Về đầu trang

Xăng dầu tăng “sốc”, doanh nghiệp vận tải lao đao

Posted by admin
Category:
Giá cao nhất trong vòng 7 năm qua

Trong vòng 2 tháng qua, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng “sốc” với 5 lần điều chỉnh giá tăng liên tiếp. Theo quyết định của Liên bộ Tài chính – Công thương, kể từ 15 giờ ngày 10/11, mặt hàng xăng E5 RON 92 có giá cao nhất là 23.669 đồng/lít (tăng 559 đồng); xăng RON 95 là 24.996 đồng/lít (tăng 658 đồng). Đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp đối với giá xăng. Tính chung từ đầu năm, giá xăng RON 95 tăng 7.718 đ/lít, giá xăng RON 92 tăng 7.369 đ/lít và hiện đang ở ngưỡng cao nhất trong vòng 7 năm qua, kể từ năm 2014.

Riêng dầu diesel 0.05S vẫn giữ ổn định ở mức 18.716 đồng/lít; giá dầu hỏa cũng giữ ổn định ở mức 17.637 đồng/lít; dầu mazút 180CST 3.5S lùi về ngưỡng 16.821 đồng/kg (giảm 389 đồng/kg).

Sự tăng mạnh của giá xăng trong nước do chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới. Theo đó, cả hai loại dầu trên thị trường thế giới sáng ngày 10/11 đều tiếp đà tăng. Dầu thô WTI của Mỹ giao dịch trên ngưỡng 84 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu trên ngưỡng 85 USD/thùng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/11, dầu Brent tiến 1,35 USD (tương đương 1,6%) lên 84,78 USD/thùng; dầu WTI tiến 2,22 USD (tương đương 2,7%) lên 84,15 USD/thùng. Cả hai loại dầu chủ chốt trên đều tăng khoảng 20% so với đầu tháng 9.

Còn tại thị trường Singapore, giá xăng dầu thành phẩm tiếp tục duy trì đà tăng mạnh từ ngày 26/10. Cụ thể, xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 bình quân trên thị trường Singapore tăng lên khoảng 100 – 104 USD/thùng.

Mức giá kỷ lục được thiết lập do nguồn cung toàn cầu vẫn bị thắt chặt trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới không ngừng tăng, sau khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, thiếu nguồn cung khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu trong khi mức dự trữ dầu thô của Mỹ giảm… cũng khiến giá dầu đi lên. Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent khả năng vượt mức 90 USD một thùng.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ vào ngày 6/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng 59,08 – 76,03%. Tuy nhiên, do Việt Nam sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm tới nay chỉ tăng 40,23 – 52,59%.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, đây là mức tăng rất cao ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người dân. Nhưng ông cũng cho rằng, đây cũng là cố gắng, nỗ lực của liên bộ và Chính phủ. Vì chúng ta chỉ sử dụng quỹ bình ổn.

Doanh nghiệp vận tải… “lãnh đủ”

Việc giá xăng, dầu tăng mạnh không chỉ gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân mà còn khiến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải rơi vào cảnh “lao đao” bởi những khó khăn liên tiếp do dịch bệnh, tăng giá xăng, dầu, khi mà nguồn nhiên liệu này chiếm tới 30 – 40% chi phí hoạt động.

Ảnh minh họa

Ông Bùi Ngọc Quang –  Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát cho rằng, giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh tác động đến việc kinh doanh của hàng loạt doanh nghiệp vận tải hàng hóa vốn đã rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35% cơ cấu giá thành vận tải.

Theo ông Quang, khi xăng dầu tăng thêm gần 1.500 đồng/lít, tỷ lệ này tăng lên khoảng 50% với giá thành vận tải. Doanh nghiệp có lượng xe lớn, chạy nhiều sẽ mất khoản chi phí lớn cho nhiên liệu nhưng tăng giá cước vận chuyển không phải là điều dễ dàng khi các hợp đồng đã ký. Chưa kể, nếu tăng giá lên ngay, nhiều khách hàng dễ phản ứng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh.

“Doanh nghiệp có thể xin tăng giá cước để bù lỗ nhưng chúng tôi không thể làm thế vì nhiều tháng qua dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng cả doanh nghiệp lẫn khách hàng. Nếu tăng giá cước lúc này thì khả năng mất khách hàng rất lớn, chưa kể giá cước vận chuyển đã được ký kết trước đó nên buộc chúng tôi phải cố gắng chấp nhận”, ông Quang chia sẻ.

Tương tự, đại diện một doanh nghiệp vận tại tại TP.HCM cho biết, ngay sau khi xăng, dầu tăng giá, công ty phải tính toán lại giá cước vận chuyển cho những chuyến xe sắp tới. Thống kê từ tháng 1/2021 đến nay, xăng, dầu tăng liên tiếp từ mốc 17.000 đồng lên gần 25.000 đồng/lít, giá dầu từ 12.600 đồng lên gần 19.000 đồng/lít. Đây là mức tăng “sốc” mà doanh nghiệp phải đối diện khiến các đơn vị vận tải lao đao trước nhiều áp lực.

“Doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10 – 20% để cân đối doanh thu. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang ở thế khó với các hợp đồng đã ký bởi việc thay đổi giá cước vận chuyển không dễ gì khách hàng chấp nhận, chưa kể sẽ mất nhiều đơn hàng lẻ”, vị đại diện doanh nghiệp này lo lắng.

Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, việc tăng giá xăng dầu bất ngờ sẽ khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa lãnh đủ. Bởi hợp đồng vận chuyển với chủ hàng đã ký, nếu không có sự đồng ý của chủ hàng sẽ khó tăng giá cước. Ngay cả trong đợt bùng phát dịch, doanh nghiệp chịu nhiều chi phí phòng, chống dịch nhưng chủ hàng cũng không đồng ý tăng giá cước.

“Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải muốn cân đối thu chi sẽ phải điều chỉnh, đưa ra giá cước vận tải mới phù hợp với đầu vào của vận tải. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách”, vị đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cảnh báo.

Nguồn : Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Trả lời