Người chăn nuôi lỗ nặng, lo thiếu thực phẩm Tết
Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, giá lợn hơi và gà thịt liên tục giảm mạnh khiến nhiều người chăn nuôi lỗ nặng và không muốn tái đàn.
Thực trạng này đặt kế hoạch cung ứng thực phẩm dịp Tết trong thế bị động, cần có những giải pháp “khác thường” trong sản xuất.
Người nuôi bỏ chuồng vì lao đao
Chán nản vì chăn nuôi lợn mấy năm nay, chị Nguyễn Thị Hà (Hà Nam) cho biết, số nợ của gia đình đến nay đã lên đến gần 1 tỷ đồng.
Giữa năm 2018, khi đàn lợn của gia đình xuất chuồng thì giá rớt còn khoảng 25 nghìn đồng/kg. Bán cả đàn hàng trăm con lợn, chị phải chịu lỗ gần 400 triệu đồng. Đến đầu năm 2019, chị vay mượn khoảng 240 triệu đồng để vào đàn 300 con giống.
Nhưng đến tháng 4/2019, đàn lợn đã được 3 tháng, ngốn thêm khoảng 900 triệu đồng thì lăn ra chết la liệt.
“Dù địa phương hỗ trợ nhưng tôi vẫn phải chịu lỗ thêm khoảng 500 triệu đồng”, chị Hà nói và cho biết, mới quay lại tái đàn sau hơn một năm bỏ chuồng thì lại gặp phải “cơn lốc” tăng giá thức ăn chăn nuôi, trong khi giá lợn hơi giảm mạnh.
Tính ra, hiện mỗi con lợn xuất chuồng, chị chịu lỗ nửa triệu đồng.
Tương tự, ông Trần Văn Ngũ (Bắc Ninh), chủ trang trại chăn nuôi lợn với quy mô khoảng 500 con lợn thịt cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 9 trong năm qua khiến ông thua lỗ, phải bán “lúa non” cả đàn lợn khi giá xuất chuồng giảm về gần 50 nghìn đồng/kg. Hiện tại, gia đình ông chưa có kế hoạch nuôi lại.
Theo ông Ngũ, chi phí nuôi một con lợn từ khi vào giống đến khi xuất chuồng mất khoảng 3-3,5 triệu đồng tiền cám, nhưng hiện nay chi phí này đã lên mức 5-5,5 triệu đồng.
Với mức giá hiện tại, phần lớn người dân đều bán sớm, chấp nhận bỏ chuồng đợi giá thức ăn xuống mới tính tiếp.
Tuy nhiên, khác với chăn nuôi nông hộ, với những doanh nghiệp chăn nuôi khép kín thì mức giá lợn hơi như hiện nay vẫn chấp nhận được do họ chủ động được nguồn thức ăn.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cho biết, hiện công ty ông có 3.000 con lợn, mặc dù giá có giảm nhưng mức lãi vẫn tạm ổn.
Ông So cũng dự báo theo diễn biến hiện tại, giá thức ăn còn tăng và giá lợn hơi có thể tiếp tục giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cuối năm khi người dân “ngại” chăn nuôi.
Tương tự, hiện nhiều người chăn nuôi gia cầm cũng lao đao khiến nhiều người bỏ nghề. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết:
“Gà lông trắng hiện có giá chỉ khoảng 7 nghìn đồng/kg, thậm chí nhiều nơi không bán được. Tính sơ bộ đang tồn khoảng 7-8 triệu con gà công nghiệp chưa tiêu thụ được”.
Giải thích nguyên nhân, vị này cho rằng, do nhiều chợ truyền thống đóng cửa, các bếp ăn công nghiệp, trường học cũng dừng hoạt động, trong khi gà công nghiệp chủ yếu được tiêu thụ theo kênh này.
Hơn nữa, giá thức ăn tăng cao là nguyên nhân chính khiến người nuôi gà lỗ nặng.
Siết chặt khâu phân phối thức ăn chăn nuôi
Đó là kiến nghị của đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam gửi tới Bộ NN&PTNT. Đại diện đơn vị này cho rằng, Bộ NN&PTNT nên tìm cách kiểm soát khung giá bán, tỷ lệ chiết khấu cho đại lý nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và người chăn nuôi.
Theo vị này, giá thức ăn chăn nuôi đang phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu và chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài.
“Chúng ta là nước nông nghiệp, nhiều nhà máy sản xuất, nhiều nguyên liệu ngô, đậu tương… nhưng mỗi năm chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu là chưa phù hợp”, vị đại diện nói.
Vị này phân tích, ở Thái Lan, lợi nhuận đối với ngành thức ăn chăn nuôi không được phép cao hơn 5%. Ở Trung Quốc, thức ăn chăn nuôi được áp giá trần. Còn Việt Nam hiện nay vẫn đang “thả nổi” quản lý.
Thực tế, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam hiện chiếm đến 70-75% giá thành sản phẩm nhưng việc chi hoa hồng, chiết khấu giữa nhà sản xuất và đơn vị phân phối lên tới 30%. Cuối cùng, người chăn nuôi phải gánh chịu hết các chi phí đó.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, rất khó can thiệp và điều chỉnh đề xuất trên bởi đây là cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, để kiểm soát, Chính phủ cần đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, lúc đó sẽ khống chế được giá các nguyên liệu đầu vào.
“Bộ NN&PTNT không ít lần đề xuất phương án này, song đến nay vẫn chưa được chấp thuận”, ông Trọng nói và cho biết, thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng.
Vận dụng kế hoạch sản xuất “thời chiến”?
Trước thực tế trên, nhận định kế hoạch sản xuất để đảm bảo nguồn cung dịp Tết, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, cần vận dụng kế hoạch sản xuất “thời chiến” chứ không đơn thuần là những kế hoạch năm như trước đây.
Tức là, vừa cần có biện pháp cải thiện chuỗi cung ứng cho sản phẩm, vừa phải có chính sách ưu tiên tăng lưu thông và chế biến. Đồng thời phải huy động sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp lớn.
Theo ông Trọng, đến hết tháng 7, đàn gia cầm của Việt Nam hiện còn khoảng 518 triệu con, vẫn đủ nguồn cung thịt và trứng cho thị trường trong nước, một phần cho xuất khẩu.
Tổng đàn lợn trên cả nước đạt 27 triệu con, đàn giống lợn con theo mẹ khoảng 4,7 triệu con. Trong đó, 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì được đàn nái, đàn lợn thương phẩm chiếm khoảng hơn 23%, tương đương hơn 5 triệu con.
“Bình thường, nguồn cung vẫn đủ cung ứng nhưng sắp tới sẽ có ảnh hưởng bởi tình trạng ứ đọng. Khó khăn lớn nhất hiện nay là không tiêu thụ được bởi vận chuyển khó khăn, không xuất khẩu được.
Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khi ngành này vẫn có rủi ro lớn nên ngân hàng ngại cho vay”, ông Trọng nói.
Bởi vậy, trước mắt, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích các doanh nghiệp lớn thu mua cho người dân ở mức độ tối đa bằng việc lưu kho khi giá gia cầm hạ quá thấp. Điều này giúp chủ động một lượng nguồn cung, vừa giải phóng ứ đọng trong chuồng.
Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa dịp Tết khi việc lưu thông còn khó khăn. Trong khi, các thành phố lớn lại có những đặc trưng khác nhau.
Đơn cử như ngành chăn nuôi TP.HCM chỉ tự cung tự cấp được khoảng 10%, còn lại 90% phụ thuộc vào nguồn thực phẩm từ địa phương khác…
“Bởi vậy, giải pháp mà Bộ đưa ra là địa phương phải thúc đẩy sản xuất chăn nuôi nông hộ, thực hiện nâng cao năng lực tự cung tự cấp.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương ưu tiên tối đa cho vận chuyển hàng hóa, không để xảy ra ách tắc”, ông Trọng nói.
Ngoài ra, để kích cầu sản xuất, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước gia hạn các khoản vay ngắn hạn để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị dòng tiền trả nợ, đáo hạn các khoản vay dài hạn, nới rộng hạn mức cho vay và điều chỉnh lãi suất cho vay tạm trữ…