Về đầu trang

Giá heo tăng – rủi ro lớn đối với lạm phát từ nay đến cuối năm

Posted by admin

Giá heo tăng, áp lực lạm phát tăng

Theo Tổng cục Thống kê chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm nay tăng 0,61% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, và tăng 4,67% so với cùng năm 2017. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá heo tăng – rủi ro lớn đối với lạm phát từ nay đến cuối năm

Nguyên nhân khiến CPI tăng một phần là do giá thịt heo tính đến tháng 6 tăng mạnh tới 19,8% so với cuối năm trước và tăng 8,12% so với tháng 5, làm tăng CPI chung 0,34%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi heo 6 tháng đầu năm 2018 đã trải qua nhiều biến động. Thời điểm cuối quý I, giá thịt heo hơi tại trại vẫn ở mức thấp, thị trường ảm đạm. Tuy nhiên từ tháng 4 năm 2018 giá thịt heo bất ngờ tăng cao và liên tục, đến thời điểm hiện tại giá thịt heo hơi cả nước đang dao động ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg. Giá bán đang ở mức cao, người nuôi có lãi nhiều.

Sau thời gian thua lỗ kéo dài, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại phải bỏ chuồng nên nguồn cung thịt heo trên thị trường giảm. Theo Tổng cục Thống kê ước tính đến tháng 6, tổng đàn heo cả nước giảm khoảng 3% so với cùng thời điểm năm 2017; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,19 triệu tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng, Tổng cục Thống kê cho rằng việc Việt Nam lần đầu tiên đạt được thỏa thuận xuất khẩu heo sang Myanmar theo đường chính ngạch hôm 25/6 được coi là yếu tố thuận lợi cho đầu ra heo. Bà con yên tâm tái đàn mà không quá lo lắng việc giá heo sẽ giảm mạnh như năm ngoái.

Bộ NN&PTNT mới đây nhận định “Mặc dù, chăn nuôi heo vẫn gặp khó khăn, tuy nhiên hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên cả nước vẫn có những điểm sáng, tiềm năng phát triển”.

Tuy nhiên, Bà Đỗ Thị Ngọc, Quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê giá rằng “Việc giá thịt heo tăng sẽ là yếu tố rủi ro gây áp lực lên CPI trong 6 tháng cuối năm”.

Trong khi đó, thông tin về tiến trình đàm phán xuất khẩu thịt heo chính ngạch sang Trung Quốc vẫn chưa có diễn biến mới. Theo đánh giá của nhiều người chăn nuôi có kinh nghiệm, Việt Nam rất khó có thể xuất khẩu thịt heo qua Trung Quốc vì thị trường này vốn dĩ cũng vừa rơi vào khủng hoảng dư thừa heo hơi.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu sẽ tác động đến CPI 0,27 – 0,29%

Ngoài giá thực phẩm, đặc biệt về giá heo; giá xăng dầu, giá vật liệu bảo dưỡng nhà, giá gas tăng…cũng là những nhân tố lớn đẩy CPI tháng 6 tăng. Mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 22/6 nhưng do ảnh hưởng của đợt tăng giá tháng trước nên bình quân tháng 6, giá xăng dầu tăng 2,38% so với tháng trước, làm tăng chung 0,1%.

Chỉ số giá điện và giá nước sinh hoạt tăng lần lượt 0,86% và 0,38% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, nước tăng. Từ ngày 1/6, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 18.000 đồng/bình 12kg, tăng 5,12% so với tháng 5.

Một số ý kiến lo ngại rằng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu có thể càng gây áp lên chỉ số CPI trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, từ ngày 1/7, mỗi lít xăng có thể sẽ phải “cõng thêm” 1.000 đồng/lít từ thuế bảo vệ môi trường lên 4.000 đồng/lít.

Thuế môi trường với dầu diesel tăng lên kịch khung 2.000 đồng/lít thay cho mức 1.500 đồng/lít hiện hành; thuế với dầu mazut, dầu nhờn tăng lên mức kịch trần 2.000 đồng/lít thay cho mức 900 đồng/lít hiện hành; thuế môi trường với mỡ nhờn lên kịch khung 2.000 đồng/kg thay cho mức 900 đồng/kg.

Quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng nếu đề xuất này được thông qua, CPI sẽ tăng thêm 0,27 – 0,29%.

Bên cạnh đó, giá dầu thế giới khó lường và vẫn đang trong chiều hướng gia tăng cũng ảnh hưởng lớn đến giá xăng trong nước. Giá dầu thế giới phục hồi từ sau khi OPEC và các nước ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác từ cuối năm 2016. Đặc biệt thời gian gần đây các yếu tố bất ổn địa chính trị như Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và yêu các các nước ngừng nhập khẩu dầu từ Iran, khiến giá dầu tăng mạnh hơn.

Mặc dù OPEC cam kết tăng sản lượng nhưng thực tế, tổ chức này chỉ tăng 1/3 lượng dầu so với dự kiến. Đầu năm Bộ Công Thương dự đoán giá dầu năm 2018 sẽ dao động trong khoảng 65 – 70 USD/thùng tuy nhiên đến nay, mới đến tháng 6, giá dầu thô bình quân đạt gần 71 USD/thùng. Giá tăng đạt khoảng 78 USD/thùng, tăng hơn 23% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Thế nhưng, nhờ quỹ bình ổn, áp lực lên giá xăng dầu được giảm nhẹ.

Bên cạnh giá xăng, giá các một số dịch vụ y tế, giáo dục tăng, yếu tố thiên tai sẽ là những rủi ro đối với CPI từ nay đến cuối năm. Mặc dù vậy, đại diện Vụ Thống kê giá cho rằng “Chu kỳ lạm phát tăng cao 10 năm/lần sẽ không lặp lại, mục tiêu lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đề ra vẫn có thể đạt được do Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát”.

Trả lời