Đừng giẫm lại vết xe đổ ‘giải cứu’ heo
Sau cơn mưa trời lại sáng. Nhưng trời sáng được bao lâu, hay vừa sáng lại chuyển sang tối?
Chuyện đó có thể xảy ra với người chăn nuôi heo và đó là lý do để không ít người lo ngại rằng giá heo tăng lại là tin vui, nhưng không khéo người chăn nuôi lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn hết lỗ rồi lại lỗ.
Sau gần bảy tháng rớt giá thê thảm khiến người chăn nuôi lỗ nặng, hiện giá heo hơi được thương lái mua ở mức 43.000-45.000 đồng/kg.
Với mức giá này, người chăn nuôi đang lời 8.000-10.000 đồng/kg. Nhiều khả năng bà con lại tái đàn theo kiểu mạnh ai nấy làm, rồi tái diễn cảnh dư thừa, rớt giá.
Cả xã hội vừa phải cùng xắn tay “giải cứu” người nuôi heo. Vấn đề này cũng được bàn thảo sôi nổi, thậm chí gay gắt, kể cả trên diễn đàn Quốc hội.
Hàng loạt yêu cầu làm gì để không phải “giải cứu” người sản xuất, các giải pháp để giải quyết tình trạng này cũng đã được đặt ra.
Nay giá heo tăng lại là dịp để vận hành, “thử lửa” các giải pháp đã đưa ra, là lúc để các bộ, sở ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề thể hiện trách nhiệm của mình với người chăn nuôi, không để họ giẫm lại vết xe đổ “giải cứu” heo.
Thế nhưng ngay lúc này, người chăn nuôi vẫn chưa nghe, chưa thấy sự hỗ trợ, tư vấn, khuyến cáo… từ các cơ quan chức năng về điều tiết sản xuất. Ai, đơn vị nào – ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn, ngành công thương, hiệp hội chăn nuôi… – tiên phong trong việc tiếp cận nông dân, đưa ra những thông tin giúp cảnh báo, kiểm soát quy mô chăn nuôi ở mức phù hợp với sức tiêu thụ của thị trường?
Và các giải pháp đó liệu có phù hợp, khả thi khi quy mô chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát, luôn trong cảnh mạnh ai nấy làm, chẳng ai chịu nghe ai?
Nếu không tổ chức lại sản xuất, cứ để chăn nuôi manh mún, tùy tiện, không chủ động từ đầu vào đến đầu ra thì thua lỗ vẫn rình rập người chăn nuôi.
Chẳng ai muốn phải thua lỗ theo chu kỳ. Cũng chẳng ai muốn rơi vào cảnh phải chờ “giải cứu”. Nhưng phải luôn nhớ đến những cuộc “giải cứu” để bắt tay hành động quyết liệt, kịp thời, giúp sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, sản xuất có hiệu quả. Khi đó, giá tăng lại mới thật sự là cơ hội cho người sản xuất, trong đó có người chăn nuôi heo.