Cảng biển Quảng Ninh được quy hoạch thế nào?
Cảng biển Quảng Ninh được quy hoạch nhiều bến tổng hợp, trong đó có những bến tàu khách đến 225.000 GT.
Không phát triển, mở rộng bến chuyên dùng
Tại Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt, các cảng biển của Quảng Ninh được quy hoạch theo từng chức năng và khu vực phát triển.
Cụ thể, khu bến Cái Lân có phạm vi vùng đất và vùng nước khu vực cầu Bãi Cháy (từ công viên Đại Dương đến nhà máy đóng tàu Hạ Long).
Khu bến này được quy hoạch để đáp ứng cho cỡ tàu container trọng tải đến 4.000 Teu, tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn, tàu hàng lỏng/ khí trọng tải đến 40.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT.
Trong đó, không phát triển mở rộng bến chuyên dùng như Bến cảng xăng dầu B12 và lên kế hoạch di dời phù hợp với quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt, bảo đảm yêu cầu về phòng chống cháy nổ và các quy định khác liên quan đến khu bảo tồn vịnh Hạ Long.
Bến cảng các nhà máy xi măng, nhiệt điện 395 cũng không phát triển mở rộng, giữ nguyên quy mô hiện trạng và di dời hoặc chuyển đổi công năng cùng lộ trình di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại khu vực.
“Theo đại diện Cục Hàng hải VN, Quảng Ninh là khu vực đặc biệt vì có những ưu đãi do nằm trong vịnh, không bị ảnh hưởng bởi sóng gió.
Việc tận dụng những lợi thế đã mang lại hiệu quả lớn cho các cảng biển khu vực, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Khoảng 3 năm gầy đây, hàng hóa tăng trưởng trung bình tại khu vực Quảng Ninh khoảng 20-30%.
Khu bến Yên Hưng (thị xã Quảng Yên) có phạm vi gồm khu vực sông Chanh (từ thượng lưu kênh Cái Tráp đến cầu sông Chanh) và khu vực bên phải luồng Bạch Đằng (từ kênh Cái Tráp đến hạ lưu cầu Bạch Đằng).
Khu bến này gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/ khí, bến cho các phương tiện thuỷ nội địa, các bến cảng và công trình phục vụ đóng, sửa chữa tàu. Mục tiêu nhằm phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp, dịch vụ tại khu công nghiệp Nam và Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng và cả nước, kết nối cùng khu bến cảng Lạch Huyện.
Quảng Ninh cũng định hướng bến cảng tiềm năng phía sông Bạch Đằng phát triển với quy mô và tiến trình phù hợp với nhu cầu phát triển của Khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc, cũng như khả năng đầu tư mở rộng kênh Hà Nam, đáp ứng cho cỡ tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện tại khu vực sông Chanh.
Ở khu vực sông Bạch Đằng, có thể đáp ứng tàu trọng tải đến 20.000 tấn hoặc lớn hơn. Riêng khu vực trong sông Rút đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn.
Bến cảng Vạn Ninh, Vạn Gia chủ yếu phục vụ hàng hoá thông qua thành phố Móng Cái
Khu bến Hải Hà có phạm vi tại khu vực Hải Hà và đảo Cái Chiên, phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp, dịch vụ tại khu công nghiệp Hải Hà, các KKT và cửa khẩu (Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô – Đồng Văn), phát triển kinh tế xã hội liên vùng.
Khu bến có các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/ khí, bến cảng khách (đảo Cái Chiên) và các bến cho các phương tiện thuỷ nội địa, đáp ứng cho tàu tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/ khí trọng tải từ 30.000 – 80.000 tấn hoặc lớn hơn.
Bến cảng Mũi Chùa được quy hoạch để tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 5.000 tấn. Trong khi đó, bến cảng Vân Đồn sẽ là bến cảng tổng hợp kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế khi có nhu cầu, cũng như các bến cho các phương tiện thuỷ nội địa gom hàng. Bến cảng Vân Đồn sẽ phát triển theo nhu cầu thực tế của khu kinh tế Vân Đồn và tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Riêng bến cảng Vạn Ninh, Vạn Gia được quy hoạch để phục vụ chủ yếu nhu cầu hàng hoá thông qua thành phố Móng Cái, phát triển kinh tế xã hội liên vùng và cả nước. Khu bến này có bến tổng hợp, hàng lỏng/ khí, bến cảng khách và các bến cho các phương tiện thuỷ nội địa, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn hoặc lớn hơn. Hai bến cảng là Vạn Hoa và Cô Tô sẽ kết hợp phục vụ kinh tế – quốc phòng.