Giá heo hơi tham khảo ngày hôm nay 6/5: Tiếp tục sốt giá
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc:
Giá heo hơi tại miền Bắc hôm nay ghi nhận ngày tăng thứ ba liên tiếp trong tuần với mức tăng lên đến 5.000 đồng/kg.
Địa phương | Đơn vị | Giá (Đồng) | Tăng/giảm (đồng) |
---|---|---|---|
Nam Định | Kg | 90.000 | |
Thái Bình | Kg | 90.000 | |
Hà Nam | Kg | 90.000 | |
Hưng Yên | Kg | 93.000 | |
Bắc Giang | Kg | 93.000 | |
Thái Nguyên | Kg | 92.000 | |
Phú Thọ | Kg | 92.000 | +2.000 |
Yên Bái | Kg | 92.000 | +2.000 |
Lào Cai | Kg | 92.000 | +2.000 |
Vĩnh Phúc | Kg | 90.000 | |
Hà Nội | Kg | 91.000 | |
Ninh Bình | Kg | 90.000 | |
Tuyên Quang | Kg | 91.000 | +5.000 |
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung:
Sau khi chứng kiến mức giảm giá nhẹ ngày hôm qua, thì hôm nay giá heo hơi tại miền Trung đã tương đối ổn định, không ghi nhận thêm biến động về giá trong ngày.
Địa phương | Đơn vị | Giá (Đồng) | Tăng/giảm (Đồng) |
---|---|---|---|
Thanh Hoá | Kg | 90.000 | |
Nghệ An | Kg | 90.000 | |
Hà Tĩnh | Kg | 87.000 | |
Quảng Bình | Kg | 87.000 | |
Quảng Trị | Kg | 87.000 | |
Thừa Thiên Huế | Kg | 87.000 | |
Quảng Nam | Kg | 90.000 | |
Quảng Ngãi | Kg | 87.000 | |
Bình Định | Kg | 85.000 | |
Khánh Hoà | Kg | 88.000 | |
Lâm Đồng | Kg | 85.000 | |
Đắc Lắc | Kg | 85.000 | |
Ninh Thuận | Kg | 88.000 | |
Bình Thuận | Kg | 88.000 |
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam:
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam hôm này có xu hướng ổn định hơn so với hôm qua, chỉ tăng ở khu vực Sóc Trăng, Bạc Liêu, từ 87.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg.
Địa phương | Đơn vị | Giá (Đồng) | Tăng/giảm (Đồng) |
---|---|---|---|
Bình Phước | Kg | 87.000 | |
Đồng Nai | Kg | 85.000 | |
TP HCM | Kg | 87.000 | |
Bình Dương | Kg | 87.000 | |
Tây Ninh | Kg | 87.000 | |
Vũng Tàu | Kg | 85.000 | |
Long An | Kg | 88.000 | |
Đồng Tháp | Kg | 90.000 | |
An Giang | Kg | 88.000 | |
Vinh Long | Kg | 85.000 | |
Cần Thơ | Kg | 88.000 | |
Kiên Giang | Kg | 88.000 | |
Hậu Giang | Kg | 90.000 | |
Cà Mau | Kg | 85.000 | |
Tiền Giang | Kg | 85.000 | |
Bạc Liêu | Kg | 90.000 | +3.000 |
Trà Vinh | Kg | 90.000 | |
Bến Tre | Kg | 90.000 | |
Sóc Trăng | Kg | 90.000 | +3.000 |
4 tháng đầu năm nhập khẩu 45.000 tấn thịt heo, có khuất tất hay không?
Tính đến hết tháng 4, các doanh nghiệp đã nhập 45.000 tấn thịt heo so với 100.000 tấn được giao, hoàn thành 45%. Lãnh đạo Bộ Công Thương, Kế hoạch và đầu tư cho rằng con số này là còn thể hiện sự dè dặt của doanh nghiệp.
Tại họp báo Chính phủ thường kì chiều qua, 5/5, phóng viên chất vấn về việc có hay không sự khuất tất trong việc nhập khẩu thịt heo, bởi giá thịt trong nước hiện vẫn ở mức rất cao, dù Chính phủ đã liên tục yêu cầu giảm giá heo hơi từ đầu năm đến nay.
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng giá thịt heo ảnh hưởng CPI, kiểm soát lạm phát nhưng giá thịt heo diễn biến theo cơ chế thị trường, quy luật cung cầu.
Ông Hải cho biết theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đàn heo năm 2019 so với 2018 giảm 21%, thậm chí một số địa phương giảm đến 50%. Trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chỉ chiếm 35% thị phần, còn lại là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ chính là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch tả châu Phi, nên nguồn cung giảm nặng nề.
Vì vậy, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng trước mắt là phải tăng nguồn cung trong nước bằng tái đàn, nhưng nguồn này đòi hỏi có thời gian. Trong khi, dịch tả châu Phi vẫn chưa hết hoàn toàn, một số địa phương chưa công bố hết dịch, con giống quá cao trong khi người dân khó khăn vì vốn.Hiện các doanh nghiệp, địa phương báo cáo cuối năm 2020, đàn heo mới quay lại với số lượng đảm bảo thì có thể kì vọng nguồn cung ổn định.
Thứ trưởng cho biết Thủ tướng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp, Công Thương tăng cường nhập khẩu thịt heo.
Tính đến hết tháng 4, các doanh nghiệp đã nhập 45.000 tấn thịt heo so với 100.000 tấn đã giao, hoàn thành 45%. Theo quy định khi nhập phải làm thủ tục vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thịt heo nhập khẩu.
Tuy nhiên, tâm lí của người tiêu dùng lại thích sử dụng thịt heo trong nước, thậm chí giá gia cầm thời gian qua giảm nhưng nhu cầu thịt heo vẫn cao.
“Chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, thách thức lớn nhất là thói quen tiêu dùng. Đây là đặc thù thị trường khiến doanh nghiệp dè dặt, không dám nhập nhiều, không bán được, sẽ lỗ”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
“Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp tái đàn, tiếp tục tăng cường nhập khẩu thịt heo. Thời gian tới, với sự cố gắng các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi, hi vọng từ nay đến cuối năm, có thể bình ổn như trước khi xảy ra dịch tả”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Sẽ tiếp tục thanh tra giá thịt heo, đảm bảo quyền lợi người dân
Liên quan việc thanh tra giá thịt heo liên tục ở mức cao, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết 20 doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiếm 35%, qua thanh tra, các doanh nghiệp không vi phạm thống lĩnh thị trường nhưng có sức ảnh hưởng lớn.
Đơn cử CP Việt Nam chiếm 19,1% thịt heo toàn quốc, gấp 5-6 lần Dabaco, CJ. Thời gian qua, các doanh nghiệp này cam kết điều chỉnh giá heo hơi xuất chuồng còn 70.000 đồng/kg, nhưng thực tế nhiều người cho biết để mua được mức giá này là không dễ.
Dịch tả lợn châu Phi tái xuất, chủ trang trại “khủng” tiết lộ bí quyết phòng chống hiệu quả
Báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh, thành phố, trong thời gian qua bệnh DTLCP tiếp tục xảy ra tại một số địa phương; trong đó có hiện tượng bệnh DTLCP tái phát một hoặc nhiều lần tại các xã đã qua 30 ngày của nhiều tỉnh, thành phố (như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Nam…).
Theo nhận định của Bộ NNPTNT, nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt trong điều kiện nuôi tái đàn lợn, tăng đàn lợn ngày càng gia tăng do giá lợn hơi đang rất hấp dẫn, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Kạn, tính đến ngày 26/4, trên địa bàn tỉnh đã có 7 xã thuộc 5 huyện bị tái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Ngoài nỗi lo dịch bệnh, việc tái đàn của người chăn nuôi hiện nay cũng rất khó khăn do giá lợn giống rất cao, lên tới gần 200.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ dân không đủ khả năng mua con giống.
Thứ nữa, giá con giống cao nhưng lại thiếu nên muốn mua cũng không dễ. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, lợn giống được nhập về lên tới hàng chục ngàn con, còn đàn nái địa phương khoảng 10.800 con. Điểm yếu của nái địa phương là tỷ lệ đẻ thấp, chỉ đạt 14 con/năm, vì vậy Bắc Kạn vẫn đang thiếu khoảng 40.000 đến 50.000 con giống/năm.
Để phòng chống hiệu quả dịch tả heo châu Phi, nhiều chủ trang trại lớn, có quy mô chăn nuôi “khủng” cho biết họ phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Ông Võ Bá Cang, chủ hệ thống trang trại heo Vĩnh Tân (Dầu Tiếng, Bình Dương) cho biết, với 5 trang trại heo, ông đang duy trì tổng đàn 2.900 con heo nái, 42.000 con heo thịt. Tại các trại nuôi của mình, ông Cang không chỉ làm trại kín mà còn đầu tư hệ thống nhà lưới để chống chim chóc, côn trùng, chuột bọ.
Các phương tiện vận chuyển heo phải sát trùng nhiều lần mới được vào trại. Xe chở cám cũng phải được sát khuẩn từ cách xa trại 3km. Việc quản lý con người cũng nghiêm ngặt không kém. Trước đây, nhân công vào trại chỉ phải cách ly 2 ngày, nay tăng lên 16 ngày. Trong đó có 14 ngày nhân công phải cách ly vì dịch Covid-19.
Còn ông Phạm Văn Cảnh – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thì cho biết, thực tế cho thấy cách li và vôi bột đang là 2 “phương thuốc” hiệu quả nhất đối với việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó vôi bột được ông rải trắng xoá khắp chuồng trại, lối đi và khu vực xung quanh trang trại rộng hơn 7 ha.
Từ khâu thức ăn đầu vào, xe vận chuyển cám, xe chở lợn hay công nhân ra vào trại đều phải tuân thủ các công đoạn khử trùng. Riêng thức ăn, ông Cảnh chỉ mua của hãng sản xuất lớn, cập nhật ngày sản xuất, yêu cầu lô hàng không quá 10 ngày để đảm bảo thức ăn luôn mới, thơm ngon. Đối với công nhân làm việc trong trại, ông Cảnh phân làm các khu vực riêng. Cụ thể, công nhân lợn nái chỉ chuyên sâu lợn nái, công nhân chăm sóc lợn sữa, lợn thịt cũng có bộ phận phụ trách riêng.
“Khi xuất bán lợn, chỉ có công nhân chuồng lợn thịt chịu trách nhiệm xuất bán, các khâu khác không tham gia. Tôi còn thuê 1 mảnh đất bên ngoài trại để chuyển lợn ra ngoài trại, sau đó xe của thương lái đến mua chỉ xem lợn bên ngoài. Để hạn chế tối đa tiếp xúc, chúng tôi cũng không bán lợn cho khách hàng nhỏ lẻ, chỉ bán cho xe lớn từ 50 con trở lên. Khi đến bắt lợn phải báo trước để khử trùng 2 lần”, ông Cảnh cho biết.
“Nhờ áp dụng chặt chẽ, nghiêm túc các quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đồng thời tiêm phòng vaccine đầy đủ cho lợn nên 16 năm nay, trang trại lợn của tôi chưa từng bị dịch bệnh. Giá lợn hơi tại Hà Tĩnh hiện nay đang khoảng 88.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/con lợn”, ông Cảnh chia sẻ thêm.