Cảng đường thủy vào cuộc đua vận chuyển container
Điều này khiến đường bộ không còn độc chiếm thị trường vận tải container từ cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh về một số khu công nghiệp trong nội địa.
Đầu tư cảng trăm tỷ, thông quan hàng tại chỗ
Có mặt tại ven sông Đuống thuộc địa bàn xã Tri Phương (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) tháng 11/2018, PV Báo Giao thông ghi nhận, cảng chuyên dụng container Tri Phương rộng 2,5ha đã xây xong phần sân bãi, nhà điều hành. Hiện cảng chuyển sang thi công cầu tiếp nhận phương tiện, đường bộ đấu nối với đường giao thông công cộng.
Ông Phan Văn Duy, Cục phó Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, cảng Tri Phương chỉ mới được bổ sung vào quy hoạch cảng thủy quốc gia cách đây hai năm và được Cục Đường thủy chấp thuận chủ trương xây dựng cách đây đúng một năm. “Cảng thủy này khi đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải ách tắc giao thông trên một số tuyến quốc lộ trọng điểm như QL5, QL18; Đồng thời, giảm được chi phí vận tải 20 – 25% so với vận chuyển bằng đường bộ. Cảng cũng vận hành như cảng biển quốc tế nên sẽ tạo được lợi thế lớn, giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh”, ông Duy nhận định.
Chủ đầu tư cảng Tri Phương cho biết, tổng mức đầu tư dự án khoảng 170 tỷ đồng, với quy mô bãi chứa container khoảng 900 TEUs, 4 sà lan chuyên và dịch vụ vận chuyển. “Khi đi vào hoạt động, cảng bố trí văn phòng để cơ quan Hải quan thường trực giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngay tại cảng”, ông Trần Hoàng Thắng, quản lý dự án cảng Tri Phương nói.
Cũng theo ông Thắng, cảng sẽ tận dụng lợi thế đang có hàng trăm đầu xe container và một cảng cạn (ICD) ở Bắc Ninh để kết nối với cảng thủy container, tạo thêm kênh vận chuyển giá rẻ cho khách hàng.
Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết thêm, cảng container này nằm trên chặng giữa của hành lang vận tải số 1 sôi động nhất phía Bắc từ Việt Trì – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh nên rất thuận lợi trong việc “nhắm” vào hàng hóa xuất nhập khẩu của 5 địa phương (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội) bằng vận chuyển container đường thủy đến cảng Hải Phòng. Các địa phương này tập trung nhiều nhà máy sản xuất lớn và thống kê năm 2016 cho thấy hàng hóa xuất nhập khẩu từ khu vực trên chiếm khoảng 50% tổng sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng.
Ngoài cảng container trên, phía đầu sông Đuống đoạn qua huyện Quế Võ (Bắc Ninh), cảng thủy container Quế Võ của một doanh nghiệp khác với diện tích lớn hơn cảng Tri Phương, nằm tiếp giáp QL18 cũng đã xây dựng xong phần bãi chứa container, cần cẩu và sắp đưa vào khai thác. Luồng tuyến và cầu tàu của hai cảng này có khả năng tiếp nhận được tàu pha sông biển VR-SB, thậm chí tàu biển cỡ nhỏ. Trong khi đó, phía cuối hành lang vận tải thủy số 1, cách đây hơn 1 năm, cảng container Hải Linh trên sông Lô tại Việt Trì đã đi vào hoạt động, chuyên vận chuyển container bằng sà lan đến cảng biển Hải Phòng.
Bắt tay cạnh tranh đường bộ
Sự xuất hiện của ba cảng thủy hiện đại là tín hiệu đánh dấu sự chuyển hướng vận tải sang đường thủy, có sự cạnh tranh không chỉ với đường bộ mà giữa các cảng container đường thủy với nhau. Đại diện các cảng trên cho biết, cùng với đầu tư cảng, sà lan, các cảng còn đầu tư xe đầu kéo để gom hàng từ các khu công nghiệp để đưa hàng xuống cảng, dùng sà lan trung chuyển đến cảng biển, tạo mô hình vận tải khép kín trực tiếp. Tuy vậy, do số lượng cảng container đường thủy trên hành lang vận tải số 1 ít nên thời gian đầu cạnh tranh chủ yếu với đường bộ.
“Hàng container qua cảng đến nay mới đi một chiều, từ cảng thủy đến cảng biển và chưa có hàng chiều ngược lại. Khi các cảng container mới đi vào hoạt động sẽ tạo sức hấp dẫn hơn cho vận tải thủy. Hàng hóa sẽ được thông quan ngay tại cảng thủy, giúp thời gian lấy hàng nhanh hơn. Đơn vị dự kiến hợp tác với cảng container khác để cùng chở hàng hoặc lấy hàng ngay tại cảng thủy đầu tuyến, rút ngắn thời gian đi lại, thời gian chờ đợi so với lấy trực tiếp từ cảng biển”, ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Kỹ thuật cảng container Hải Linh cho biết.
Đại diện cảng container Quế Võ cho biết, sẽ hợp tác với cảng cuối tuyến để gom hàng, đưa cảng thành ICD trung chuyển cho các cảng thủy khác sâu hơn trong nội địa.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, việc hình thành các cảng thủy container trên sẽ mang diện mạo mới cho vận tải thủy trên trục vận tải chính phía Bắc, góp phần hạ giá thành vận tải, giảm tải cho đường bộ. Bởi vận chuyển container bằng sà lan có ưu điểm vận chuyển được khối lượng lớn, một sà lan có sức chở 30 container sẽ tương đương với 30 xe đầu kéo chạy trên đường bộ. Vì vậy, giá vận tải thủy thông thường chỉ bằng 1/2 – 1/3 giá vận tải đường bộ.
Tuy vậy, từ góc độ người làm vận tải thực tế, ông Đỗ Cường Quốc cho biết, hiện việc thu hút hàng hóa từ đường bộ xuống đường thủy đang gặp bất lợi bởi hạ tầng, thời gian vận chuyển dài.
“Hành lang đường thủy số 1 chưa thuận lợi cho vận tải thủy, bởi mùa khô luồng bị cạn, phương tiện đậu đỗ lộn xộn, cầu Đuống tĩnh không thấp. Còn khi đến cảng biển phải nằm chờ 1-2 ngày mới được vào làm hàng, khiến thời gian vận chuyển rất lâu, chỉ phù hợp với hàng chậm”, ông Quốc chia sẻ.
Đặc biệt phù hợp với hàng hóa chuyển chậm vì giá rẻ
Theo đại diện cảng container Hải Linh, hiện giá thành vận chuyển một container “từ kho đến cảng biển Hải Phòng mà đơn vị đảm nhận chỉ bằng 60-70% so với đường bộ. Tuy nhiên, thời gian vận chuyển mất khoảng 10 ngày, gồm thời gian đi đường và trực 1-2 ngày để đến lượt vào làm hàng tại cảng biển. Còn đường bộ có lợi thế hơn bởi thời gian vận chuyển chỉ mất 1 ngày.
Đại diện cảng Tri Phương tính toán, luồng tuyến từ cảng biển Hải Phòng về cảng cho phép vận hành sà lan chở 3 lớp container, nhưng thời gian vận chuyển khoảng 12 tiếng, còn đi bằng đường bộ mất khoảng 1,5 tiếng, nên cảng thủy chỉ phù hợp với hàng hóa chuyển chậm.