Về đầu trang

Cảng lâu đời nhất Hải Phòng sắp kết thúc sứ mệnh lịch sử 150 năm

Posted by admin

Cảng Hoàng Diệu nằm ở vị trí siêu đắc địa, dự kiến sẽ dừng hoạt động, hoàn thành giải phóng mặt bằng vào đầu năm 2025 để xây dựng cầu mới Nguyễn Trãi và khu đô thị bên bờ sông Cấm – kết nối khu Trung tâm TP. Hải Phòng cũ với Trung tâm hành chính mới Bắc sông Cấm.

Cảng Hoàng Diệu là bến cảng chính gắn với hình ảnh Hải Phòng – thành phố Cảng, nằm bên bờ sông Cấm, được người Pháp xây dựng từ năm 1874, là một trong 3 bến cảng của Công ty CP Cảng Hải Phòng. Với người dân Hải Phòng, cảng Hoàng Diệu được mặc nhiên coi là cảng Hải Phòng dù nhiều năm qua Công ty CP Cảng Hải Phòng mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều khu vực khác như Đình Vũ, Lạch Huyện…

Khi được xây dựng, cảng Hoàng Diệu có kho bãi cùng hệ thống trang thiết bị xếp dỡ đồng bộ nên có ít có đối thủ cho đến tận cuối thế kỷ 20. Ngoài ra, cảng Hoàng Diệu là cảng duy nhất hiện nay trên cả nước có đường sắt kết nối trực tiếp, đồng bộ với đường sắt quốc gia (Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai).

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, đây là bến cảng có giá thành vận tải hàng hóa thấp nhất trong các cảng hiện nay tại Hải Phòng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của khu vực khi 52% lượng hàng tổng hợp (ngoài container) và 73% hàng nhập khẩu của khu vực thông qua bến cảng này.

Tuy nhiên, bến cảng trên 150 tuổi của thành phố cảng sắp kết thúc sứ mệnh hoạt động của mình. Theo quy hoạch, cảng Hoàng Diệu sẽ phải nhường diện tích đất cho phát triển không gian đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại. Về quy hoạch giao thông đường bộ, sẽ xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm nằm song song với cầu Hoàng Văn Thụ được xây dựng từ trước đó.

Lý do di rời cảng Hoàng Diệu do cảng có vị trí siêu đắc địa khi nằm giữa trung tâm TP. Hải Phòng cũ và khu trung tâm hành chính mới mà trong tương lai sẽ trở thành TP. Thủy Nguyên. HĐND TP. Hải Phòng đã chính thức biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng xây dựng cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận.

Cảng Hoàng Diệu đang tổ chức phá dỡ một số công trình để giải phóng mặt bằng tại một số khu vực bàn giao cho thành phố để khởi công cầu Nguyễn Trãi. Theo tính toán, cảng Hoàng Diệu có hơn 300.000 m2 đất nằm trong diện bị thu hồi.

Khi cầu Nguyễn Trãi được khởi công bắc qua Sông Cấm với tĩnh không 25 m, các cầu cảng 1, 2, 3 trực tiếp bị ảnh hưởng do hạn chế về tĩnh không. Và sau đó, toàn bộ các cầu cảng còn lại của bến cảng Hoàng Diệu sẽ không thể tiếp tục khai thác theo năng lực thiết kế.

Theo báo cáo của Công ty CP Cảng Hải Phòng, công tác giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn do cảng vẫn lưu giữ nhiều lô hàng tồn đọng đã lâu tại 4 kho và nhiều khu vực bãi cảng. Các lô hàng tồn đọng này đều là hàng hoá chưa được thông quan, với khối lượng ‘khoảng hơn 5.000 m3.

Lô hàng lưu giữ lâu nhất là từ năm 2008 của Công ty Xuất nhập khẩu Vinashin. Ngoài ra còn hàng loạt xe xúc, xe cẩu, xe tải nhỏ, thép tấm, thép lá cuộn và hơn 900 kiện hàng khác đã để tại các kho bãi cảng này từ năm 2010 – 2023.

Trước chủ trương thu hồi đất, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đề nghị thành phố có phương án di dời các kiện hàng tồn đọng trên mặt bằng cảng. Đồng thời, xem xét trợ cấp ngừng việc cho người lao động, phân kỳ thu hồi đất, di dời các cầu cảng, đồng thời có thời gian nâng cao khả năng tiếp nhận tàu, hàng hóa của các cảng trực thuộc khi di dời cảng Hoàng Diệu.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã đồng ý lùi thời điểm phê duyệt phương án hỗ trợ người lao động mất việc để doanh nghiệp hoàn thành thủ tục sắp xếp; yêu cầu cảng Hải Phòng phối hợp với quận Ngô Quyền bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, nhất là mặt bằng khởi công; giao UBND quận Ngô Quyền thông báo cho các đại lý, các hãng tàu và chủ hàng có các lô hàng tồn đọng chủ động liên hệ tới Công ty TNHH MTV cảng Hoàng Diệu để thực hiện di dời hàng hoá, tài sản ra khỏi các kho bãi của cảng.

Cảng Hoàng Diệu nằm bên sông Cấm, cách cửa biển khoảng 16 km, được người Pháp xây dựng với 6 nhà kho lớn, nên hay được gọi là bến Sáu Kho. Cảng dài 1.717 m, tổng diện tích kho hàng 31.320 m2, bãi hàng 163.000 m2 cùng hệ thống công trình phụ trợ, chủ yếu tiếp nhận hàng rời phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng của các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Đầu năm 2017, cầu Hoàng Văn Thụ được thành phố Hải Phòng khởi công xây dựng và khánh thành sau 2 năm thi công. Công trình cắt qua cầu cảng số 10, 11 và ảnh hưởng đến hoạt động của bến cảng số 9. Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đã phải tạm ngừng khai thác 3 cầu cảng này để phục vụ thi công cầu Hoàng Văn Thụ.

Nguồn : Báo Tiền Phong

Trả lời