Giảm trong phiên cuối 2019, dầu thô vẫn ghi nhận năm tăng giá mạnh nhất kể từ 2016
Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, nhưng đánh dấu năm tăng giá mạnh nhất, đối với cả dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ và dầu thô Brent, trong ba năm.
Theo Investing.com, giá dầu thô Brent giảm 0,96% xuống 66,03 USD/thùng, nhưng đã tăng hơn 20,3% trong năm nay; còn giá dầu WTI giảm 0,78% xuống 61,2 USD/thùng, tăng 33,4% so với đầu năm.
Cả hai loại dầu đều ghi nhận đạt mức cao nhất trong năm 2019 vào ngày 24/4, tiếp đà từ những phiên trước, tăng hơn 1% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thị trường phải bất ngờ với thông tin sẽ đưa ra biện pháp mới nhằm siết chặt lượng dầu thô xuất khẩu của Iran xuống còn 0.
Theo đó, giá dầu thô Brent đã vượt mức 70 USD/thùng, đạt 74,57 USD/thùng; còn giá dầu thô WTI lên mức 66,3 USD/thùng.
Tuy nhiên, tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới một lần nữa leo thang khi hai bên không thống nhất được các điều kiện để đi đến một thoả thuận khiến thị trường một lần nữa lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, khiến giá dầu lao dốc.
Cuộc tấn công vào các mỏ dầu lớn nhất của Arab Saudi và cơ sở chế biến dầu thô lớn nhất thế giới tại Abqaiq vào tháng 9 đã đánh bay 5,7 triệu thùng dầu/ngày khỏi thị trường.
Con số này chiếm hơn 5% sản lượng của thế giới, và là cuộc tấn công nghiêm trọng chưa từng thấy vào cơ sở hạ tầng dầu, theo oilprice.com.
Mặc dù vậy, đây không phải là một sự gián đoạn lớn nhất, chủ yếu vì lượng dầu đá phiến khổng lồ và Arab Saudi đã xây dựng kho dự trữ dầu.
Giá dầu thô đã tăng vọt gần 20% sau thông tin về cuộc tấn công, nhưng nhanh chóng trở lại mức bình thường khi những thiệt hại được sửa chữa.
Ngoài ra, một số sự kiện khác ảnh hưởng tới thị trường như đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Aramco vào đầu tháng 12; OPEC giảm sản lượng để kéo giá dầu tăng trở lại; và sản lượng dầu của Mỹ dự kiến đạt kỉ lục 12,8 triệu thùng/ngày.
Dự báo năm 2020
Với việc OPEC và đồng minh nâng tổng sản lượng giảm và tăng trưởng kinh tế mạnh hơn tại các thị trường mới nổi, JP Morgan đã nâng triển vọng giá dầu và dự báo cân bằng cung – cầu sẽ thắt chặt trong năm 2020.
Theo đó, ngân hàng đầu tư điều chỉnh dự báo giá dầu Brent lên 64,5 USD/thùng trong năm 2020 từ mức 59 USD trước đó, dù dự đoán giá sẽ giảm còn 61,5 USD vào 2021.
Giá dầu WTI của Mỹ cũng ghi nhận xu hướng tương tự với ước tính lên 60 USD/thùng vào 2020 và xuống còn 57,5 USD trong năm 2021.
JP Morgan tiếp tục dự đoán tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới đạt 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Morgan Stanley nhận định kế hoạch giảm sâu lượng sản xuất của OPEC và các nhà sản xuất dầu đồng minh trong quý I/2020 sẽ chỉ hỗ trợ thị trường trong ngắn hạn.
Ngân hàng đã hạ dự báo sản xuất năm 2020 của OPEC xuống 0,4 triệu thùng/ngày xuống còn 29,2 triệu thùng/ngày sau khi các nhà sản xuất dầu do Arab Saudi dẫn đầu và Nga đồng ý giảm sản lượng trong quí I/2020 nhưng sẽ dừng thực hiện thỏa thuận sau tháng 3, theo Reuters.
Bất chấp thoả thuận giảm sản xuất, ngân hàng dự đoán nguồn cung ngoài OPEC sẽ tăng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày vào năm tới, với tốc độ tăng trưởng sản xuất hàng tháng của Mỹ là 50.000 thùng/ngày.
Ngân hàng ước tính thặng dư cũng vừa phải trong năm tới, ngay cả khi nhu cầu dự kiến sẽ tăng tốc trở lại với một số hỗ trợ từ các quy tắc IMO 2020 sắp tới.
Morgan Stanley nhận thấy giá dầu thô Brent sẽ đạt 62,50 USD/thùng trong quí I/2020, nhưng đã hạ dự báo xuống còn 60 USD cho tới hết năm 2020.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ dự kiến sẽ giữ ở mức 57,5 USD/thùng trong quí đầu tiên và 55 USD cho phần còn lại của năm sau.
Còn theo Bloomberg, Goldman Sachs tăng dự báo giá dầu thô Brent thêm 3 USD/thùng so với mức dự báo đưa ra trước đó lên 63 USD/thùng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, mức giá sẽ chỉ ở mức 55 USD/thùng.
Đối với giá dầu WTI giao ngay, Goldman Sachs dự báo giá sẽ ở 58,5 USD/thùng và dài hạn ở mức 50 USD/thùng.
Ngoài ra, ngân hàng này cũng dự báo nguồn cung dư thừa sẽ thu hẹp thêm 0,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Goldman Sachs vẫn chưa tính rủi ro từ việc các nước Iraq, Nigeria và Nga không tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận giảm sản lượng khai thác.
Goldman Sachs giữ nguyên dự báo sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng thêm 600.000 thùng/ngày trong năm 2020.