Sau 31/12, xe kinh doanh vận tải không lắp camera sẽ bị phạt
Bộ GTVT yêu cầu lực lượng Thanh tra giao thông lập kế hoạch, xử nghiêm phương tiện kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát theo quy định.
Bộ GTVT vừa yêu cầu Thanh tra Bộ; Tổng cục Đường bộ VN; sở GTVT các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ và đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
Đây là lần thứ 4 Bộ GTVT đốc thúc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ.
“Các sở GTVT cần chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020. Thời gian thực hiện xong trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết số 66 của Chính phủ”, Bộ GTVT yêu cầu.
Đối với bến xe khách, bến xe hàng, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kiểm tra các phương tiện ra, vào bến thực hiện nghiêm các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Bên cạnh đó, tuyên truyền đến lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera trên xe ô tô để tránh bị xử phạt từ ngày 1/1/2022.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các sở GTVT giao Thanh tra giao thông phối kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến và trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không lắp camera trên xe theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5/12/2021.
“Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vụ Vận tải kiểm tra việc thực hiện tại địa phương có số lượng lớn phương tiện thuộc diện phải lắp camera hoặc tỷ lệ lắp còn thấp”, Bộ GTVT chỉ đạo.
Trước đó, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 66 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ quyết định lùi xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát trên xe tải, xe khách quy định tại Nghị định số 100/2019 đến hết ngày 31/12/2021.
Chỉ còn đúng một tháng nữa để xe kinh doanh vận tải hoàn thành việc lắp camera giám sát theo quy định nếu không muốn bị xử phạt. Tuy nhiên, tỷ lệ phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát theo Nghị định 10 rất thấp.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, đã có nhiều văn bản yêu cầu sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10.
Tuy nhiên, số lượng phương tiện đã lắp camera chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số phương tiện phải lắp camera theo Nghị định 10. Đến hết ngày 11/11 mới có hơn 25.000 trong tổng số hơn 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera, đạt tỷ lệ hơn 12%.
Nghị định 10 quy định: Trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm lắp camera như sau:
Đối với lái xe: Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải khách và hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Đối với doanh nghiệp: Phạt tiền từ 5 – 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 – 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 – 3 tháng đối với xe vi phạm.