Dự báo giá heo hơi (12/5): ‘Đà tăng vẫn sẽ kéo dài trong một thời gian ngắn nữa’
Giá heo hơi tại một số nơi cao hơn cả đỉnh giá của năm 2017
Thị trường heo hơi trong nước đang diễn biến khá tích cực. Đến sáng nay, mức giá heo hơi 44.000 – 45.000 đồng/kg đã xuất hiện phổ biến hơn; một số nơi, như Sơn La, Long An,… ghi nhận giá lên tới 46.000 đồng/kg, cao hơn cả đỉnh giá của năm 2017. So với khoảng cùng kỳ năm ngoái, giá heo cao gấp 2,5 – 3 lần..
Tại Thái Nguyên, giá heo hơi tăng nhiều hơn, 2.000 đồng/kg lên 43.000 đồng. Giá heo hơi tại Thái Bình cũng báo tăng khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg lên 46.000 đồng, phổ biến ở mức 45.000 đồng. Đặc biệt, tại Sơn La giá heo hơi hôm nay có nơi báo lên tới 47.000 đồng đối với heo siêu đẹp, còn phổ biến là 46.000 đồng/kg.
Các tỉnh còn lại giá heo hơi không đổi so với ngày hôm qua, trong đó Hưng Yên, Thái Bình đạt 45.000 đồng/kg; Nam Định 42.000 đồng/kg; Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội dao động trong khoảng 43.000 – 44.000 đồng/kg.
Hiện, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc được thu mua trong khoảng 36.000 – 46.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, giá heo tăng chủ yếu do nguồn cung giảm, có tới 60 – 70% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã dẹp bỏ. Ông cho rằng, đà tăng tích cực của giá heo hơi trong nước sẽ vẫn kéo dài trong một thời gian ngắn nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương dự báo giá heo hơi sẽ duy trì trên ngưỡng 40.000 đồng/kg trong thời gian tương đối dài vì nguồn cung thịt heo đang đi ngang so với nhu cầu. Theo ông Dương, người chăn nuôi không nên găm hàng, vì nguồn cung từ các doanh nghiệp không thiếu mà khiến thị trường càng dễ đổ vỡ.
Tuy nhiên, có dự báo cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong các tháng mùa hè sẽ giảm; ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng vì giá các nguyên liệu chính nhập khẩu cao. Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nếu không có giải pháp điều tiết, cắt nghĩa đúng, có thể gây thêm những rủi ro cho ngành hàng đang còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ bất ổn này
Không chỉ giá heo hơi tăng, giá heo giống cũng lên cao ngất ngưởng, khoảng 1 – 1,2 triệu đồng/con, do một số hộ bắt đầu tái/ tăng đàn. Tại Bình Dương, giá heo giống thương phẩm đạt từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản.
Trước diễn biến giá thịt lợn hơi tăng nhiệt, nhiều người đặt câu hỏi liệu có nên mở rộng hay tái đàn vật nuôi?
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Khảo sát thực tế mới đây của Cục Chăn nuôi cũng như qua làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp lớn có tác động chi phối mạnh tới thị trường thịt lợn trong nước như CP, DABACO, Masan, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Chăn nuôi Đồng Nai… cho thấy, các yếu tố liên quan đến nguồn cung và nhu cầu mặt hàng thịt lợn hiện nay chịu sự chi phối vẫn là các yếu tố cung – cầu trong nước, một lượng nhỏ xuất khẩu tiểu ngạch nhưng không đáng kể. Giá lợn hơi lên cao thời gian qua là kết quả của giải pháp cân đối cung – cầu mặt hàng thịt lợn mà Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo, khuyến cáo các địa phương kiểm soát, giảm đàn từ cuối năm 2016.
Dự báo thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn các tháng mùa hè sẽ giảm và giá thức ăn chăn nuôi tăng do các nguyên liệu chính nhập khẩu tăng cao. Nếu không có giải pháp điều tiết, cắt nghĩa đúng, có thể gây thêm những rủi ro cho ngành hàng đang còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ bất ổn này. Bởi thực tế với giá và khối lượng tiêu thụ thịt lợn như hiện nay thì người kinh doanh, người chăn nuôi và người tiêu dùng trong nước đều chấp nhận được. Trước thực trạng trên, Cục Chăn nuôi vừa ban hành công văn yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo: Thống kê rà soát số đầu lợn nái và lợn thịt trên địa bàn, khuyến cáo người chăn nuôi có giải pháp điều chỉnh tổng đàn phù hợp, không tăng đàn ồ ạt nhằm bảo đảm cung – cầu.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố cũng không khuyến khích nông hộ cũng như các trang trại mở rộng chăn nuôi trong thời điểm hiện nay mà nên giữ ổn định dù giá lợn hơi có dấu hiệu hồi phục. Hà Nội khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi, gắn với chế biến và tiêu thụ. Mặt khác, trong thời điểm chuẩn bị vào cao điểm mùa hè, áp lực về ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia tăng, các địa phương cần chấp hành nghiêm việc tiêm phòng các loại bệnh bắt buộc cho đàn lợn, thường xuyên vệ sinh môi trường trong chăn nuôi để tránh dịch bệnh, lây lan. Đối với 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm trên địa bàn thành phố, cần thường xuyên rà soát, đánh giá quy mô tổng đàn, để có những đánh giá, điều chỉnh, khuyến cáo sát thực tế.