Giá heo hôm nay 9/3: Nông hộ kiệt sức, vì sao giá lợn không tăng?
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá heo hơi không những không hề tăng như kì vọng của người nông dân mà còn có xu hướng giảm, hiện giá heo hơi xuất chuồng ở các tỉnh phía Bắc chỉ còn từ 32.000 – 36.000 đồng/kg (heo siêu bán tại trại).
Đối với heo lai đẹp (có tỉ lệ máu ngoại từ 3/4 đến 7/8 trở lên), một số vùng đang có giá từ 32.000-34.000 đồng/kg, tuy nhiên ở một số vùng chăn nuôi không tập trung, giá heo hơi chỉ đạt khoảng 30.000 – 32.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá heo hơi hiện vẫn đang ở mức thấp, trung bình đạt từ 30.000 – 33.000 đồng/kg; tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, giá heo hiện có giá 31.000 đồng/kg, giữ giá so với tuần trước.
Theo hệ thống ghi nhận giá của trang zhujiage.com.cn, giá heo hơi trung bình ngày 8/3 tại Trung Quốc đạt 11,86 nhân dân tệ/kg, tương đương 42.559 đồng/kg. Giá giảm tại tất cả 27 tỉnh được khảo sát.
Trong khi giá heo hơi Trung Quốc đang giảm liên tiếp thì giá heo trong nước khá ổn định, chênh lệch giá heo hơi giữa hai nước theo đó ngày càng thu hẹp. Cả hai thị trường đều đang dư cung nên rất khó để thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua trong thời gian tới.
Các chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng, năm 2017 là một năm đáng quên của người chăn nuôi lợn khi cuộc khủng hoảng rớt giá đã gây thiệt hại kinh tế vô cùng nghiêm trọng. Thời điểm tháng 3 – 4/2017, khi giá lợn đã tụt rất thấp trong một thời gian rất dài trước đó, đàn lợn cả nước vẫn không có dấu hiệu giảm xuống so với thời điểm cuối năm 2016, đạt 29 triệu con.
Điều này cho thấy, ngay cả khi giá heo đã giảm rất sâu, người nuôi vẫn… không tin và chưa bao giờ hết hi vọng một điều “kỳ diệu” nào đó có thể giúp giá heo hơi tăng trở lại. Vì vậy nhiều người vẫn cố gắng huy động vốn mọi cách có thể để duy trì chăn nuôi trong tình trạng “ngắc ngoải”, kiệt sức.
Thực tế là đến cuối năm 2017, mặc dù tổng đàn lợn cả nước đã giảm, nhưng vẫn còn hơn 27,1 triệu con.
Theo tính toán của Hội Chăn nuôi Việt Nam, ảnh hưởng của giá lợn giảm kéo dài trong suốt hơn 1 năm qua, đã khiến những người chăn nuôi thiệt hại khoảng 100.000 tỷ đồng.
Nói về tình hình chăn nuôi lợn thời gian qua, TS Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá: Cuộc khủng hoảng giá lợn năm 2017 cũng là dịp để ngành chăn nuôi nhìn ra những điểm còn hạn chế và những bài học nhằm xốc lại cơ cấu ngành.
Theo ông Vân, từ đợt khủng hoảng giá heo có thể thấy những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong chăn nuôi lợn của Việt Nam như tiêu tốn thức ăn, số lượng con sống/nái, chất lượng thịt lợn gắn với an toàn thực phẩm, công nghệ chăn nuôi vẫn còn nhiều những chỉ số khiếm khuyết, điều này khiến giá thành sản xuất còn rất cao và kém cạnh tranh so với mặt bằng chung của thế giới
Ví dụ giá thành thịt lợn ở Thái Lan hiện nay chỉ xoay quanh 30.000 đồng/kg, Mỹ dưới 25.000 đồng/kg, Canada, Pháp… chỉ 20.000 – 24.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất của Việt Nam nuôi giỏi cũng phải tới 32.000 – 33.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 37.000 – 38.000 đồng/kg.
Cũng đã có những mô hình chăn nuôi có thể giá thành chỉ 26.000 đồng/kg, nhưng khả năng mở rộng ra số lượng, sản lượng lớn là rất hạn chế. Vì vậy khi giá thịt lợn xuống thấp thì tỉ lệ thua lỗ rất cao.
Khâu yếu nữa của chăn nuôi nói chung, nhất là chăn nuôi heo hiện nay vẫn là giết mổ, bảo quản sản phẩm. Các nước đều có chính sách dự trữ quốc gia về thực phẩm, tuy nhiên chúng ta mới chỉ dự trữ được đối với lương thực. Nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… đều đã có chính sách cho phép có tỉ lệ dự trữ thực phẩm nhất định.
Theo đó khi thị trường chăn nuôi dư thừa, Chính phủ sẽ thu mua sản phẩm để đảm bảo cho người chăn nuôi không bị lỗ. Thời gian dự trữ bảo quản của họ thường rất lâu, nhiều năm liền. Khi thị trường khan hiếm hoặc trường hợp thiên tai dịch họa, sản phẩm sẽ bán ra với giá rẻ hơn để hỗ trợ người tiêu dùng, ổn định thị trường, tương tự như dự trữ lúa gạo.
Tuy nhiên theo ông Vân, để làm được điều này, cần phải có hệ thống DN giết mổ, bảo quản, nhà nước phải có chính sách cấp bù kinh phí bảo quản cho DN tham gia dự trữ…
“Nguyên nhân chính của việc thua lỗ trong chăn nuôi là khâu tổ chức sản xuất yếu kém, đặc biệt khâu yếu nhất là kết nối người sản xuất với thị trường. Trước đây, khi giá lợn hơi tăng, người người đổ đi chăn nuôi, nhà nhà chăn nuôi, chăn nuôi theo tâm lý đám đông. Chăn nuôi hàng hóa nhưng không biết bán cho ai, thị trường nào, phân khúc nào.
Giá lợn hơi của ta không thể duy trì cao mãi trên mức 40.000 đồng/kg được trong khi giá lợn quốc tế và khu vực thấp hơn hẳn. Cung cầu trong hội nhập sẽ đào thải những sản phẩm tương đương nhưng lại có giá thành cao hơn”.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi