet thu với giá vé 12.000 đồng/km.
Trong khi đó, theo dự thảo sửa đổi Thông tư 35, xe loại 4 là ô tô tải có khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở tham gia giao thông từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông từ 24 tấn đến dưới 30 tấn; xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc có chiều dài dưới 12,35m.
Xe loại 5 là xe ô tô tải có khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở tham gia giao thông có khối lượng từ 18 tấn trở lên; xe máy chuyên dùng có tham gia giao thông đường bộ, ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông từ 30 tấn trở lên; xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc có chiều dài từ 12,35m trở lên.
“Chiều dài dưới 12,35m tương đương với xe container 20 feet và trên 12,35m tương đương xe container 40 feet. Việc thay đổi thu phí theo chiều dài của xe là phù hợp, chỉ là chuyển đổi tên gọi, không ảnh hưởng nhiều đến công tác thu phí, không bị lẫn giữa các loại xe”, bà Quỳnh nói.
Ông Đinh Cao Thắng, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, trong danh mục phương tiện không có loại xe nào là xe chở hàng bằng container.
Trên giấy đăng ký xe và đăng kiểm phương tiện cũng không có tên loại phương tiện nào là xe container chở hàng mà chỉ quy định quy cách của đầu kéo kéo theo bao nhiêu tấn.
Việc nhận dạng theo xe container 20 feet và 40 feet cũng theo phương pháp thủ công để bán vé.
Đến nay, công nghệ thu phí không dừng đã được triển khai ở hầu hết các trạm thu phí nên có sự thay đổi cách nhận dạng theo chiều dài của xe để tính giá vé.
Hay nói cách khác, trước đây căn cứ cả vào biển số của đầu kéo và sơ-mi rơ-moóc để tính giá vé, đến nay chỉ căn cứ vào chiều dài của sơ-mi rơ-moóc.
“Việc thay đổi là để phù hợp với giấy đăng kiểm phương tiện có ghi sơ-mi rơ-moóc và các tiêu chuẩn kỹ thuật của xe. Về bản chất không có thay đổi giữa hai loại xe mà chỉ thay đổi tên gọi xe chở hàng bằng container 20 feet, 40 feet thành chiều dài của rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc với chiều dài dưới 12,35m và trên 12,35m”, ông Thắng cho biết.
Vẫn còn cách hiểu khác nhau
Là doanh nghiệp có khoảng 300 xe vận chuyển hàng container, ông Phạm Văn Tải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải bộ Tân Cảng cho hay, trong thực tế kinh doanh có nhiều trường hợp kéo sơ-mi rơ-moóc 40 feet nhưng lại chỉ chở có 1 container 20 feet. Hàng thì container 20 feet nhưng xe thì chiều dài sơ-mi rơ-moóc lớn hơn 12,35m.
“Hiện, có loại đầu kéo Mỹ kéo sơ-mi rơ-moóc chở container loại 20 feet nhưng hàng hóa có trọng lượng lớn vẫn phải sơ-mi rơ-moóc 3 trục. Loại 3 trục có chiều dài trên 13m. Dù có nới từ 12,35m lên 13,5m cũng không bao giờ loại sơ-mi rơ-moóc 40 feet lọt vào được nhóm thấp hơn là loại 20 feet. Bởi vì sơ-mi rơ-moóc loại 40 feet dài hơn loại 20 feet đến 6m. Nếu để dung sai an toàn sẽ tránh được khúc mắc, tranh cãi, khiếu nại”, ông Tải nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Quyền cho biết, hiện trên thị trường có nhiều loại đầu kéo, có loại đầu kéo như của Hàn Quốc khi tổ hợp với sơ-mi rơ-moóc chở container 20 feet thì chiều dài 12,35m là phù hợp.
Tuy nhiên, hiện nay đa số các doanh nghiệp đang sử dụng đầu kéo nhập từ Mỹ, loại đầu kéo này sẽ vượt quá kích thước 12,35m.
Khi loại đầu kéo này tổ hợp với sơ-mi rơ-moóc loại 20 feet thì chiều dài sẽ lên đến 13m. Một số xe kéo sơ-mi rơ-moóc 20 feet nhưng vẫn phải chịu giá xe của xe loại 5 sẽ xảy ra tranh cãi giữa tài xế và đơn vị thu phí.
“Chiều dài sơ-mi rơ-moóc phải ở ngưỡng loại đầu kéo khi tổ hợp với sơ-mi rơ-moóc phải là loại đầu kéo có chiều dài lớn nhất là 13m hoặc hơn. Nên nghiên cứu nới thêm chiều dài sơ-mi rơ-moóc lên 13,5m để tránh gây tranh cãi khi Thông tư ban hành”, ông Quyến nói.
Ở góc độ khác, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM lại cho rằng, việc tính theo chiều dài sơ-mi rơ-moóc là không đúng vì tác động xuống mặt đường, gây hư hỏng là tải trọng hàng hóa chở chứ không phải là thể tích xe.
Tự trọng của xe 20 feet là 2 tấn và được chở 28 tấn hàng. Trong khi đó, tự trọng của xe 40 feet là 4 tấn và chỉ được chở 26 tấn hàng. Vì vậy, tác động xuống mặt đường của hai loại xe này là như nhau nên có thể gom chung về cùng một loại xe và mức giá vé có thể lấy trung bình của hai mức đang áp dụng hiện nay.
Là đơn vị quản lý thu phí, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho hay, đối với thu phí không dừng, hiện chỉ dán thẻ ở đầu kéo chứ không dán ở sơ-mi rơ-moóc nên khó phân biệt các loại xe container.
Xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc loại 20 feet khác với xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc loại 40 feet. Đã từng xảy ra tranh cãi xe kéo sơ-mi rơ-moóc loại 40 feet chở container loại 20 feet nhưng lại tính tiền loại 40 feet.
“Cách tốt nhất là thu theo công suất đầu kéo, không cần quan tâm đến kéo sơ-mi rơ-moóc loại nào. Cũng giống như xe tải chở 30 tấn hàng nhưng khi chạy xe không qua trạm vẫn tính giá vé như có hàng. Dù xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc cũng vậy, dù chở hàng hay không chở hàng thì khổ xe vẫn không thay đổi. Vì vậy, nên quy hai loại xe này về cùng xe loại 5. Công nghệ thu phí không dừng hiện nay có thể phân biệt được chiều dài giữa xe 20 feet và xe 40 feet nhưng tại các trạm thu phí phải đầu tư lắp thêm một bộ nhận diện lớn, sẽ rất lãng phí”, ông Vinh cho hay.
Nói về căn cứ đưa ra con số chiều dài rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc là 12,35m, ông Đinh Cao Thắng, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc đưa ra con số này được căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật của xe.
Xe container chở hàng loại 20 feet bắt buộc rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc phải dài tối thiểu 12,35m hay xe loại 40 feet sẽ có chiều dài lớn hơn 12,35m.
Giải thích về công nghệ thu phí không dừng khó xác định được hai loại xe này theo chiều dài, ông Thắng cho biết, với công nghệ phát triển như hiện nay, việc xác định không khó.
Tổng cục Đường bộ VN đang chỉ đạo đơn vị thu phí ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để đo chiều dài của từng loại xe. Thay đổi này không ảnh hưởng đến chủ phương tiện cũng như doanh thu dự án BOT.
“Chiều dài của sơ-mi rơ-moóc loại 20 feer là 6m chỉ bằng một nửa loại 40 feet nên dễ phân biệt. Xe kéo sơ-mi rơ-moóc loại dài chở được 2 container loại 40 feet thì phải chịu mức phí nhóm 5 và loại ngắn chỉ chở được 1 container 20 feet thì chịu mức phí nhóm 4. Đây là quy định phù hợp, công bằng giữa hai bên doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư BOT.
Ông Đinh Cao Thắng, Vụ trưởng Vụ Tài chính, Tổng cục Đường bộ VN”