Về đầu trang

Doanh nghiệp “ôm” thịt chịu lỗ, chết dần vì thủ tục “chuyền bóng”

Posted by admin

Đã gần ba tháng bị tạm đình chỉ (ngày 5.9) vì liên quan vụ việc 3.750 con heo tiêm thuốc an thần, lò mổ Xuyên Á vẫn chưa thể hoạt động lại. Việc các cơ quan chức năng chần chừ quyết định cho Xuyên Á hoạt động đang gây ra rất nhiều hệ lụy  thiệt hại cho các bên…

Đầu tiên phải kể đến là bảy thương lái được các cơ quan chức năng xác định “không vi phạm” trong đêm phát hiện 3.750 con heo tiêm thuốc an thần tại lò Xuyên Á. Nhiều tháng qua, vì Xuyên Á tạm ngưng hoạt động, nên số thương lái này phải khổ sở, chạy lòng vòng tìm lò mổ thay thế. Họ phải đưa heo từ các tỉnh miền Đông về các lò mổ ở Long An, Tây Ninh, Bình Dương làm tạm.

Bà Nhung, một thương lái trong số này cho biết, chi phí vận chuyển và phí giết mổ mỗi con heo tăng thêm 100.000 – 120.000 đồng, so với khi làm ở Xuyên Á, khiến cho không ai có lời. Chưa hết, do quãng đường từ lò mổ Long An, Tây Ninh quá xa so với chợ đầu mối Hóc Môn, thịt heo chở xe lạnh về đến chợ này thường bị nhợt nhạt, rất khó bán. Gặp hôm nào ách tắc giao thông xem như thương lái “ôm” thịt chịu lỗ.

 gia heo (lon) hom nay 2.12: doanh nghiep "om" thit chiu lo, chet dan vi thu tuc “chuyen bong” hinh anh 1

Dù đã được xác nhận vô can trong vụ heo chích thuốc an thần, nhưng đã gần ba tháng, cơ sở Xuyên Á vẫn chưa được hoạt động. Hiện Xuyên Á đã sửa sang, gắn camera, cam kết quản lý lò mổ và chờ đợi…

“Chúng tôi đang gặp vô vàn khó khăn, làm 100 con heo mỗi đêm lỗ ít nhất là 50 triệu, nhưng vẫn phải gồng vì bỏ là mất mối làm ăn!”, bà Nhung nói, đồng thời khẩn cầu cơ quan chức năng sớm có quyết định cho lò mổ Xuyên Á hoạt động lại, để thương lái giảm bớt khó khăn.

Thương lái gánh thêm chi phí, buộc họ phải quay lại ép giá heo hơi của người chăn nuôi. Việc phải giết mổ ở các lò mổ thủ công địa phương không đạt tiêu chuẩn, thiếu chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng cũng đang gây ra mối lo về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Sự chậm trễ giải quyết cho Xuyên Á hoạt động cũng đang gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ sở này. Từ cuối năm 2016, cũng chỉ vì nhiều cơ sở giết mổ thủ công khác trên địa bàn thành phố không đáp ứng được yêu cầu, phải đóng cửa nên lò mổ Xuyên Á chủ động đầu tư thêm 60 tỉ đồng nâng công suất để “gánh” đến 50% sản lượng heo giết mổ tại thành phố, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cho đến thời điểm trước khi bị tạm đình chỉ hồi đầu tháng 9 vừa qua, chủ cơ sở Xuyên Á cho biết mới thu hồi 50% vốn bỏ ra, nên rất cần cơ sở hoạt động lại để giảm bớt khó khăn.

Được biết, Xuyên Á cũng là một trong sáu doanh nghiệp đang đầu tư nhà máy giết mổ hiện đại theo chủ trương quy hoạch của TP.HCM, nên việc lò mổ này bị cơ quan chức năng “giam” quá lâu còn ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng nhà máy do không đủ vốn đầu tư.

Điều đáng nói là sau vụ phát hiện heo chích thuốc an thần, cơ sở Xuyên Á đã được xác nhận vô can. Cụ thể, ngày 23.10, cục Cảnh sát môi trường (C49B) có văn bản xác minh không có thông tin, tài liệu thể hiện việc chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á bao che, tiếp tay cho thương lái tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ.

Trong quá trình điều tra, C49B cũng khẳng định cơ sở này có thái độ chấp hành, tích cực hợp tác để làm rõ vi phạm của thương lái. Những yêu cầu về khắc phục, sửa chữa lại lò mổ cũng được chủ cơ sở triển khai, như việc khử trùng môi trường, lắp đặt 40 camera giám sát…

Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM) cũng ra văn bản trả lời công văn của Sở NN&PTNT, về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở giết mổ hiện hữu trên địa bàn thành phố. Theo đơn vị này, do các cơ sở giết mổ hiện hữu chỉ hoạt động tạm thời, nên không có cơ sở để thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với hợp các trường hợp có kế hoạch nâng công suất giết mổ so với giấy phép ban đầu, cụ thể là lò Xuyên Á.

Sau gần ba tháng mòn mỏi chờ đợi trong vô vọng, chủ cơ sở Xuyên Á đã có đơn cứu xét gửi nhiều nơi, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT TP.HCM giải quyết đơn kêu cứu của Xuyên Á; đề nghị sở tập hợp ý kiến các sở, ngành để có cơ sở đề xuất, tham mưu uỷ ban quyết định số phận Xuyên Á.

Ngày 9.11, trong cuộc họp góp ý về số phận Xuyên Á do Sở này tổ chức sau đó, các bên đều thống nhất cho cơ sở này hoạt động lại, nhưng sau đó lại không khẩn trương ra văn bản chính thức để sở tổng hợp xin ý kiến UBND TP.HCM quyết định.

Với đầy đủ tính pháp lý, Xuyên Á phải được xem xét cho hoạt động từ lâu mới phải. Lẽ ra, với vai trò quản lý, Sở Nông nghiệp có thể tự quyết bằng cách tham mưu trực tiếp cho UBND thành phố, chứ không cần phải lấy ý kiến lòng vòng từ nơi này, nơi khác. Cụ thể, đến nay Sở Nông nghiệp đã phát đi ít nhất ba văn bản đề nghị Sở Công Thương, Ban quản lý An toàn thực phẩm, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Củ Chi trả lời, nhưng các bên vẫn… im.

Sự chậm trễ của một số sở, ngành và đơn vị liên quan cho thấy sự tắc trách, vô cảm trước khó khăn của người chăn nuôi; người tiêu dùng cũng đang bị vạ lây vì phải sử dụng thịt heo giết mổ ở nhiều nơi, không được kiểm soát chặt chẽ. Hơn hết là có thể sẽ đẩy Xuyên Á đến phá sản.

 

Trả lời