IMO: Năm 2020, ngành vận tải biển gặp ‘sóng’ lớn
Qui định giới hạn lưu huỳnh 2020 của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) sẽ mang đến nhiều thay đổi lớn trong ngành vận tải biển, làm tăng chi phí vận hành và quản lí do chi phí nhiên liệu tăng.
Doanh nghiệp vận tải biển gặp khó
Từ tháng 1/2020, Quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, hàm lượng lưu huỳnh của dầu nhiên liệu sử dụng cho tàu biển phải giảm từ 3,5% xuống còn 0,5%.
IMO ước tính khoảng 70.000 tàu biển trên thế giới bị tác động, gây tốn kém chi phí để giảm lượng phát thải. Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế cũng không ngoại lệ.
Theo ông Bùi Văn Trung, Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA) cho biết, nhiều hãng tàu container trên thế giới bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp như lắp đặt hệ thống lọc lưu huỳnh, chuyển sang dùng nhiên liệu MGO/MDO hoặc chuyển sang nhiên liệu khí tự nhiên hóa lỏng LNG…
Tuy nhiên, dù lựa chọn giải pháp nào thì ngành hàng hải cũng sẽ gánh thêm chi phí hoạt động không nhỏ vì các loại nhiên liệu sạch sẽ đắt tiền hơn.
Cụ thể, loại nhiên liệu mới sẽ có giá đắt hơn dầu FO mà các tàu đang sử dụng trung bình khoảng 100 USD/tấn. Trường hợp không dùng nhiên liệu thay thế mà lắp thiết bị lọc, giá thành lắp đặt cũng đắt ngang giá trị một con tàu.
Đây là thách thức rất lớn đối với các hãng tàu vận chuyển quốc tế, nhất là các hãng tàu có quy mô hoạt động còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu.
Một thách thức nữa đối với doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam là phần lớn đội tàu trong nước “đã già”, lạc hậu, trong đó có rất nhiều tàu có tuổi đời từ 15 năm trở lên. Do đó, sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất lợi từ những tàu nước ngoài mới và hiện đại hơn.
Chưa kể, một thách thức khác mà ngành vận tải Việt Nam phải đối mặt là đội tàu đang sụt giảm về số lượng từ 1.600 trong năm 2018 xuống còn 1.568 tại thời điểm hiện tại.
“Mặc dù hiện đại hóa là điều bắt buộc để tồn tại, nhưng nó cũng là một thách thức lớn đối với các công ty vận tải vốn phải đối mặt với lợi nhuận thấp và khó khăn trong việc huy động vốn. Sự thiếu hụt nhân lực hàng hải lành nghề cũng là một vấn đề nan giải đối với các chủ tàu”, ông Trung nói.
Áp dụng công nghệ để “vượt sóng”
Trước những thách thức trên, cơ quan chức năng đã nghiên cứu và đề ra một số giải pháp giúp đội tàu Việt Nam đáp ứng quy định của IMO như sử dụng dầu FO có hàm lượng lưu huỳnh 3,5% và lắp đặt thêm hệ thống lọc lưu huỳnh ở khí xả sau khi ra khỏi động cơ.
Sử dụng dầu DO có sẵn hàm lượng lưu huỳnh 0,5%, hay sử dụng dầu FO có phối trộn phụ gia hoặc thêm hóa chất để hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, khó khăn trong các phương án trên là giá thành cao và không phải động cơ nào cũng phù hợp. Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã chính thức kêu gọi vào các chủ tàu và các bên liên quan đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ 4.0 trong lĩnh vực hàng hải.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư Okan Duru, Giám đốc Nghiên cứu hàng hải, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho biết, đầu tư cho số hóa là một khoản đầu tư cần thiết để sinh tồn.
Nếu các chủ tàu và nhà khai thác không thể thích ứng với việc chuyển đổi số và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, thì trước sau gì cũng sẽ nhanh chóng bị xóa sổ bởi Công nghiệp 5.0.
“Trong nhiều các giải pháp số hóa khác nhau, tự động hóa nơi làm việc và tự động hóa vận hành tàu (Ship 5.0) sẽ thay đổi đáng kể hệ sinh thái hàng hải. Những thay đổi này chưa ở mức độ cấp bách, nhưng chúng cũng không còn quá xa để chúng ta có thể lơ là”, Phó Giáo sư Okan Duru nói.