Hải Phòng đề xuất đưa đường sắt khỏi nội đô
Đã đề xuất từ 10 năm trước
Theo UBND TP Hải Phòng, hiện hệ thống đường sắt quốc gia chạy trên địa bàn có chiều dài hơn 19,3km, đi qua các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền và huyện An Dương có tổng cộng 91 điểm giao cắt với đường bộ. Bên cạnh đó, thành phố còn có thêm các đường nhánh dài từ ga Vật Cách vào cảng Vật Cách đi qua xã Nam Sơn, huyện An Dương và phường Quán Toan, quận Hồng Bàng. Đoạn đường sắt từ ga Thượng Lý vào kho số II của Công ty Xăng dầu khu vực III đi qua phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng và từ ga Hải Phòng vào cảng Chùa Vẽ đi qua các phường thuộc địa bàn quận Ngô Quyền, Hải An,…
Liên quan đến vấn đề này, Công an Hải Phòng vừa đề xuất chủ trương di dời tuyến đường sắt nội đô ra khỏi khu vực trung tâm thành phố. Ông Đặng Sỹ Toàn, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt (Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Hải Phòng) cho biết: “Từ 10 năm trước, chúng tôi đã tham mưu với thành phố di chuyển đường sắt ra khỏi nội đô Hải Phòng. Nay tuyến đường sắt chạy xuyên qua trung tâm càng ảnh hưởng tới ATGT nên Công an Hải Phòng tiếp tục đề xuất phương án di dời”.
Theo ông Toàn, tuyến đường sắt qua nội đô Hải Phòng trải qua hàng trăm năm tồn tại đã xuống cấp. Tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt nhưng không được xử lý kịp thời uy hiếp nghiêm trọng ATGT đường sắt. Khu vực nội thành Hải Phòng tồn tại hàng trăm lối đi dân sinh không có rào chắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Có những khu vực mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc như: Ngã tư Trần Khánh Dư – Lê Thánh Tông giao cắt với đường sắt nhưng cũng không có gác chắn tàu hỏa.
“Mỗi khi đi qua khu vực nội thành Hải Phòng, lái tàu thường phải điều khiển chạy chậm hết mức khiến thời gian tàu “bò” qua các cung đường mất rất nhiều thời gian, đồng nghĩa với việc ách tắc giao thông tại các tuyến đường bộ giao cắt. Mặt khác, tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn có tuyến đường sắt chạy qua luôn tiềm ẩn sự phức tạp, nhất là hoạt động của tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội”, ông Toàn nói.
Với nhiều bất cập nêu trên, Công an Hải Phòng kiến nghị TP Hải Phòng phối hợp với Bộ GTVT báo cáo trình Chính phủ sớm có lộ trình, đề án di chuyển tuyến đường sắt hàng hóa ra khỏi khu trung tâm, không đi vào khu vực nội thành nhằm góp phần bảo đảm ATGT, chỉnh trang đô thị và giải quyết tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng ga tàu vận chuyển hành khách tại khu vực Thượng Lý thuộc phường Sở Dầu hoặc Cam Lộ thuộc phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng để vận chuyển hành khách, giảm các tuyến vận tải hành khách vào khu vực ga Hải Phòng.
Cần một lộ trình cụ thể
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện lãnh đạo ga Hải Phòng chia sẻ: “Tuyến đường sắt tại Hải Phòng được người Pháp đưa vào sử dụng từ năm 1910 nối Hải Phòng với Côn Minh (Trung Quốc). Hải Phòng hiện là địa phương duy nhất trong cả nước có tuyến đường sắt nối tới tận các cảng biển để bốc xếp hàng hóa (cảng Chùa Vẽ, Vật Cách). Hệ thống đường sắt Hải Phòng đang kết nối vận chuyển hàng hóa với Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 490 nghìn tấn (tăng 117% so với cùng kỳ 2017). Hàng hóa vận chuyển chủ yếu tới Trung Quốc và các tỉnh phía Bắc. Sản lượng vận chuyển hành khách đạt 121 nghìn lượt người (đạt 88% so với cùng kỳ 2017)”.
