Đến hội nghị đối thoại, chỉ thấy bức xúc của doanh nghiệp
Sau khi nghị định 144 của Chính phủ ban hành ngày 1-11, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi “đứng hình” khi hàng hóa bị ách lại kiểm hóa, làm phát sinh hàng loạt chi phí.
Doanh nghiệp đã mang bức xúc này kêu tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 do Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức vào ngày 13-12 tại TP.HCM.
Doanh nghiệp không thể chờ
Có đến 450 doanh nghiệp phía Nam, từ Quảng Ngãi trở vào, tham dự hội nghị được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần này. Dù chủ tọa thông báo thời gian đã hết, yêu cầu doanh nghiệp gửi câu hỏi bằng giấy và hứa sẽ đưa câu trả lời trên website, nhưng có hàng trăm cánh tay từ phía các doanh nghiệp vẫn giơ lên.
Họ có quá nhiều bức xúc cần lãnh đạo ngành thuế và hải quan giải đáp trực tiếp tại hội nghị.
Bà Nguyễn Lý Long Khánh, đại diện Công ty cổ phần GAD Việt Nam (tỉnh Bình Thuận), bức xúc khi gửi ba câu hỏi nhưng không được mời đối thoại.
Đứng lên phát biểu vào cuối buổi đối thoại, bà Khánh cho biết sau khi nghị định 144 của Chính phủ (về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan) ban hành ngày 1-11, tình hình chung của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi rất rối.
Bà cho biết doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, mã số HS là 23040090. Sau khi có nghị định này thì hiện nay hàng hóa về các chi cục hải quan riêng đối với mặt hàng này đều đem đi phân tích thương mại và tất cả doanh nghiệp có hàng nhập khẩu bã đậu nành (soybean meal) đều phải chịu kiểm hóa.
Mỗi tờ khai như vậy phát sinh phí trong phí ngoài khoảng 7-8 triệu đồng/lô hàng, mà hiện giờ hàng hóa chưa được thông quan.
“Vậy mục tiêu công văn 144 là gì, hướng đến mặt hàng nào, tại sao đến giờ các chi cục hải quan đều hoang mang và áp mã HS là 2304029 là bột đậu tương thô trong khi chưa có tài liệu khoa học nào cho nó là bột. Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế can thiệp ngay việc này, không thể nào để doanh nghiệp bị như vậy”, bà Khánh đề nghị.
Theo bà Khánh, điều lạ là từ trước đến nay doanh nghiệp không vướng, mà từ khi có quy định miễn thuế là kẹt ngay. Khó khăn này không chỉ xảy ra với doanh nghiệp của bà, mà với nhiều doanh nghiệp khác. Hàng cứ về cảng là hải quan cho đi phân tích phân loại, trong khi quy trình sản xuất không ai nghiền thành bột.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mã HS 23040090 được hiểu là đậu tương đang ở dạng mảnh, thu được từ quá trình chiết xuất dầu đậu tương, không phải là bột.
Khổ vì xác minh hoàn thuế VAT
Ông Tô Vĩnh Hưng, phó tổng giám đốc Công ty Thép Miền Nam (VNSteel), cho biết hồ sơ hoàn thuế VAT của công ty đang vướng không được hoàn thuế từ tháng 8-2022 đến nay với số tiền gần 200 tỉ đồng.
Tại thời điểm công ty phát sinh hoạt động mua bán phế liệu, tất cả hồ sơ, thủ tục của công ty đều đúng theo quy định hoàn thuế, giải trình được hoạt động phát sinh cũng như công ty kiểm tra hóa đơn đầu vào của các đơn vị cung cấp đều đang hoạt động. Nhưng đến thời điểm hoàn thuế, cục thuế địa phương kiểm tra thì xảy ra trường hợp các đơn vị đầu vào ngưng hoạt động và đang chờ làm thủ tục phá sản, giải thể, dẫn đến nghi ngờ về tính hợp pháp của hóa đơn. Từ đó cơ quan thuế treo lại, không hoàn thuế.
Ngoài ra, VNSteel cũng vướng mắc liên quan đến hóa đơn đầu vào vì đối tác mà công ty mua hàng bị Cục Thuế TP.HCM xác định có liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp và đang chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Điều này khiến Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tạm dừng việc hoàn thuế cho VNSteel.
“Tại thời điểm công ty phát sinh hoạt động mua bán phế liệu thì tất cả hồ sơ thủ tục đều đúng và giải trình được. Đơn vị nào khai thuế sai thì đơn vị đó chịu trách nhiệm. Chúng tôi kiến nghị việc xem xét điều tra xác minh nên diễn ra trong thời điểm kiểm tra thuế thôi. Còn sau đó thì tách ra.
Nguyên tắc là đơn vị nào sai thì xử đơn vị đó. Nếu không có căn cứ kết luận rằng hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp xin hoàn bất hợp pháp thì đề nghị xem xét hoàn thuế cho doanh nghiệp”, ông đề nghị.
Đáp lại, ông Mai Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết sẽ tiếp thu những góp ý của doanh nghiệp và sẽ hoàn thiện trong quá trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên ông Sơn cho biết do công ty mua hàng, phế liệu và sản phẩm của đơn vị khác, khi thực hiện hồ sơ hoàn thuế thì cơ quan thuế xác định những doanh nghiệp này có dấu hiệu rủi ro.
Trên thực tế thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lập ra để mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Tuy nhiên hiện nay cơ quan thuế chỉ có thẩm quyền xác minh, chứ chưa đủ thẩm quyền xác định doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hay không. Do vậy có những trường hợp cơ quan thuế có thể xác minh để hoàn thuế cho doanh nghiệp nhưng có những trường hợp cần phải phối hợp với cơ quan công an để điều tra. Việc Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển hồ sơ quan cơ quan công an là để đảm bảo quy định.
Ông Sơn cũng đề nghị Cục Thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần tích cực phối hợp với VNSteel để giải quyết vướng mắc một cách kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.
Yêu cầu quá khó của cơ quan thuế
Bà Cao Thị Thêu, đại diện Công ty Namtex, nêu vấn đề là công ty xuất khẩu tại chỗ hơn 20 năm. Lúc làm tờ khai thì không yêu cầu xác minh thương nhân nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam hay không, bây giờ sự việc xảy ra đã lâu thì đến tháng 7-2023 mới yêu cầu xác minh vấn đề này.
“Vậy những tờ khai doanh nghiệp đã khai trước năm 2023 thì xử lý ra sao, khi doanh nghiệp đã thanh lý hết tờ khai, hoàn thành hết quy trình sản xuất giờ truy thu yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hết số thuế GTGT, vậy những tờ khai từ 2023 đổ về trước đúng hay khai sai? Nếu khai sai sao không chặn doanh nghiệp lại mà cứ để làm rồi giờ truy lại nói doanh nghiệp làm sai”, bà Thêu bức xúc.
Doanh nghiệp không thể chờ trả lời bằng văn bản
Không chỉ dừng ở việc phản ánh tại hội nghị, sau phần phát biểu kết thúc hội nghị của lãnh đạo Bộ Tài chính, bà Nguyễn Lý Long Khánh tiếp tục lên gặp và chất vấn trực tiếp lãnh đạo Tổng cục Hải quan có mặt tại buổi đối thoại.
Đáp lại phản ánh của bà Khánh, cơ quan hải quan cho rằng không thể đi sâu vào giải thích khi không nắm được tài liệu chi tiết và đề nghị doanh nghiệp cung cấp thông tin để cơ quan hải quan trả lời bằng văn bản. Đại diện cơ quan hải quan cũng đề nghị cùng doanh nghiệp ngồi lại để xem xét cụ thể xem vấn đề này xuất phát từ đâu, mười mấy năm qua mã HS theo danh mục nào, nếu không thay đổi thì xem như đã giải quyết được vụ việc. “Cơ quan hải quan chỉ có thể nói về nguyên tắc vì không có hồ sơ cụ thể” – ông Đặng Sơn Tùng, phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), giải thích.
Tuy nhiên, bà Khánh không đồng ý vì tình thế rất cấp bách. “Sắp tới, vào ngày 15 và 16-12 doanh nghiệp có lô hàng về, do vậy không thể nào ngồi đây nói lý thuyết hay chờ cơ quan chức năng trả lời bằng văn bản.
“Cơ quan chức năng có thể nói về nguyên tắc doanh nghiệp có thể trưng cầu giám định, có quyền khiếu nại nhưng thực tế chỉ nửa tiếng neo ở cảng là phát sinh bao nhiêu phí, toàn tính bằng USD. Doanh nghiệp không làm thủ tục được, hàng hóa giải phóng trễ là phía hãng tàu phạt. Đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan can thiệp ngay việc này, không thể để kéo thêm thời gian nữa. Mặt hàng này không thể nào gọi là dạng bột, nhưng 100% giám định đều ra mã HS là 2304029, tức dạng bột. Doanh nghiệp khai mã HS 2304009 sẽ bị xử phạt vì khai “sai”. Có cách nào điều chỉnh ngay không?”, bà Khánh khẩn thiết.