Giá thịt lợn lại giảm mạnh, hộ chăn nuôi đồng loạt treo chuồng
Theo báo cáo quý I/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm trước Tết, giá thịt lợn hơi bán cho thương lái tăng khá, những tưởng đây là dấu hiệu tích cực cho người chăn nuôi có cơ hội tái đàn.
Tuy nhiên sau Tết, giá thịt lợn hơi lại giảm xuống đáng kể khiến cho xu hướng giảm quy mô đàn tiếp tục diễn ra trên cả nước, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng, không còn chăn nuôi lợn.
Ước tính tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 6,2% so với cùng thời điểm năm 2017.
Một số tỉnh có mức giảm tổng đàn lợn lớn là Huế giảm 16,1%, Trà Vinh giảm 15,4%, Vĩnh Long giảm 15,1%, Hà Tĩnh giảm 11,3%, Hòa Bình giảm 10,9%.
Ước sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo kết quả điều tra 01/01/2018, một số tỉnh có mức giảm sản lượng lớn là Bắc Ninh giảm 8%, Thái Nguyên 11%; Thanh Hóa giảm 8,6%; Hà Tĩnh giảm 7%, Tây Ninh giảm 30,5%, Long An giảm 34%, Tiền Giang giảm 19,7%.
Trong tháng 3/2018 giá lợn hơi trên địa bàn cả nước có xu hướng giảm. Giá lợn tại miền Bắc giảm khoảng 1.000 – 3.000 đ/kg, dao động phổ biến trung bình từ 30.000 – 35.000 đ/kg, sức mua khá chậm.
Tại Sơn La, giá lợn hơi giảm 3.000 đ/kg xuống còn 33.000 đ/kg. Tại các tỉnh chăn nuôi nhiều như Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định…, giá lợn hơi cũng giảm 2.000 đ/kg, dao động quanh mức 32.000 – 33.000 đ/kg.
Tại Thái Nguyên, Yên Bái và Lào Cai cũng ghi nhận mức giảm 2.000 đ/kg xuống 32.000 đ/kg, Lào Cai giảm 3.000 đ/kg xuống 33.000 đ/kg. Tại miền Trung, giá lợn hơi giảm 1.000 – 3.000 đ/kg xuống còn 29.000 – 34.000 đ/kg.
Cụ thể, giá lợn hơi tại Hà Tĩnh giảm 1.000 đ/kg xuống 34.000 đ/kg; tại Khánh Hoà giảm 2.000 đ/kg xuống còn 31.000 đ/kg; tại Bình Thuận còn 29.000 đ/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi toàn khu vực được thu mua trong khoảng 27.000 – 32.000 đ/kg, cũng giảm 1.000 đ/kg so với tháng trước.
Trái ngược với xu hướng giá thịt lợn, trong tháng 3/2018, giá gà thịt lông màu khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng với mức tăng 3.000 đ/kg lên 35.000 – 36.000 đ/kg. Nhìn lại 3 tháng đầu năm, giá thịt lơn và gà thịt lông màu đều có xu hướng giảm với mức giảm lần lượt 5.000 đ/kg và 3.000 đ/kg so với thời điểm cuối năm 2017.
Chăn nuôi bò phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức khá cao, người chăn nuôi có lãi ổn định. Ước tính đàn bò tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 3,2%.
Giá heo hơi Trung Quốc vẫn cao thứ hai sau Hàn Quốc
Theo Báo cáo Thị trường heo hơi toàn cầu của Genesus Genetics, tính đến ngày 19/3, Mỹ đang là quốc gia có giá heo hơi thấp nhất thế giới, với 42,19 Uscent/pound (giá trung bình của hai bang chăn nuôi lớn của Mỹ là Iowa và Minnesota). Quy đổi ra đơn vị của Việt Nam thì giá heo Mỹ chỉ 21.132,6 đồng/kg.
Hàn Quốc hiện là nước có giá heo hơi cao nhất với 1,67 USD/pound, tương đương khoảng 83.648,7 đồng/kg. Đây cũng là quốc gia duy nhất có giá heo hơi trên 1 USD/pound.
Giá heo hơi Trung Quốc đến ngày 19/3 là 91,83 Uscent/pound, tương đương 45.996,8 đồng/kg, và là quốc gia có giá heo cao thứ hai sau Hàn Quốc.
Việt Nam là một trong những quốc gia có giá heo hơi thấp nhất
Trong khi đó, giá heo hơi Việt Nam tính đến cùng thời điểm là 63,88 Uscent/pound, tương đương 32.000 đồng/kg. Với mức giá này, giá heo hơi Việt Nam vẫn đang cao hơn Canada (bang Ontario), Brazil (miền Nam) và Pháp.
Đến thời điểm hiện tại, giá heo hơi tại miền Bắc đã giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg về còn 31.000 – 35.000 đồng/kg; tại miền Nam là 27.000 – 32.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất trung bình vào khoảng 34.000 đồng/kg.
Xuất khẩu heo theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc rất ít vì giá heo tại Trung Quốc cũng đang giảm sâu.
Việt Nam hiện có 230 nhà máy thức ăn chăn nuôi và Bộ NN dự kiến nâng tổng công suất sản xuất thức ăn chăn nuôi lên 25 triệu tấn vào năm 2020. Tuy nhiên, mới đến năm 2017, tổng công suất sản xuất thức ăn chăn nuôi cả nước đã tăng mạnh lên 31 triệu tấn, với sản lượng sản xuất thực tế là 21 triệu tấn. Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong năm ngoái cũng đạt tới 3,2 tỷ USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Sang đến tháng 1 năm nay, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh, đạt 336 triệu USD. Con số này tăng 48,02% so với tháng cuối năm 2017 và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn Masan ngày 4/2 đã khởi công xây dựng lò giết mổ heo với công suất 1,4 triệu con heo/năm tại tỉnh Hà Nam. Dự án trị giá 1 nghìn tỷ đồng này dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay.
Mới đây, VinEco, công ty con của Tập đoàn Vingroup, cũng mua lại 25% cổ phần của công ty thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, trở thành cổ đông lớn của công ty này.
Người chăn nuôi heo tại Philippines vẫn lời lớn
Gá heo hơi giao tại trại của Philippines trung bình đạt 124,15 peso/kg trong năm 2017, mức giá cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Với mức giá này, người chăn nuôi Philippines vẫn đang thu về lợi nhuận cao, bởi chi phí chăn nuôi đến cuối năm ngoái cũng chỉ khoảng 89 – 93 peso/kg.
Trong năm 2017, khối lượng nhập khẩu thịt heo của Philippines tăng 10,65% so với năm trước đó.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi Philippines, tổng khối lượng nhập khẩu thịt của Philippines đạt 691.462 tấn trong năm 2017, tăng 6,9% so với năm 2016. Trong đó, thịt heo chiếm tỷ lệ lớn nhất là 44,18%, tương đương 305.479 tấn; thịt gà chiếm 35,30% và thịt bò chiếm 14,88%.
5 nguồn cung thịt lớn nhất của Philippines hiện là Đức với thị phần là 24,95%, Tây Ban Nha (19,2%), Canada (11,62%), Mỹ (9,75%) và Pháp (9,13%).