Đồng ý thủ tục rút gọn nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng biển do giãn cách xã hội
Thông tư quy định giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội sẽ được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trước đề xuất của Bộ Tài chính về việc xây dựng Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg theo trình tự, thủ tục rút gọn, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính.
Về việc xây dựng và ban hành Thông tư này, Bộ Tư pháp cũng nhất trí về sự cần thiết ban hành quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Bộ Tư pháp cho rằng đề nghị về việc cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để xây dựng Thông tư này nhằm giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến dịch bệnh Covid-19 theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) là có cơ sở pháp lý.
Việc ban hành Thông tư sẽ kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc tại các cảng biển, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trong tình trạng diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây ra trong lĩnh vực tài chính.
Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và địa bàn khu vực phía Nam nói chung, UBND các tỉnh, thành phố đã yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Việc này làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, vận chuyển hàng hóa xếp dỡ xuống một số cảng biển Việt Nam. Đặc biệt tình trạng ùn tắc hàng hóa đã diễn ra tại cảng biển lớn như cảng Cát Lái với lý do hàng hóa nhập khẩu sau khi dỡ xuống cảng không thể giải phóng và ùn tắc tại cảng.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa nhập khẩu tại cảng biển, Tổng cục Hải quan dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Cũng liên quan đến vấn đề này, thời gian qua để giải quyết tình trạng hàng hóa nhập khẩu đang ùn tắc tại cảng Cát Lái, Tổng cục Hải quan có công văn số 3847/TCHQ-GSQL chỉ đạo triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Theo đó, trước hết, hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng Cát Lái được vận chuyển đến cảng biển khác trên địa bàn TPHCM và các cảng cạn/ICD tại các tỉnh, thành phố khác để lưu giữ gồm: Hàng hóa NK của các DN tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch; Hàng hóa NK của các DN tại tỉnh Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần; Hàng hóa NK của các DN tại các tỉnh miền Tây được vận chuyển về cảng Tân Cảng Hiệp Phước.
Bên cạnh đó, hàng hóa tồn đọng đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, định giá hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 203/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính được vận chuyển từ cảng Cát Lái về lưu giữ tại cảng Tân Cảng Hiệp Phước.
Đồng thời, cơ quan Hải quan đề nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thông báo cho các khách hàng là DN XNK, hãng tàu/đại lý hãng tàu về tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái để khách hàng có phương án dỡ hàng và lưu giữ hàng hóa tại cảng Cái Mép, đồng thời, điều chỉnh cảng đích từ cảng Cát Lái về cảng Cái Mép để DN NK thực hiện thủ tục hải quan NK theo quy định của pháp luật.