Bán cám heo, nước mắm, ông chủ Masan trở thành tỷ phú đôla thứ 3 của Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Phạm Nhật Vượng
Theo danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index, ông Quang hiện có tài sản 1,2 tỷ USD.
Đối với “ông trùm” hàng tiêu dùng Nguyễn Đăng Quang, phủ sóng nước mắm và các đồ gia vị “bắt buộc phải có” trong căn bếp của mọi hộ gia đình Việt chính là con đường để trở thành tỷ phú. Đó là nhận định vừa được Bloomberg đưa ra trong bài viết mới đây.
Theo danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index, ông Quang hiện có tài sản 1,2 tỷ USD. Cổ phiếu của Masan Group, tập đoàn do ông sáng lập và hiện đang là Chủ tịch, đã tăng hơn gấp đôi trong 6 tháng qua, so với mức tăng trưởng 37% của chỉ số VnIndex.
Ông Quang chỉ trực tiếp sở hữu 10 cổ phiếu Masan Group tuy nhiên ông lại là cổ đông chính của của CTCP Masan (Masan Corp) công ty đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group.
“Masan phục vụ khách hàng từ những thứ thiết yếu như nước mắm, mì ăn liền cho đến những sản phẩm ít cần thiết hơn nhưng được nhiều người ưa chuộng như tương ớt, cháo ăn liền hay xúc xích”, David Anjoubault – tổng giám đốc công ty nghiên cứu Kantar Worldpanel Vietnam nhận định. Theo ước tính của công ty này, 95% các hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan. “Những công ty thực phẩm nội địa như Masan hiểu rất rõ về nhu cầu của người tiêu dùng cũng như hành vi của họ, trong khi ở thị trường Việt Nam định vị là yếu tố quan trọng để thành công”.
Như vậy Việt Nam có thêm 1 tỷ phú đôla xuất hiện trên các bảng xếp hạng người giàu thế giới, sau hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Vingroup và Nguyễn Thị Phương Thảo của hãng hàng không VietJet.
Masan Group hiện là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất sàn chứng khoán Việt. Vốn hóa của Masan hiện đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này hiện đang kinh doanh các lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi (Proconco, Anco), hàng tiêu dùng (Omachi, Chinsu, Vinacafe…), khoáng sản (mỏ núi Pháo), ngân hàng (Techcombank).