“Làn sóng” đầu tư Đức sắp đổ vào logistics Việt Nam?
Tại chương trình tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đức do Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức phối hợp cùng Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức mới đây, khi đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Đức muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, TS.Wolfgang Manig – Đại biện, Đại sứ quán CHLB Đức cho biết: “Các nhà đầu tư Đức nên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và logistics tại Việt Nam”.
Thời điểm “vàng” để đầu tư
Phân tích cơ sở của lời khuyên này có thể thấy đây là lời khuyên “vàng” khi logistics đang là một ngành còn nhiều dư địa để phát triển, môi trường kinh doanh đang ngày càng thuận lợi và những thủ tục hành chính trong lĩnh vực này đang ngày được cắt giảm một cách quyết liệt.
Thêm nữa, quý I/2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê là 7,38%, đây là con số tăng trưởng cao nhất từ 10 năm trở lại đây. Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng mạnh, ước đạt 55,5 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, những thuận lợi này đang tạo cơ hội cho dịch vụ logistics ở Việt Nam phát triển. Ngoài ra, với xu hướng các nhà đầu tư Đức nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài khác nói riêng đang có kế hoạch chuyển dịch cơ sở sản xuất, nhà máy sang Việt Nam như Úc, dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hoá sẽ càng được đẩy lên cao, đây tiếp tục là cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics.
Nói như vậy không có nghĩa, đến bây giờ nhà đầu tư Đức mới tìm hiểu và đầu tư vào ngành logistics Việt Nam. Nhắc đến nhà đầu tư Đức trong ngành này tại thị trường Việt Nam khó có thể không nhắc đến nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới của Đức DHL đã công bố mở thêm đường bay mới trong khu vực châu Á, nhằm kết nối chuyển phát nhanh giữa Bangkok (Thái Lan), Hà Nội và Hồng Kông từ năm 2014. Theo đó đường bay này có tần suất là 5 chuyến/tuần.
Sau đó, cũng trong năm 2014, DHL đã tăng tần suất bay kết nối giữa Penang (Malaysia), TP.HCM và Hồng Kông từ 5 lên 6 chuyến/tuần, nhờ đó tăng 20% khả năng xử lý hàng trên tuyến đường bay này.
Còn nhớ, DHL chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 1988 và đã liên tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, DHL đã đầu tư 12 triệu USD, chiếm hơn 30% trong tổng vốn đầu tư 37 triệu USD của Tập đoàn ở Việt Nam. Điều này cho thấy mối quan tâm đặc biệt của DHL đối với thị trường Việt Nam.
Khí đó, nhận định về dư địa ngành logistics Việt Nam, đại diện công ty này từng cho biết: “Trước đây, Việt Nam thường chỉ xuất khẩu nông sản thô, thì nay xuất khẩu số lượng lớn hàng điện tử, điện thoại di động, dệt may… Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn trong quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm thời gian lưu kho, họ cần giao và nhận hàng nhanh hơn.”
Bên cạnh DHL, còn phải kể đến các nhà đầu tư khác như MBS Logistics, còn có thể kể đến Hapag – Lloyd, DB Schenker, hay Karl Gross, những doanh nghiệp Đức có nhiều kinh nghiệm phát triển trong lĩnh vực logistics tại thị trường Việt Nam.
Hóa giải những gam màu xám
Mặc dù hiện nay, số lượng doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam là 300 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều này dễ dàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam cùng bắt tay hợp tác để tận dụng kinh nghiệm và khoa học kỹ thuật.
Tuy nhiên, để bức tranh logistics của Việt Nam được hoàn thiện, những khoảng màu tối đang tồn tại như chi phí cao, vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh…đang là những rào cản khiến ngành chưa thể phát triển như kỳ vọng.
Ngoài ra, theo đại diện doanh nghiệp Đức có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, chỉ số tham nhũng tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng.
Chính vì vậy, nhằm “gỡ khó” cho ngành logisitics, ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề logistics rằng phải bỏ ít nhất ½ số điều kiện kinh doanh trong ngành logistics, và chi phí logistic phải được quan tâm đúng mức, thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017, phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Theo đó, Chính phủ cũng sẽ có những hộ trợ phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó, biện pháp đầu tiên là tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng.
Như vậy, cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kiến tạo môi trường kinh doanh từ phía Chính phủ, cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều có thể tham gia vào cuộc cạnh tranh này một cách công bằng nhất, để ngành logistics phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam cũng như kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung chuyển của khu vực.