Chiều 24/10, cơ quan khí tượng Nhật Bản phát đi dự báo về áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines. Hiện, áp thấp nhiệt đới duy trì sức gió mạnh 54 km/h, tương đương cấp 7, giật cấp 9.
Trong 24 giờ tới, hình thái này tăng cấp nhanh, có thể mạnh thành bão. Lúc 13h ngày 25/10, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 9, giật cấp 11, áp sát đất liền miền trung Philippines và tăng cấp thêm trong những giờ tiếp theo.
Sau đó, bão di chuyển vào Biển Đông với vận tốc 20 km/h, rạng sáng 26/10. Bão sẽ duy trì vận tốc này trong quá trình di chuyển trên biển và liên tục mạnh lên.
Nếu kịch bản này xảy ra, cơn bão đi vào Biển Đông và sẽ thành bão số 9, ngay thời điểm bão số 8 – Saudel đổ bộ đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh – Quảng Trị.
Hiện, cơ quan khí tượng Nhật Bản nhận định ngày 28/10, bão số 9 sẽ ở giai đoạn mạnh nhất với cường độ mạnh đến 180 km/h, tương đương cấp 15, giật cấp 17.
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nhận định bão số 9 có thể là một cơn bão mạnh. Hiện, các cơ quan khí tượng quốc tế bắt đầu đưa ra dự báo dù hình thái này đang tồn tại là một áp thấp nhiệt đới.
“Dự báo của các cơ quan khí tượng quốc tế đều cho rằng hoàn lưu gây mưa rất rộng, trải dài từ phía nam Đồng bằng Bắc Bộ xuống Nam Trung Bộ”, bà Lan nói.
Theo chuyên gia, những ngày còn lại của tháng 10, Trung Bộ có hai đợt mưa lớn là ngày 24-25/10 do ảnh hưởng của bão số 8 và các ngày 28-31/10 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão số 9.
Trong khi đó, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết nếu bão số 9 tiến vào Biển Đông như kịch bản đang được đưa ra, số lượng bão trong tháng 10 ảnh hưởng đến miền Trung sẽ đạt kỷ lục tương tự năm 1983 với 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới.
Dù vậy, chuyên gia nhận định còn quá sớm để dự báo về mức độ ảnh hưởng của hình thái này đối với nước ta trong những ngày cuối tháng 10. Tác động đầu tiên cần lưu ý là cơn bão tiếp tục gây gió mạnh, sóng lớn trên biển.