Đề xuất loạt giải pháp quản chặt xe vận tải
Doanh nghiệp “nhờn” luật
Thông qua thiết bị giám sát hành trình, trong 9 tháng đầu năm, các sở GTVT đã xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với gần 28.000 phương tiện vi phạm tốc độ.
Điều đáng nói, có nhà xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu cả trăm lần như nhà xe Thành Bưởi (246 lần trong 9 tháng) nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Theo các chuyên gia, quy định hiện hành có lỗ hổng khiến doanh nghiệp không sợ.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, Nghị định 10/2020 quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi phù hiệu, biển hiệu nhưng lại chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc thu hồi bao lâu mới được cấp lại.
Vì thế, hôm nay bị thu hồi song ngày mai doanh nghiệp vẫn có thể xin cấp lại. Bên cạnh đó, một số đơn vị bị thu hồi cố tình không nộp thì cũng không có chế tài buộc họ phải chấp hành.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc thu hồi phù hiệu phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của đơn vị vận tải. Với các doanh nghiệp không tự giác, sở gửi danh sách cho các lực lượng thanh tra, công an để phối hợp nhưng do thực hiện thủ công nên khó đối chiếu.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, trong 10 tháng năm 2023, hàng chục nghìn phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu, song tỷ lệ không nộp lại khá lớn.
Để giải quyết, Cục Đường bộ VN đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10 theo hướng: Sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày ký xử phạt; Không cấp lại trong thời gian 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục. Quá thời hạn này, đơn vị không nộp sẽ bị cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định thu hồi giấy phép với các trường hợp không chấp hành quyết định thanh, kiểm tra hoặc trong thời gian một tháng có từ 30% trở lên số phương tiện bị thu hồi tước phù hiệu, biển hiệu; Không cấp lại giấy phép trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nộp lại đủ giấy phép và phù hiệu, biển hiệu. Trường hợp không nộp sẽ bị cảnh bảo trên hệ thống đăng kiểm và không cấp giấy phép trong thời gian 45 ngày.
Với phương tiện có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên trong một ngày sẽ bị thu hồi ngay (hiện quy định xe vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên tính trên 1.000km trong một tháng mới bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu).
“Các nội dung bổ sung nhằm đảm bảo tính răn đe, khắc phục bất cập hiện nay”, ông Thủy nói.
Đồng tình với các đề xuất, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Xe quá hạn đăng kiểm dù chỉ một ngày thì tài xế không dám chạy ra đường vì lo bị xử phạt. Việc quản lý phù hiệu cũng làm sao như đăng kiểm, thông tin phù hiệu vận tải phải được cập nhật ngay vào hệ thống và chia sẻ với CSGT”.
Chuyển công an nhà xe trốn thanh tra
Không chỉ có tình trạng không nộp lại phù hiệu, biển hiệu khi bị thu hồi, theo phản ánh của các sở GTVT, hiện có tình trạng doanh nghiệp vận tải trốn tránh khi biết có hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Đại diện sở GTVT TP.HCM cho biết, trong năm 2023, sở này ban hành quyết định thanh tra 4 đơn vị, trong đó một đơn vị khi biết bị thanh tra đã dừng hoạt động, không trả giấy phép kinh doanh, phù hiệu cho cơ quan quản lý.
Tiếp đó, Hợp tác xã vận tải Hoàn Hảo dự kiến thanh tra trong quý III/2023, ngay sau đó đơn vị này đã đóng cửa dừng hoạt động. Sở đang chỉ đạo thanh tra tập hợp các tài liệu liên quan chuyển cơ quan công an xử lý.
“Nhiều doanh nghiệp xe hợp đồng bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu đã chuyển sang kinh doanh xe du lịch, tuyến cố định. Vì vậy, cần bổ sung quy định phương tiện đã bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu không được kinh doanh loại hình khác”, vị này đề xuất thêm.
Đề cập vấn về này, ông Đỗ Công Thủy cho hay, hiện đã xuất hiện tình trạng, sau khi cơ quan quản lý công bố quyết định thanh tra hay kiểm tra, khi đến trụ sở, đoàn thanh, kiểm tra nhận được thông báo đơn vị vận tải đã giải thể. Trong đó, không ít những đơn vị có hàng nghìn phương tiện.
“Các địa phương đề xuất, nếu tình trạng này phổ biến, có thể nghiên cứu chuyển cơ quan điều tra để xử lý”, ông Thủy nói.
Ông Thủy cho rằng, nếu đồng loạt ra quân thanh tra, kiểm tra tất cả các đơn vị trên địa bàn thì hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy, các địa phương cần thay đổi theo hướng tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm từng đơn vị để dần lập lại trật tự.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, cần sớm có cơ chế trao đổi thông tin định kỳ giữa Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ Công an về các vấn đề liên quan đến quản lý vận tải, thuế, trật tự ATGT.
“Việc này thực hiện được sẽ loại bỏ được tình trạng giấy phép lái xe của tài xế đã bị thu giữ cả tháng đơn vị vận tải không biết. Bên cạnh đó, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của đơn vị vận tải cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn”, ông Quyền nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN, hiện Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với lĩnh vực đường bộ.
Trước mắt, Cục sẽ tập trung xây dựng nâng cấp hệ thống giám sát hành trình, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ quản lý và kết nối chia sẻ với công an, thuế, hải quan để cùng quản lý xe kinh doanh vận tải.