Giá heo hơi có thể lên tới 80.000 đồng/kg vào cuối năm nhưng nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn
Giá heo hơi có thể lên tới 80.000 đồng/kg
Theo đó, giá heo hơi tại Hưng Yên tăng mạnh lên 62.000 đồng/kg; Thái Bình cũng lên 62.000 – 63.000 đồng/kg. Tại Lương Sơn, Hoà Bình có nơi báo giá lên tới 64.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Phúc, giá tăng nhẹ lên 60.000 đồng/kg, nhưng có nơi cũng báo đạt được mức 64.000 đồng.
Giá tại Tuyên Quang cũng ghi nhận tăng thêm 2.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg. Các tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình dao động trong khoảng 58.000 – 59.000 đồng/kg.
Tại công ty chăn nuôi heo CP miền Bắc, giá heo hơi được thông báo tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 1.500 đồng/kg lên 61.500 đồng/kg.
Các địa phương khác khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam cũng ghi nhận giá heo hơi tăng mạnh tới 1.000 – 8.000 đồng/kg.
Lí giải đà tăng giá mạnh vừa qua, trao đổi với người viết ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết có nhiều yếu tố cộng hưởng khiến nguồn cung bị thiếu hụt.
Theo đó, bên cạnh bệnh dịch tả heo châu Phi khiến khoảng 5 triệu con heo bị tiêu hủy, việc người dân găm hàng chưa muốn bán vì chờ giá tăng thêm nữa khiến nhiều thương lái gặp khó khăn trong việc thu mua.
Thêm vào đó, việc xuất khẩu heo lậu sang Trung Quốc trong thời gian qua khi chênh lệch giá quá lớn cũng góp phần tác động đến tâm lí thiếu hụt nguồn cung của thị trường.
Tính đến ngày 9/10, giá heo hơi cao nhất tại Trung Quốc ghi nhận ở tỉnh Quảng Đông đạt hơn 112.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Việt Nam mức giá cao nhất hiện ở 62.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội chăn nuôi cho rằng lượng heo xuất khẩu lậu sang Trung Quốc không nhiều bởi: “Nếu xuất khẩu nhiều thì các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhất là trong bối cảnh trong nước đang thiếu hụt nguồn cung như hiện nay”.
Ngoài ra, ông Thắng cũng không loại trừ khả năng nguồn cung từ các trang trại lớn, vốn rất ổn định, giảm trong tuần này.
Với đà tăng như hiện nay, Tổng Thư kí Hiệp hội Chăn nuôi dự đoán khả năng cao giá heo hơi cuối năm có thể lên tới 80.000 đồng/kg do thời tiết lạnh và các dịp lễ Tết khiến nhu cầu mặt hàng này càng tăng cao.
Trước đó, trao đổi với người viết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết sẽ có những biện pháp để bình ổn giá thịt heo, không để cao như Trung Quốc, trong đó có phương án nhập khẩu thịt.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng lượng thịt nhập khẩu chỉ khoảng vài chục nghìn tấn, chiếm tỉ lệ quá nhỏ trong tổng sản lượng nội địa. Do đó, việc nhập khẩu góp phần hạn chế thiếu hụt nguồn cung nhưng không nhiều.
Bên cạnh đó, thịt heo đông lạnh chủ yếu phục vụ cho nhu cầu chế biến và phân khúc cao cấp; còn với phân khúc bình dân lượng tiêu thụ còn quá nhỏ do người tiêu dùng vẫn có xu hướng sử dụng thịt “tươi” hơn.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự đoán với tác động của bệnh dịch tả heo châu Phi kèm theo nhu cầu nhập thịt heo của Trung Quốc từ Việt Nam tăng mạnh, giá heo cuối năm và Tết Nguyên đán 2020 sẽ tăng cao.
Đây có phải thời điểm “vàng” để tái đàn?
Trả lời câu hỏi này, ông Thắng đồng ý rằng đây chính là thời điểm “vàng” để tái đàn nhưng điều này chỉ đúng với nhũng doanh nghiệp, hộ chăn nuôi có qui mô lớn, có tiềm lực tài chính mạnh để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Hiện tại, “đúng là thời điểm ‘vàng’ cho tái đàn, nhưng điều quan trọng ai là người tái đàn? Những hộ nuôi nhỏ lẻ phải ‘liều’ lắm mới dám nuôi trở lại bởi sau đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua họ cũng đã kiệt quệ rồi. Nếu không có điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh thì rủi ro rất cao”, ông Thắng cho biết.
Chi phí để phòng dịch đang là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Trả lời phỏng vấn người viết, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) cho biết hiện nay mật độ tiêu độc, khử trùng các chuồng trại của VISSAN dày đặc gấp 2 – 3 lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát, khi chi phí cho hoạt động phòng dịch tăng tương ứng.
Công ty thường xuyên đào tạo đội ngũ kỹ thuật thú y có kiến thức sâu về kĩ thuật chăn nuôi, dịch bệnh, đồng thời đưa ra các hướng xử lí để hạn chế tối đa và lây nhiễm mầm bệnh.
Như vậy, vấn đề mấu chốt đối với quyết định tái đàn hay không đối với người chăn nuôi nói chung và hộ nhỏ lẻ nói riêng là vấn đề an toàn sinh học.
Bên lề một sự kiện về kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của Mỹ diễn ra ngày 24/9, ông Phạm Văn Đông Cục trưởng Cục Thú y cho biết các hộ cần áp dụng triệt để biện pháp an toàn sinh học.
Theo đó, tất cả chuồng trại đều phải được gia cố, có hệ thống tiêu độc khử trùng.
Đối với những người trực tiếp chăm sóc đàn heo cần phải sát trùng trước khi ra, vào khu vực nuôi.
Bên cạnh đó, các chuồng, trại phải có hệ thống lưới để ngăn chăn côn trùng, gặm nhấm mang mầm bệnh. Các xe thu mua heo cần phải đỗ ở xa khu vực chuồng trại và được kiểm soát chặt chẽ khi quay lại.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng