Về đầu trang

Có bao nhiêu trạm BOT đã giảm giá vé?

Posted by admin
Category:

Hiện nay, cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm, còn lại 15 trạm do UBND các tỉnh quản lý.

 

Trong số 73 trạm thu giá BOT (thu và chưa thu) thuộc thẩm quyền quản lý, Bộ GTVT đã tiến hành giảm giá vé đối với các xe loại 4 và loại 5 của 35 trạm và 13 trạm đã thực hiện miễn giảm giá vé cho các phương tiện khu vực trạm thu giá.

Phương tiện của người dân quanh trạm được giảm giá

Theo thông tin từ Vụ Đối tác công – tư (PPP – Bộ GTVT), hiện nay, cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu và 4 trạm chưa thu) do UBND các tỉnh quản lý.

Đề cập đến mức phí của các trạm BOT, đại diện Vụ PPP cho biết, trước ngày 1/1/2017, theo Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính, quy định khung mức phí (15.000 – 52.000 đồng/lượt cho xe con qua trạm). Mức phí chính thức áp dụng sẽ được Bộ Tài chính ban hành thông tư riêng cho từng trạm thu giá. Từ ngày 1/1/2017 đến nay, mức thu phí áp dụng theo Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa 52.000 đồng/lượt cho xe con qua trạm.

“Trong số 56 trạm đang thu, 2 trạm có mức thu 15.000 đồng/lượt, 4 trạm có mức thu 20.000 đồng/lượt, 4 trạm có mức thu 25.000 đồng/lượt, 3 trạm có mức thu 30.000 đồng/lượt, 40 trạm có mức thu 35.000 đồng/lượt, 3 trạm có mức thu 40.000 đồng/lượt”, lãnh đạo Vụ PPP thông tin và cho biết thêm, mức phí thu tại trạm hiện nay thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, còn có ý kiến cho rằng mức phí này cao, đặc biệt đối với các hộ dân thường xuyên qua trạm thu phí có kiến nghị phải miễn phí, một số trạm thu phí có hiện tượng sử dụng tiền lẻ trả phí gây ách tắc, mất an ninh trật tự, ATGT, phải tạm dừng thu phí.

Theo lãnh đạo Vụ PPP, các dự án BOT đều được triển khai từ năm 2016 trở về trước, pháp luật không quy định miễn, giảm phí cho phương tiện gần trạm thu phí. Từ ngày 1/1/2017, phí sử dụng dịch vụ đường bộ chuyển thành giá, thẩm quyền quyết định giá thuộc Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã có các văn bản giao Tổng cục Đường bộ VN làm việc với các địa phương và nhà đầu tư căn cứ vào điều kiện thực tế từng trạm để đề xuất giải pháp xử lý trên phạm vi cả nước đảm bảo nguyên tắc: Việc giảm giá vẫn phải đảm bảo khả thi về phương án tài chính của dự án; Giá phí trên cùng tuyến đường phải có mức tương đồng; Thứ tự ưu tiên miễn giảm giá: Ưu tiên giảm giá cho các phương tiện quanh trạm, giảm mức tăng giá đối với những dự án có mức tăng giá cao (18%) về mức tăng từ 6-9%, nếu phương án tài chính còn khả thi sẽ tiếp tục giảm mức phí chung cho các loại phương tiện.

Đến nay, Bộ GTVT đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực trạm thu phí tại 13 trạm gồm: Trạm QL6, trạm QL32, trạm cầu Hạc Trì, trạm QL3, trạm Bến Thủy, trạm Cầu Rác, trạm Km1064 (QL1 tỉnh Quảng Ngãi), trạm Quán Hàu, trạm Cai Lậy, trạm QL91, trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ, trạm Đại Yên QL18 và trạm tuyến tránh TP Biên Hòa.

“Đối với việc giảm phí theo Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng về đối tượng và mức giảm, Bộ GTVT đã giảm phí các xe loại 4 và loại 5 (các xe tải lớn chịu mức phí cao) của 35 dự án, 27 dự án có mức phí đã thấp hơn mức trung bình không cần giảm, còn lại 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến, nếu giảm giá thì phương án tài chính không khả thi”, lãnh đạo Vụ PPP thông tin và cho biết thêm, Bộ GTVT hiện đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh công tác quyết toán các dự án để miễn giảm cho người dân lân cận trạm thu phí và giảm mức phí chung.

Không thể giảm giá tất cả các trạm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thời gian qua, tại một số trạm thu giá, có hiện tượng một số chủ phương tiện phản đối mức thu đối với chủ phương tiện sinh sống xung quanh trạm thu giá, như tổ chức các đoàn xe mang biểu ngữ phản đối thu giá, trả tiền lẻ tại các trạm gây ùn tắc giao thông.

Đánh giá cao nỗ lực giải quyết bức xúc của Bộ GTVT

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã rất nỗ lực và tích cực đưa ra các chủ trương, chính sách nhằm khắc phục các bất cập, tồn tại của các dự án BOT. “Việc miễn giảm giá vé cho các phương tiện gần trạm thu giá và giảm giá chung cho tất cả phương tiện tại nhiều trạm BOT, góp phần giảm bớt bức xúc của xã hội và người dân. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta sẽ không còn lựa chọn nào khác tốt hơn giải pháp này.

“Việc người dân phản ứng xuất phát từ một số bất cập như vị trí trạm, mức giá tại các trạm. Bên cạnh đó, do đa số các trạm thu giá BOT thu theo hình thức thu giá hở nên đã nảy sinh bất cập. Phương thức thu hở có nhược điểm là không thể công bằng tuyệt đối cho tất cả các phương tiện lưu thông. Phương tiện đi cả tuyến đường và phương tiện đi một phần tuyến đường của dự án đều phải trả mức giá như nhau, có phương tiện sử dụng đường của dự án nếu không đi qua trạm thu giá vẫn không phải trả tiền”, ông Huyện nói.

Theo ông Huyện, để giảm bớt bất cập đối với người dân xung quanh trạm thu giá, Tổng cục Đường bộ VN đã trình Bộ GTVT sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ, trong đó bổ sung đối tượng giảm giá sử dụng dịch vụ đường bộ là các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại các địa bàn xung quanh trạm thu giá có hình thức thu hở, qua đó có thể xác định được tương đối mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ khi phương tiện tham gia dự án.

Tuy nhiên, ông Huyện cũng khẳng định, không thể giảm giá chung đồng loạt cho các trạm thu giá BOT. Lý do vì trong số 56 trạm thu giá BOT đang khai thác có đến 11 dự án có lưu lượng xe thấp hơn dự kiến nếu giảm giá sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án.

“Tổng cục Đường bộ VN đang tiến hành tính toán, rà soát, đàm phán với các nhà đầu tư cụ thể từng dự án để có mức giảm hợp lý. Đối tượng và mức giá giảm được xác định trên cơ sở đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính và thỏa thuận giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, ông Huyện nhấn mạnh.

Trả lời