Giá xăng tăng lần thứ hai liên tiếp, RON 95 lên hơn 22.400 đồng/lít
Giá xăng trong nước hôm nay (20/6) được liên bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh tăng lần thứ 2 liên tiếp. Mỗi lít xăng RON 95 tăng 230 đồng, giá bán là 22.460 đồng/lít.
Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương – Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm nay (20/6).
Theo đó, giá xăng E5 tăng 190 đồng/lít, giá bán là 21.500 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 230 đồng, giá bán lên mức 22.460 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 720 đồng/lít, giá bán ở mức 20.360 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục không trích lập hay chi Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng xăng dầu.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu trước đó (ngày 13/6), giá xăng dầu được liên bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh theo hướng tăng các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 170 đồng/lít, giá bán là 21.310 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 260 đồng, giá bán lên mức 22.230 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 220 đồng/lít, giá bán ở mức 19.640 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa tăng 300 đồng/lít, giá bán lên mức 19.850 đồng/lít.
Liên quan đến kinh doanh xăng dầu, theo Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, có 16 doanh nghiệp xăng dầu đề nghị trả lại giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu. Lý do là các doanh nghiệp này không duy trì được đủ điều kiện hoạt động nên chủ động trả lại giấy phép.
Trả lời báo chí, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, việc tham gia và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, trong đó xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên không là ngoại lệ.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, việc phải đưa ra quy định quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán xăng dầu của thương nhân phân phối, chẳng hạn như chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua hàng từ các thương nhân đầu mối và không được mua bán lẫn nhau, là nhằm khắc phục những bất cập trong thời gian qua.
Với số lượng doanh nghiệp xăng dầu rời bỏ thị trường thời gian qua, việc cung ứng xăng dầu vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu, trong đó xác lập lại các quyền và nghĩa vụ của thương nhân.