Về đầu trang

Giá thức ăn chăn nuôi lại phá kỷ lục, thị trường hoang mang

Posted by admin

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 6 lần trong nửa năm 2022, là áp lực khiến thị trường thực phẩm được dự báo còn tăng giá những tháng cuối năm.

Mật độ tăng giá thức ăn chăn nuôi quá dày đặc

Theo ghi nhận của Báo Giao thông, giá thức ăn chăn nuôi (cám) tăng liên tiếp 16 lần kể từ tháng 11/2020, đẩy giá mặt hàng này lên mức cao kỷ lục.

Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá cám đã tăng tới 6 lần, vượt quá sức chịu của hộ chăn nuôi.

Cụ thể, từ ngày mai 6/7/2022, Công ty TNHH Emivest Feedmill sẽ tăng giá cám thêm 400 đồng/kg đối với thức ăn đậm đặc và thức ăn cho lợn con; Tăng 300 đồng/kg đối với tất cả các sản phẩm còn lại.

Công ty GreenFeed cũng đã thông báo tăng 400 đồng/kg đối với cám cho vịt và các mã sản phẩm cám lợn thịt; Nhóm thức ăn đậm đặc cho lợn và gia cầm cũng tăng 400 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng tăng giá 300 đồng/kg đối với tất cả các sản phẩm còn lại.

Dịp này, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai cũng đã tăng giá 400 đồng đối với dòng sản phẩm dành cho lợn con, tăng 300 đồng/kg đối với các sản phẩm cám còn lại.

Công ty Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz và Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng tăng giá cám từ ngày 1/7 thêm từ 300-400 đồng/kg (tùy loại)…

Với mức tăng trên, hiện giá cám đang ở ngưỡng 350-400 nghìn đồng/bao 25 kg, tăng khoảng 150 nghìn đồng/bao so với thời điểm đầu năm và tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020 (thời điểm giá 200-230 nghìn đồng/bao)

Các doanh nghiệp đều cho biết, nguyên nhân tăng là do giá nguyên liệu nhập khẩu đầu vào để sản xuất liên tục tăng trong thời gian qua, nếu không tăng giá sản phẩm bán ra, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ.

Nhận định về thị trường thời gian qua, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đánh giá, mật độ tăng giá cám quá dày đặc, tính bình quân từ đầu năm 2022 đến nay, trung bình mỗi tháng có một lần điều chỉnh tăng giá. Điều này gây khó khăn lớn cho ngành chăn nuôi.

Giá gia súc, gia cầm sẽ tăng cao

Trước thực tế đó, vị này dự báo, giá gia súc và gia cầm thời gian tới chắc chắn sẽ phải tăng cao hơn nữa khi hiện nay, thị trường chỉ tăng ở mức nhẹ, chỉ mới ở điểm hòa vốn hoặc lãi rất ít…

Bà Nguyễn Thị Thắm, một hộ nuôi ở Thanh Hóa cho biết, cũng may giá lợn hơi lên khoảng 5 giá (5 nghìn đồng/kg) so với tháng trước, nên bù được cho đợt tăng giá này.

Theo bà Thắm, với giá lợn hơi khoảng 60.000 đồng/kg, thì người nuôi mới hòa vốn, còn để có chút lãi, giá lợn phải đạt 65.000 đồng/kg trở lên.

“Hiện, nuôi một con lợn khoảng 100kg xuất chuồng, lãi được 500 nghìn đồng là mừng lắm”, bà Thắm nói và cho rằng, nếu giá cám còn tiếp tục tăng thì giá lợn hơi sẽ tăng theo.

Ảnh minh họa

Điều gì chắc chắn sẽ tăng, khi giá lợn hơi luôn lên xuống thất thường những năm qua?, bà Thắm cho hay, nhà hàng, quán ăn, đã hoạt động trở lại, sức mua cũng sẽ tăng lên khi giá thịt lợn “dễ chịu” với túi tiền của bà nội trợ, trong bối cảnh các loại thịt khác, hay hải sản đều đắt đỏ.

Giá trứng, gà thịt tăng cao hơn, cũng đã mở ra thắng lợi cho bà con chăn nuôi gà trong năm 2022. Theo ông Lê Văn Vỹ (Vĩnh Phúc), chủ một trang trại gà cho biết, hiện giá trứng gà bán buôn đang ổn định ở mức 2,5 nghìn đồng/quả (sau khi tăng thêm 500 đồng) đã giúp ông Vỹ thu lãi 4,5-5 triệu đồng/ngày, bất chấp giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Theo ông Vỹ, sức tiêu thụ trứng và gà thịt tăng lên rất mạnh đã “lấp” được mức tăng giá cám thời gian qua, dù mức giá bán ra chỉ tăng 25%, thấp hơn mức tăng đầu vào khoảng 40%.

“Bởi vậy, dư địa tăng giá thời gian tới vẫn còn”, ông Vỹ nói và khẳng định giá trứng và gà thịt sẽ nhanh chóng tăng tiếp, khi không chỉ nhu cầu trong nước cao mà ở nước ngoài cũng đang “sốt”.

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30-45%; Giá cám thành phẩm tăng 30-35% so với cuối năm 2021.

Nguyên nhân là do Việt Nam phải nhập nguyên liệu sản xuất cám đến 60%. Trong 10 tỷ USD nhập nguyên liệu cám năm 2021, có 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương…

Trong bối cảnh giá cám liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, theo Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp chăn nuôi phải đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Còn Bộ NN&PTNT sẽ rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, thức ăn chăn nuôi; Trên cơ sở đó xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi; Nghiên cứu hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp dùng làm thức ăn chăn nuôi…

Nguồn : Báo giao thông

 

Trả lời