Nghiên cứu hàng qua cảng Hải Phòng bắt buộc trung chuyển bằng đường thủy
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang yêu cầu nghiên cứu cơ chế về tỷ lệ bắt buộc hàng trung chuyển qua cảng biển Hải Phòng bằng đường thủy.
Bắt buộc “rút hàng” bằng phương tiện thủy
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang vừa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT thị sát khu vực cảng biển Hải Phòng và toàn tuyến vận tải đường thủy từ cảng biển Lạch Huyện (Hải Phòng) đến Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) để nắm bắt thực địa, tìm giải pháp phát triển vận tải đường thủy trên trục vận tải này.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc theo trục vận tải từ cảng biển Lạch Huyện đến Việt Trì, nhất là từ Bắc Ninh đến Hải Phòng hiện rất thuận lợi cho phương tiện thủy vận chuyển container từ cảng thủy đến cảng biển. Tại khu vực Bắc Ninh có 3 cảng thủy container hiện đại, trong đó có cảng Tân Cảng Quế Võ, đồng thời là cảng ICD có chức năng thông quan hàng xuất nhập khẩu ngay tại cảng.
Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đến nay lượng hàng container được vận chuyển bằng phương tiện thủy đến cảng biển Hải Phòng mới chiếm 1,8% tổng lượng container qua cảng biển.
“Dù tăng 0,4% so với năm 2020 nhưng tỷ lệ trên thấp so với tiềm năng khu vực phía Bắc nói chung và tuyến vận tải Quảng Ninh – Hải Phòng – Việt Trì nói riêng”, ông Đạo thông tin.
Đại diện cảng Tân Cảng Quế Võ cũng cho biết, đến nay cảng này mới khai thác 30% công suất thiết kế, trong khi tiềm năng còn rất lớn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, để tăng sản lượng vận tải thủy trên tuyến, đặc biệt là vận chuyển hàng container cần tạo cơ chế, chính sách đột phá để thuận lợi cho phương tiện thủy hoạt động tại cảng biển.
“Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biến thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt. Tới đây, trong quy hoạch chi tiết cảng biển Hải Phòng phải nghiên cứu, đưa vào nội dung vận chuyển hàng bằng đường thủy tại cảng biển, như xây dựng lộ trình, tiêu chí tỷ lệ “rút hàng” bằng phương tiện thủy tại cảng biển vào hồ sơ đấu thầu khai thác. Tỷ lệ rút hàng bằng phương tiện thủy càng cao thì càng dễ trúng thầu”, Thứ trưởng định hướng giải pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng cho rằng, các đơn vị kinh doanh cảng thủy, vận tải thủy cần nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ để đạt mục tiêu phát triển.
“Bộ GTVT ủng hộ mục tiêu phát triển, mở rộng cảng Tân Cảng Quế Võ trong tương lai và sẽ đưa vào quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy trong khu vực. Tôi mong sẽ chiếm hơn 30% tổng sản lượng container trong phạm vi mà cảng phục vụ sẽ vận chuyển bằng đường thủy đến cảng biển”, Thứ trưởng nói.
Để tạo thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục vận tải, Thứ trưởng giao Cục Đường thủy nội địa VN nghiên cứu thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin vào làm thủ tục cấp phép phương tiện thủy vào, rời cảng thủy Tân Cảng Quế Võ để rút ngắn nhất thời gian làm thủ tục.
Xóa điểm nghẽn, khơi thông hạ tầng
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc cảng Tân Cảng Quế Võ cho biết, cảng có vị trí thuận lợi để trung chuyển hàng container bằng đường bộ – cảng thủy – cảng biển Hải Phòng và ngược lại. Khách hàng tiềm năng là 24 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang; chưa kể hơn chục khu công nghiệp khác do cấp huyện quản lý.
Mục tiêu là đưa Tân Cảng Quế Võ trở thành cánh tay nối dài của cụm cảng biển Hải Phòng và là trung tâm giao nhận container phía Bắc. Vì vậy, đơn vị mong muốn kết cấu hạ tầng đường thủy trên tuyến ngày càng thuận lợi.
Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, những năm tới trên tuyến đường thủy từ Bắc Ninh đến cảng Hải Phòng chỉ còn cầu Bình (sông Kinh Thầy) cần được nâng cao hơn tĩnh không để sà lan 3-4 lớp qua lại thuận lợi.
“Giai đoạn sắp tới, cầu Bình sẽ được nghiên cứu để nâng cấp, cải tạo nâng cao hơn tĩnh không để sà lan chở container từ cảng thủy đến cảng biển không còn bất kỳ vướng mắc hạ tầng nào”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng, tháng 11/2021 Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống, trong đó cải tạo, nâng tĩnh không cầu Đuống và kè bảo vệ bờ sông để giải quyết dứt điểm điểm nghẽn cầu Đuống, phục vụ vận tải thủy trên tuyến Quảng Ninh – Hải Phòng – Việt Trì qua sông Đuống.
Trong chuyến khảo sát dọc tuyến đường thủy nói trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cũng thực địa các đoạn luồng hẹp, vị trí thường xảy ra khan cạn, tồn tại chướng ngại vật tự nhiên và thực tế công tác đảm bảo giao thông đường thủy trên tuyến.
“Năm 2022, Bộ GTVT dành nguồn kinh phí nhiều hơn cho công tác thanh thải chướng ngại vật, nạo vét khơi thông luồng trên những tuyến đường thủy trọng điểm. Trong đó, có tuyến từ Việt Trì đến cảng Hải Phòng để tạo phương tiện thủy lưu thông thuận lợi hơn, nâng cao năng lực vận tải thủy”, Thứ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đê điều theo hướng tháo gỡ khó khăn cảng, bến thủy trong việc xây dựng công trình, kho bãi chứa hàng hóa ngoài phạm vi đê để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến vận tải Hải Phòng – Việt Trì nằm trên Hành lang vận tải thủy Quảng Ninh – Hải Phòng – Việt Trì (qua sông Đuống), có chiều dài hơn 205,6km, luồng chạy tàu chuẩn kỹ thuật cấp II. Đồng thời quy hoạch các cụm cảng, cảng thủy hàng hóa để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đạt sản lượng vận tải thủy 93-100 triệu tấn.
Chia sẻ với doanh nghiệp trong chuyến thị sát tuyến đường thủy trên, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ GTVT luôn tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thủy.
“Mới đây, Bộ GTVT có văn bản đề nghị HĐND, UBND TP. Hải Phòng và TP.HCM xem xét, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp về miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa qua cảng biển được vận chuyển bằng phương tiện thủy”, Thứ trưởng cho biết.