Về đầu trang

Không tự chủ được về con giống, thức ăn, ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững

Posted by admin

Việt Nam chi hàng tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng lại bán hết sắn sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, mặt hàng cám gạo hiện cũng chưa có nghiên cứu bài bản, chuyên sâu nào về việc ứng dụng sản phẩm này làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…

Chăn nuôi gặp khó do giá thức ăn quá cao.

Hội nghị “Hiến kế phát triển ngành chăn nuôi bền vững” do Cục Chăn nuôi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 12/7/2021 đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia.

GIẢI NGAY BÀI TOÁN THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, phản ánh: hiện giá thức ăn chăn nuôi quá cao, trong khi giá đầu ra đối với gia cầm luôn ở mức thấp suốt thời gian dài, khiến người chăn nuôi khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Cục Chăn nuôi cần giải ngay bài toán về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để có thể tiết giảm chi phí và hạ giá thành. Nhà nước cần rà soát loại bỏ những loại phí, lệ phí bất hợp lý về kiểm soát đầu vào chất lượng nguyên liệu, giảm thiểu công tác tiền kiểm và chỉ hậu kiểm khi cần thiết về lâu dài, cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước (ngô, đậu tương, bột cá, nguyên liệu bổ sung khoáng, vitamin).

“Tại sao chúng ta không có một đề án, chiến lược về tự chủ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y đặt câu hỏi và cho rằng, nếu Việt Nam không tự chủ được về con giống, thức ăn, ngành chăn nuôi khó phát triển bền vững được.

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp phát huy vai trò nòng cốt trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện tái cơ cấu ngành. Các bộ ngành cần phân cấp và phân quyền cho một số Hiệp hội ngành hàng chủ lực trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế”, Chủ tịch Nguyễn Thanh Sơn nêu kiến nghị.

Đồng tình với kiến nghị trên, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP. Việt Nam bổ sung thêm, thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi nước ngoài không áp dụng, còn Việt Nam lại quy định, vô hình trung tạo sự cạnh tranh không công bằng giữa thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Do đó, cần sớm bãi bỏ hợp quy để hạ giá thành chăn nuôi.

“Hiện nhiều nước vẫn cho sử dụng chất Ractopamine (chất phụ gia thức ăn) trong chăn nuôi còn Việt Nam lại cấm. Trong khi, nếu sử dụng Ractopamine sẽ giúp hạ giá thành chăn nuôi rất nhiều, nên nếu chúng ta mở toang cánh cửa nhập khẩu sẽ không công bằng với doanh nghiệp trong nước” ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin, hiện các chính sách về thuế giá trị gia tăng đã bỏ rồi, Chính phủ cần hỗ trợ gì cũng đã hỗ trợ rồi nên giờ ngành chăn nuôi muốn cạnh tranh song phẳng chỉ còn giải pháp duy nhất là hạ giá thành.

“Dư địa để giảm giá thành chăn nuôi hiện nay là bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết để giảm chi phí, trong đó các thủ tục như hợp quy, kiểm tra chỉ tiêu dinh dưỡng ở cầu cảng, kiểm dịch nên bãi bỏ sớm ngày nào tốt ngày đó, bởi đây là các chi phí không cần thiết làm tăng giá thành”, ông Lương nhấn mạnh.

Ngoài ra ông Lương cũng đề xuất Cục Chăn nuôi, Bộ Nội vụ cho thành lập Hiệp hội Chăn nuôi lợn, bởi đây là ngành quan trọng hàng đầu của ngành chăn nuôi, nhưng chưa có hiệp hội.

TỔ CHỨC LẠI HỆ THỐNG NGHIÊN CỨU

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng Ban Khoa học công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng khoa học và công nghệ đã và sẽ trở thành lực lượng sản xuất chính và mang lại hiệu quả cao nhất. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học khi các cơ quan quản lý Nhà nước đặt hàng phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất và phải bố trí nguồn kinh phí phù hợp để nhà khoa học làm mới đạt được hiệu quả.

“Phải thực hiện khoán theo sản phẩm và cơ chế chịu trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ nghiên cứu. Đề nghị Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên kiên quyết tổ chức lại hệ thống các Viện nghiên cứu và Trường Đại học công lập theo hướng tinh gọn, không trùng lặp, hiệu quả, giảm các khâu trung gian không cần thiết”, PGS.TS. Nguyễn Văn Đức đề nghị.

“Hiện tại, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu không đồng bộ, chưa đáp ứng được điều kiện nghiên cứu dẫn đến lãng phí lớn và kết quả nghiên cứu chưa đạt được hiệu quả cao”.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng Ban Khoa học công nghệ, Hội Chăn nuôi Việt Nam[/ghichu[

Nhà nước cần phải đầu tư tập trung nguồn ngân sách Nhà nước để các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để thực hiện những nghiên cứu về vật nuôi, những nhiệm vụ công ích như bảo tồn nguồn gen động thực vật, vi sinh vật, nuôi giữ giống gốc, nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Cần phải coi trọng việc đào tạo con người xứng tầm với các công nghệ tiên tiến.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, ngành chăn nuôi cần tập trung vào nghiên cứu chọn tạo các giống vật nuôi theo định hướng “Năng suất tối ưu”, không nên chạy theo “năng suất tối đa”. Chú trọng công tác nghiên cứu bảo tồn, khai khác và phát triển hiệu quả hơn nữa nguồn gen của các giống vật nuôi bản địa, đồng thời phải khai thác tốt hơn nguồn gen ngoại nhập.

Đồng thời cần ứng dụng công nghệ mới nhằm đẩy nhanh tốc độ cải thiện di truyền, tăng năng suất, chất lượng, sức khỏe vật nuôi. Trong các nghiên cứu cơ bản như tạo gia súc nhân bản, sản xuất vacxin, công tác bảo tồn giống vật nuôi…, cần có chương trình định hướng, kế hoạch dài hơi, thay đổi phương thức đặt hàng giao các đề tài, nhiệm vụ bị khống chế thời gian quá ngắn theo nhiệm kỳ hành chính, nhất là trong công nghệ sinh học.

Ghi nhận những đóng góp chất lượng, tâm huyết, của các hiệp hội, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết sẽ có những tiếp thu đầy đủ để tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ để có những điều chỉnh phù hợp trong chiến lược phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong giai đoạn tới.

Trước mắt, Cục Chăn nuôi đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản lùi thời gian áp dụng hợp quy thức ăn chăn nuôi, thêm một năm đến 1/7/2022 để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp quy định của pháp luật.

Nguồn: VnEconomy

Trả lời