Đầu tư xây dựng cảng biển: Đừng chạy theo phong trào!
UBND tỉnh Quảng Trị vừa xin Chính phủ xem xét chủ trương đầu tư Dự án xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy – Quảng Trị. Dự án có tổng mức đầu tư 14.234 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỷ đồng; vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỷ đồng. Dự án có thời gian thực hiện 50 năm do Công ty cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy là nhà đầu tư được triển khai trên diện tích 685 ha, tổng quy mô gồm 10 bến phát triển, có công năng và cỡ tàu khai thác là 100.000 DWT.
Bình luận về đề xuất này, ông Nguyễn Tương – chuyên gia về logistics cho biết, cảng biển cũng giống như một ngành sản xuất, cũng có những điều kiện nhất định để phát triển. Không phải cứ phát triển ồ ạt, chạy theo “mốt”, chỗ nào cũng xây cảng, mua tàu cuối cùng cảng thì ế, tàu bỏ không không có hàng hóa vận chuyển.
Đánh giá chung tình hình hoạt động của các cảng biển khu vực miền Trung, theo ông Nguyễn Tương, tại miền Trung hiện có rất nhiều cảng biển, hệ thống cảng tại khu vực miền Trung khá dày đặc, cứ 30-40km đường biển lại có 1 cảng biển, song ngành công nghiệp phát triển theo hệ thống cảng biển – logistics của miền Trung vẫn kém phát triển hơn so với Tp.HCM và Hải Phòng vì khu vực này thiếu các cảng biển lớn.
Ngoài ra, công nghiệp địa phương không đủ mạnh để cung cấp hàng hóa cho dịch vụ ngành logistics, càng có nhiều cảng hàng hóa càng bị phân tán càng khiến các nhà cung ứng dịch vụ logistics không thể dựa vào qui mô dịch vụ để phát triển. Bên cạnh đó, do tình trạng chạy đua làm cảng biển mà nguồn đầu tư dành để nâng cấp đường sá, đào tạo nhân lực và thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư bị xem nhẹ, không được quan tâm đầy đủ.
Vị chuyên gia cho rằng, thay vì chạy đua làm cảng biển, khu vực miền Trung cần có đánh giá cụ thể về tình hình hoạt động cũng như tính hiệu quả hiện tại đang có nhằm có chính sách nâng cấp, cải tạo các cảng biển cho phù hợp với tình hình thực tế. “Chạy đua xây cảng mà không tính tới yếu tố hiệu quả không những gây thêm áp lực cho hệ thống cảng biển, khiến ngành công nghiệp logistics không có cơ hội để phát triển mà còn tạo gánh nặng cho địa phương”,ông Tương cảnh báo.
TS Lê Phúc Hòa, chuyên gia Logistics và vận tải đa phương thức đặt câu hỏi, Cảng Cái Mép – Thị Vải cụm cảng lớn nhất Việt Nam cũng mới khai thác được 20%-30% công suất. Quảng Trị làm cảng xong thì vận chuyển nguồn hàng nào? Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hoạt động cầm chừng vì nhiều nguyên nhân như: thiếu hàng hóa, hàng hóa không về được cảng do hệ thống tổ chức mạng lưới giao thông kết nối kém, vận tải khó khăn, đường vào tắc nghẽn…
Trong khi đó, lại đang có trào lưu tỉnh nào cũng muốn đầu tư xây dựng cảng, nhưng không xây dựng được hệ thống kết nối hạ tầng giao thông, logistics không phát triển, không có hàng hóa vận chuyển cuối cùng, xây cảng ra nhưng bị “ế”, không hiệu quả.
“Tôi có thể khẳng định ngay Quảng Trị làm cảng sẽ không hiệu quả. Không biết Quảng Trị lấy nguồn hàng ở đâu để tàu vận chuyển, không có hàng thì tàu nào sẽ ra vào cảng Quảng Trị? Quảng Trị đừng chạy theo phong trào xây cảng biển, sân bay mà không tính tới hiệu quả để cuối cùng tiêu tốn tiền bạc ngân sách” – ông Hòa thẳng thắn bày tỏ quan điểm.