Cục Chăn nuôi: Nguy cơ thiếu thịt lợn, thịt gà vào cuối năm?
Người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên bán chạy lợn
Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và dịch lở mồm long móng vẫn đang diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo: Người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên quá lo sợ và bán lợn “chạy dịch” ồ ạt, khiến nguồn cung tăng đột biến và giá lợn giảm sâu.
Hiện, giá lợn hơi ở miền Bắc có nơi chỉ còn từ 34.000 – 35.000 đồng/kg. Khu vực miền Nam giá heo hơi cao hơn, dao động phổ biến từ 38.000 – 44.000 đồng/kg song cũng đang trong xu hướng giảm so với tháng trước.
Do lo sợ dịch tấn công vào đàn lợn nên ở nhiều nơi, bà con nông dân muốn bán lợn nhanh chóng. Điều này cũng có nguy cơ khiến nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt vào các tháng cuối năm 2019.
Theo ông Trọng, dịch tả lợn châu Phi mặc dù đã có những dấu hiệu “dịu” đi ở một số nơi, nhưng nhìn chung vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Sau khi giảm được 2 tỉnh hết dịch thì lại tăng thêm 3 tỉnh bùng phát dịch và đang đe dọa lan rộng, tấn công vào các tỉnh phía Nam.
Thực tế là ở những vùng đã và đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi, bà con nông dân vẫn đang rất lo lắng, chưa dám tái đàn trở lại. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn ở xã Nam Xuân (Nam Đàn, Nghệ An) hiện mới đang tập trung dọn vệ sinh khu vực chuồng trại nuôi lợn để đề phòng dịch bệnh. Thời điểm đầu tháng 3, khi dịch tả lợn chưa xuất hiện tại Nghệ An, ông đã xuất bán lứa lợn 7 con.
Kể từ đó đến nay, chuồng chăn nuôi lợn của ông vẫn trống, chưa có lứa mới. Ông Nhàn chia sẻ: “Theo dõi báo, đài thấy dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp, dù tôi đã nuôi liên tục suốt 20 năm nay, nhưng thời điểm này tôi không nhập lợn về vì lo ngại lợn giống tiềm ẩn nguy cơ nhiễm dịch bệnh”.
Ngành thú y cũng đã có khuyến cáo, các cơ sở chăn nuôi lợn muốn tái đàn khi hết dịch cũng phải hết sức thận trọng, đủ tiềm lực và khả năng áp dụng chăn nuôi đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thì mới tái đàn.
Trước mắt, khuyến cáo đối với những vùng chăn nuôi lợn chưa có dịch, cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời cũng không nên quá lo lắng, bán tháo lợn để “chạy dịch”. Điều này vừa dẫn tới thiệt hại cho người chăn nuôi, vừa khiến tư thương ép giá, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân đối cung cầu thịt lợn trong các tháng cuối năm 2019.
Giá thịt lợn hơi (giá heo hơi) đang ở mức thấp cũng đang kéo theo giá các sản phẩm gia cầm, nhất là thịt gà, trứng xuống mức thấp và kéo dài từ đầu năm 2019 đến nay. Điều này cũng có thể sẽ kéo theo một đợt “thiếu hụt kép” nguồn cung thịt đối với 2 sản phẩm chủ lực là thịt lợn và thịt gà vào cuối năm 2019.
Mặc dù con số thống kê tổng đàn lợn cả nước hiện chỉ khoảng 25- 27 triệu con, mỗi năm xuất chuồng 50 triệu con, nhưng thực tế người chăn nuôi cho biết, tổng đàn lớn hơn so với thống kê khá nhiều.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết thêm: Để ổn định cung cầu thịt lợn, Bộ NN&PTNT cũng đã có các buổi làm việc sâu với các doanh nghiệp lớn về chăn nuôi lợn như C.P, Dabaco, CJ… nhằm bàn bạc các giải pháp để chủ động nguồn giống lợn, sẵn sàng cung cấp cho việc tái đàn khi tình hình dịch tả lợn châu Phi được khống chế. Vì vậy, chúng tôi khẳng định nguồn cung giống lợn sẽ không thiếu trong thời gian tới.
Ngành chăn nuôi dễ bị tổn thương nhất khi hội nhập
Theo Bnews, mặc dù giữ vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp, nhưng chăn nuôi lại là lĩnh vực được đánh giá dễ bị tổn thương nhất khi hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Hiệp định CPTPP được thực thi từ đầu năm 2019 và hàng loạt các Hiệp định thương mại khác Việt Nam tham gia ký kết, bên cạnh việc các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có cơ hội vươn ra “biển lớn” thì cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức và áp lực.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ lo ngại khi Hiệp định CPTPP đi vào thực tiễn, ngành chăn nuôi sẽ phải chịu nhiều “tổn thương” nhất. Khi đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của các nước như Canada, Nhật Bản, Australia… với thuế suất bằng 0% có giá cạnh tranh hơn sẽ “ồ ạt” tràn vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Long, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không ngừng cải tiến về giống, giảm giá thành sản phẩm, nhưng rất khó có thể cạnh tranh khi giá thành chăn nuôi lợn của các nước chỉ dưới 30.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lợn Việt Nam khoảng 38.000 đồng/kg.
Với giá thành như thế, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập có giá rẻ hơn, quy trình giết mổ lại bài bản, an toàn hơn.
Báo Nghệ An