Khi ‘vận mệnh’ của thương mại thế giới nằm trong tay một hạt đậu
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu khi Bắc Kinh đưa ra thông tin chi tiết về danh sách hàng hóa Mỹ trị giá 2,4 tỉ USD bị áp thuế quan vào ngày 2/4/2018. Động thái này nhằm đáp trả việc Washington đánh thuế lên 2,7 tỉ USD giá trị sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách 1.300 hàng hóa Trung Quốc có thể bị áp thuế 25% với tổng giá trị đạt khoảng 50 tỉ USD, gồm thiết bị y tế, ti vi màn hình phẳng và sản phẩm bán dẫn.
Không chịu yếu thế Bắc Kinh đáp trả với danh sách 106 các mặt hàng Mỹ, gồm cả đậu nành, bị áp thuế quan 25%.
Và từ đó, đậu nành trở thành tâm điểm của cuộc chiến thương mại và ảnh hưởng lớn tới dòng chảy thương mại toàn cầu.
Điều gì khiến hạt đầu “bằng đầu móng tay” trở nên đặc biệt quan trọng?
Đậu nành là nông sản Trung Quốc nhập nhiều nhất từ Mỹ, chiếm khoảng 60% trong tổng số 20 tỉ USD giá trị xuất khẩu của Mỹ sang quốc gia châu Á. Đậu nành được dùng làm dầu nấu ăn hoặc thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc khổng lồ của Trung Quốc.
Trung Quốc là nhà tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới và vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, thói quen mua hàng của quốc gia này có ảnh hưởng lớn đến giá và thương mại của toàn cầu.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá đậu nành xuất khẩu của Mỹ (FOB) trong tháng 11, đã tăng khoảng 5% so với tháng trước đó lên trung bình 329 USD/tấn, nhưng đã giảm khoảng 8% so với đầu năm.
Với việc áp thuế đối với nông sản Mỹ, Bắc Kinh đã nhắm tới một trong số ít ngành nền kinh tế Mỹ có thặng dư thương mại.
Dữ liệu từ USDA cho thấy, lũy kế đến tháng 11, xuất khẩu đậu nành Mỹ sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 15,9 triệu tấn so với năm ngoái xuống còn 339.000 tấn. Xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc đã giảm khoảng 97% so với năm ngoái.
Sự thay đổi về dòng chảy thương mại toàn cầu
Không thể mua nguồn cung từ Mỹ, các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải tìm đến Brazil – nhà xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới kể từ mùa vụ 2012 – 2013, để bù đắp nguồn cung trống Mỹ để lại. Nhờ đó, Brazil cũng trở thành người chiến thắng lớn nhất trong cuộc chiến thuế quan này.
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, quốc gia này đã mua 5,07 triệu tấn đậu nành Brazil trong tháng 11, tăng hơn 80% so với mức 2,76 triệu tấn của cùng kì năm trước.
Nhu cầu đậu nành Brazil mạnh mẽ từ Trung Quốc đã khiến nông dân tại quốc gia này tăng diện tích trồng đậu, trong khi thu hẹp vành đai mía đường của Brazil, và sự chuyển đổi cây trồng này đang diễn ra một cách nhanh chóng, với hoạt động chuyển từ trồng mía sang các loại ngũ cốc diễn ra ở hầu hết các bang có cả hai loại cây trồng này, theo ghi nhận từ Reuters.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc không mua đậu nành từ Mỹ khiến các chuyến tàu chở mặt hàng này đã phải đổi hướng từ Trung Quốc sang các quốc gia nhác nhừ Việt Nam.
Theo Bloomberg, một tàu chở 9.244 tấn đậu nành của Mỹ đã đổi hướng từ Trung Quốc đến cảng Phú Mỹ hôm 27/10. Hay một con tàu khác vận chuyển 36.000 tấn đậu nành Mỹ đã thay đổi đích đến từ cảng Thanh Đảo miền đông Trung Quốc sang Yeosu, Hàn Quốc vào sáng sớm ngày 1/11, dữ liệu từ Refinitiv Eikon cho biết.
Có thể thấy, người chịu thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là những người nông dân Mỹ – thành phần đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc bầu cử của ông Trump, giúp ông đánh bại đối thủ Hillary Clinton để chủ Nhà Trắng nhờ ủng hộ việc khiến ngoại thương cân bằng hơn.
Mặc dù chính quyền ông Trump tuyên bố một gói cứu trợ có thể lên tới 12 tỉ USD để giúp người nông dân Mỹ bị thiệt hại dưới tác động của cuộc chiến thương mại, nhiều tổ chức nông dân đã phàn nàn khoản cứu trợ không đủ để bù đắp những mất mát của họ.
Đồng thời, cũng cáo buộc gói cứu trợ làm giàu thêm cho các công ty lớn và doanh nghiệp nước ngoài, cũng như là một sự lãng phí và không hiệu quả.
Sự lạc quan quay trở lại khi hai cường quốc tạm đình chiến trong 90 ngày?
Đơn hàng đậu nành Mỹ đầu tiên xuất hiện sau khi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất về việc đình chiến trong 90 ngày nhằm đàm phán một thỏa thuận thương mại sau cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng USDA Sonny Perdue hôm 3/12 cho biết nguồn cung Brazil có hạn khi vẫn chưa bước vào vụ thu hoạch cũng có thể thúc đẩy Băc Kinh gia tăng nhập khẩu đậu nành Mỹ trở lại.
Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa gỡ thuế quan áp lên mặt hàng đậu nành từ Mỹ, nhưng đây cũng có thể coi là một tiến triển lạc quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng