LÚA MÌ NGA NHẬP VỀ VIỆT NAM CÓ THỂ ĐỐI DIỆN VỚI LỆNH CẤM TỪ THÁNG 6.2018 DO PHÁT HIỆN NHIỄM CỎ DẠI, NHỮNG TÁC ĐỘNG BAN ĐẦU TỚI THỊ TRƯỜNG TĂCN
Lúa mì Nga bắt đầu được nhập về Việt Nam từ tháng 6/2016, trước khi Việt Nam – liên minh kinh tế Á Âu hoàn tất Hiệp định thương mại tự do VNEAEUFTA. Sau khi VNEAEUFTA có hiệu lực vào ngày 5/10/2016 giúp cho thuế nhập khẩu lúa mì từ Nga giảm ngay về mức 0% thì lúa mì từ Nga về Việt Nam bắt đầu tăng mạnh. Năm 2017, Nga trở thành đối tác lớn thứ 3 của Việt Nam về nhập khẩu lúa mì TACN với hơn 660.000 tấn, sau Argentina và Canada. Sang năm 2018, trong bối cảnh giá lúa mì của Argentina và Canada tăng mạnh và nguồn cung khan hiếm thì Nga vươn lên thành đối tác lớn nhất của Việt Nam về nhập khẩu lúa mì TACN. Chỉ riêng 4 tháng 2018, lượng lúa mì TACN mà Việt Nam nhập từ Nga đã đạt gần 800.000 tấn, chiếm tới hơn 70% tổng lượng lúa mì TACN Việt Nam nhập từ các thị trường. Dự kiến lượng lúa Nga về Việt Nam trong giai đoạn tháng 5-6-7 tiếp tục nhiều do lúa Nga có lợi thế vượt trội so với lúa mì các nguồn gốc khác về giá, nguồn cung và mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam.
Với gần 1,5 triệu tấn về Việt Nam trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, lúa Nga trở thành mặt hàng được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc 3 tàu lúa Nga vềcảng Việt Nam vào cuối tuần trước và đầu tuần này (gồm tàu Topaz và Annamaria về cảng Vũng Tàu và Oslo Venture về cảng Cái Lân) bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense- đối tượng kiểm dịch thực vật thuộc nhóm 1 của Việt Nam cần được kiểm soát gắt gao thì lúa Nga đang đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu, có thể ngay từ đầu tháng 6/2018 tới đây. Ngoài lúa Nga thì lúa từ Canada cũng đối diện với lệnh cấm do cỏ dại Cirsium Arvense cũng được phát hiện trên một số lô hàng nông sản từ Canada nhập khẩu về Việt Nam.
Theo đánh giá của thương nhân, việc phát hiện lô hàng bị nhiễm cỏ dại hoặc nấm còn nguy hiểm hơn là dịch hại do khó có phương pháp loại trừ hữu hiệu trước khi đưa vào sử dụng tại Việt Nam.
Bảng 1: Lượng và tỷ trọng nhập khẩu lúa mỳ TACN theo thị trường của Việt Nam trong năm
2017 và 4 tháng năm 2018 (tấn, %)
Ghi chú: Số liệu tháng 4 là số liệu sơ bộ nên thị trường xuất khẩu bị lẫn thành xuất xứ của các nhà cung cấp (chủ tàu) do đó các thị trường như Singapore, Thụy Sỹ có thể trong đó lúa mỳ Nga cũng chiếm nhiều, do vậy tỷ trọng lúa mỳ nhập khẩu từ Nga trong 4 tháng năm 2018 ước hơn 75%.
Bảng 2: Nhập khẩu lúa mỳ TACN từ một số thị trường lớn trong 4 tháng đầu năm 2018, so
sánh với cùng kỳ năm trước (tấn)
Nguồn: AgroMonitor tổng hợp từ số liệu của TCHQ
Thị phần lúa mỳ Nga tăng mạnh do năm 2017/18 sản lượng lúa mỳ Nga tăng vọt. Theo báo cáo tháng 5 của Bộ NN Mỹ, sản lượng lúa mỳ Nga niên vụ này ước đạt gần 85 triệu tấn, tăng 12,5 triệu tấn so với năm trước. Theo đó, sản lượng lúa mỳ xuất khẩu của Nga trong năm kinh doanh 2017/18 (kết thúc vào 30/06/2018) dự kiến đạt 39,5 triệu tấn, tăng gần 12 triệu tấn so với năm 2016/17, trở thành nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, vượt xa thị trường đứng thứ 2 là Mỹ (24 triệu tấn).
Với lợi thế cạnh tranh lớn về nguồn cung cũng như giá, Nga đã chiếm nhiều thị phần xuất khẩu của các nước xuất khẩu cạnh tranh khác như Mỹ (giảm 5,4 triệu tấn), Úc (giảm 6 triệu tấn), EU (giảm 3,3 triệu tấn), Ucraina (giảm gần 1 triệu tấn).
Bảng 3: Sản lượng lúa mỳ và lượng xuất khẩu của một số thị trường lớn trong năm 2016/17-2017/18 (triệu tấn)
Nguồn: FAS/USDA
Với khả năng mất nguồn cung lúa mì từ Nga thì các nhà nhập khẩu Việt Nam có thể chuyển hướng sang nhập khẩu lúa mỳ từ một số nước khu vực châu Âu như Romania, Bulgaria do giá lúa mỳ EU cạnh tranh hơn so với các nguồn cung lúa mì khác, cho dù vẫn phải mất thuế nhập khẩu 5%. Lúa mỳ EU chào về Việt Nam hôm 14/05 có giá khoảng 228/232 USD/tấn (CFR), giao tháng 8 về cảng Vũng Tàu/Cái Lân (quy đổi khoảng 5.600 đồng/kg về cảng Vũng Tàu). Lúa mỳ Argentina đang rất cao, giá xuất khẩu cho hàng giao tháng 5 đang ở mức 268 USD/tấn (FOB) nên lúa Argentina sẽ rất khó để cạnh tranh với các thị trường khác.
Đối với thị trường nội đia, hôm 15/05 một số DNTM vẫn báo giá lúa mỳ Nga ở mức 5.600 đồng/kg xá cảng Vũng Tàu và 5.650 đồng/kg xá cảng Cái Lân, chưa có biến động so với trước đó.
Tồn kho lúa mì TACN (trong đó chủ yếu là lúa Nga) theo đánh giá của thương nhân tới đầu tháng 5/2018 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, còn khoảng trên dưới 250.000 tấn do lượng nhập khẩu về cảng giảm trong khi tiêu thụ lúa mì tăng do giá sắn lát và giá ngô tăng mạnh. Do đó, nếu nguồn cung lúa Nga về Việt Nam bị chặn đứng do vấn đề cỏ dại thì giá lúa mì TACN sẽ được điều chỉnh tăng khá mạnh trong thời gian tới, nhất là giai đoạn tháng 6 và tháng 7 khi nguồn cung ngô về Việt Nam giảm mạnh và nguồn cung cám gạo vụ Hè Thu giảm so với Đông Xuân.
Hình 1: Tương quan giá ngô và lúa mỳ TACN tại cảng Cái Lân (đồng/kg)
Nguồn: CSDL AgroMonitor
Hình 2: Tương quan giá ngô và lúa mỳ TACN tại cảng Vũng Tàu (đồng/kg)
Nguồn: CSDL AgroMonitor
Hình 3: Diễn biến giá mì cám tại Quy Nhơn và Tây Ninh năm 2017-2018 (VND/kg)
Bảng 4: Lượng nhập khẩu ngô và lúa mỳ, 2017-2018 (tấn)
Nguồn: AgroMonitor Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan