Dự báo “nóng” về giá xăng dầu
Giá xăng dầu thế giới biến động khó đoán. Việc thắt chặt nguồn cung và tình hình địa chính trị Trung Đông khiến giá xăng dầu trong nước có thể diễn biến bất thường vào những tháng cuối năm.
Những yếu tố ảnh hưởng giá xăng dầu
Từ đầu năm đến nay, giá giá xăng dầu trong nước 16 lần tăng, 9 lần giảm. Hiện mỗi lít xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) ở ngưỡng 23.040 đồng; E5 RON 92 là 21.900 đồng. Đây là mức thấp nhất gần hai tháng qua sau khi giảm sâu 1.600-1.800 đồng/lít ở phiên điều hành ngày 11/10.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 11/10, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo, lưu ý Bộ Công thương, Tài chính về điều hành giá xăng dầu trong những tháng cuối năm.
Theo Phó thủ tướng, việc Nga và Arab Saudi giảm nguồn cung, dự trữ xăng dầu của một số nước lớn sụt giảm có thể làm giá xăng dầu thế giới đảo chiều, tăng vào những tháng cuối năm. Vì thế, ông Lê Minh Khái giao Bộ Công thương có giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu và sẵn sàng kịch bản ứng phó về giá khi thị trường biến động.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, nhiều yếu tố đã và đang ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Đó là lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng.
Ngoài ra, còn có yếu tố kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh; lo ngại về nguồn cung do chiến sự giữa Nga và Ukraine; triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn…
Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho hay, đầu tháng 9 vừa qua, Nga và Saudi Arabia – hai nước dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cùng thông báo gia hạn các biện pháp siết nguồn cung dầu đến hết năm nay.
Tuyên bố duy trì mức cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia và giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày của Nga đã khiến thị trường liên tục ở trạng thái thâm hụt trong quý III/2023.
“Đây là nguyên nhân chính đẩy giá dầu lên cao, có thời điểm vượt mốc 95 USD/thùng vào cuối tháng 9. Bên cạnh đó, những bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung Đông những ngày gần đây tiếp tục gây thêm mối lo ngại về nguồn cung trên thị trường dầu”, ông Quang nói.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 12/10, dầu thô WTI đóng cửa ở sát mức 83 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent kết phiên ở mức 86 USD/thùng. Mặc dù đã hạ nhiệt kể từ đầu tháng 10, nhưng giá dầu hiện tại vẫn đang cao hơn mức giá trung bình nửa đầu năm nay.
MXV dự báo rủi ro thâm hụt nguồn cung, cùng diễn biến địa chính trị khó đoán nhiều khả năng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu trong quý IV. Trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 10, OPEC ước tính thị trường thâm hụt gần 1,4 triệu thùng/ngày trong quý III và trạng thái thâm hụt trên thị trường có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày nếu sản lượng của nhóm được duy trì.
Tồn kho dầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 6/10 cũng đang thấp hơn mức trung bình 5 năm, đạt khoảng 424,24 triệu thùng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), thị trường chỉ ghi nhận mức thâm hụt gần 300.000 thùng dầu/ngày trong quý III, trước khi dần chuyển sang trạng thái cân bằng trong quý cuối năm.
Dự báo trái chiều của các tổ chức lớn trên thế giới cho thấy diễn biến giá dầu sẽ biến động tương đối khó đoán.
Lo giá xăng dầu tăng “nóng” cuối năm
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 9 đạt 948 USD/m3, tăng 4,8% so với tháng 8. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp giá xăng dầu nhập khẩu đi lên và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm nay.
Tổng cục Thống kê cũng đánh giá giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại và là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát cuối năm.
Ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, thị trường dầu sẽ tiếp tục thâm hụt trong quý IV năm nay, khi nhóm OPEC+ cam kết duy trì kế hoạch hạn chế sản lượng, trong khi tăng trưởng kinh tế các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Trung Quốc được đánh giá lạc quan hơn. Điều này vẫn sẽ nguyên nhân đẩy giá dầu tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Quang, kịch bản giá dầu tăng nóng lên trên mức 100 USD/thùng vào quý IV sẽ khó xảy ra do giá dầu cao đang là động lực cho nhiều quốc gia bổ sung sản lượng. Ông dẫn chứng, vào tuần trước, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày, vượt mức đỉnh hồi đầu năm 2020.
Ngoài ra, giá dầu tăng nóng cũng có thể làm giảm nhu cầu. Các nước phương Tây cũng sẽ khó chấp nhận việc giá năng lượng leo thang do lo ngại tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, về kịch bản giá dầu tăng cao cuối năm, ông Quang lo ngại có thêm một rủi ro khác, đó là diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông.
“Mặc dù hiện tại, căng thẳng trong khu vực chưa gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến nguồn cung. Nhưng nếu chiến sự lan rộng ra cấp độ khu vực, hoặc kéo theo nhiều quốc gia đồng minh quan trọng khác có quyền lực trên thị trường dầu mỏ thì tôi cho rằng giá dầu hoàn toàn có thể tăng nóng. Cho nên thị trường cần hết sức chú ý tới yếu tố này”, ông Dương Đức Quang chia sẻ.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cũng bày tỏ lo ngại về tình hình giá xăng dầu đang có xu hướng tăng từ tháng 9 đến nay khi bình quân các mặt hàng dầu thô đã tăng khoảng 6%, thậm chí giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu đã tăng từ 11-20% so với tháng 8. Điều đáng lo ngại hơn là giá dầu đang tăng liên tục khi cuộc xung đột giữa Hamas với Israel đang diễn ra. Do đó, việc điều hành phải có tính toán và sử dụng linh hoạt công cụ bình ổn giá xăng dầu.
Nguồn : Báo Giao Thông