Đường sắt Hải Phòng có lịch sử tồn tại hơn 100 năm qua gắn liền với sự phát triển của TP Hải Phòng. Tới nay, tuyến đường sắt Hải Phòng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa đặc thù như quặng, nguyên liệu cho các nhà máy phân bón, thép… từ cảng Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc và sang Trung Quốc. Những tuyến tàu này đều đang hoạt động trên những đoạn đường sắt nằm trong nội đô của thành phố. Xuất phát từ tình hình thực tế tuyến đường sắt chạy qua trung tâm TP Hải Phòng tồn tại nhiều bất cập nên Công an Hải Phòng đề xuất di dời ra khỏi nội thành Hải Phòng.
“Tuy vậy, đề xuất này cần được nghiên cứu kỹ, đưa ra một lộ trình cụ thể vì không thể bỏ tuyến đường sắt Hải Phòng mà cần phải nghiên cứu điều chỉnh phù hợp. Điều này TP Hải Phòng không thể tự quyết định được mà cần kiến nghị với Bộ GTVT để tham mưu với Chính phủ”, lãnh đạo ga Hải Phòng cho biết.
Theo một số chuyên gia, tới đây các cơ quan chức năng nên nghiên cứu phương án làm đường sắt cao tốc song song với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo đó điểm đầu của tuyến đường sắt này sẽ là khu vực Km 0 của cao tốc bám theo đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tới khu vực Đình Vũ của Hải Phòng. Tiếp đó là các tuyến đường sắt bám theo cầu Bạch Đằng sang tỉnh Quảng Ninh, bám theo cầu Tân Vũ – Lạch Huyện sang khu vực Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng. 2 ga hành khách chính sẽ nằm ở 2 đầu của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để từ đây hàng hóa, hành khách phân phối đi các địa bàn.
Nếu triển khai được phương án này sẽ giải quyết được những vấn đề rất quan trọng nâng cao vị thế của đường sắt trong vận chuyển hàng hóa, hành khách, giảm tải cho tuyến đường bộ. Triển khai phương án này cũng giảm đáng kể chi phí giải phóng mặt bằng vì tận dụng được hành lang ATGT của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Tại toàn tuyến hầu như không có đường ngang vì toàn bộ đã được giải phóng mặt bằng.
Cục Đường sắt chưa nhận được đề xuất di dời ga Hải Phòng
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng KH-ĐT Cục Đường sắt VN cho biết, TP Hải Phòng đã nhiều lần đề nghị Bộ GTVT cho di dời, không vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt đi qua trung tâm thành phố vào cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, đối với ga Hải Phòng hiện tại, TP Hải Phòng chưa gửi đề nghị. Bộ GTVT, Cục Đường sắt VN đã làm việc với TP Hải Phòng nhiều lần, không thấy Hải Phòng đề cập đến việc di dời ga Hải Phòng, trong quy hoạch của thành phố cũng không có nội dung này.
Để di dời tuyến đường sắt chuyên vận tải hàng hóa ra vào cảng Hải Phòng, sẽ phải xây dựng tuyến đường sắt mới thay thế. Nghiên cứu được đưa ra là: Sẽ xây dựng tuyến mới nối từ tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng hiện có ra cảng Lạch Huyện theo hướng từ ga Thượng Lý đi vòng bên phải theo hướng đường bao quanh thành phố. Ga Hải Phòng hiện nay vẫn là ga hành khách trung tâm TP Hải Phòng.
Hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu dự án tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi theo hướng tuyến mới. Tuyến mới này sẽ ra đến khu Nam Đình Vũ, gần cảng Lạch Huyện. Khi đó, mới xây dựng ga mới tác nghiệp cả hành khách và hàng hóa vì mục tiêu tuyến này sẽ vận chuyển cả hành khách, hàng hóa.