Nguy cơ doanh nghiệp chuyển qua cảng Thái Lan ‘né’ phí
Một cuộc họp với sự tham gia của các chuyên gia, luật sư và đại diện doanh nghiệp (DN) do tổ chức Sáng kiến kinh doanh Mekong (MBI) thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) và các Hiệp hội DN tổ chức chiều qua (13/2) đã phân tích những yếu tố pháp lý cũng như những thiệt hại về ngân sách khi Hải Phòng “tận thu” phí hạ tầng cảng biển theo Nghị quyết 148. Tại cuộc họp này, nhiều DN cũng cho biết rất có thể họ sẽ chuyển qua cảng của Thái Lan để làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Rất có thể DN sẽ dịch chuyển sang Thái Lan để làm thủ tục xuất, nhập khẩu
Quy định “bất ngờ và gây choáng váng”
VCCI kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hải Phòng giải trình
Liên quan đến Nghị quyết 148 của Hải Phòng, ngày 6/2/2017, VCCI đã có Văn bản 0176/PTM-PC gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại văn bản này, Chủ tịch VCCI đề nghị Thủ tướng cân nhắc, xem xét những tác động của Nghị quyết 148 của Hải Phòng và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền của Hải Phòng giải trình thuyết phục về các căn cứ đưa ra các mức phí tại Nghị quyết 148, trong đó có đánh giá tác động một cách toàn diện các đối tượng chịu tác động. Nếu không giải trình hợp lý, đề nghị giữ nguyên các mức phí trước thời điểm Nghị quyết 148 có hiệu lực. Trong trường hợp giải trình hợp lý về việc ban hành Nghị quyết 148, đề nghị kéo dãn thời gian chuyển tiếp áp dụng quy định mới này, ít nhất là 06 tháng, để các DN có đủ thời gian chuẩn bị, tránh các tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh của DN…
Theo thông tin từ VPSF, liên quan đến kiến nghị của VCCI, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã giao cho Vụ Kinh tế tổng hợp nghiên cứu chuyên sâu toàn bộ ý kiến 5 Bộ liên quan cùng ý kiến Hải Phòng và cộng đồng DN để tham mưu cách xử lý cho Thủ tướng. VPSF đang liên hệ các bộ để tổng hợp ý kiến mà các bộ đã tham mưu Thủ tướng. Trước mắt, có ý kiến của Bộ Công Thương cũng tương đối rõ ràng về những điểm mà Nghị quyết 148 của Hải Phòng có thể vi phạm cam kết WTO, ảnh hưởng tới hàng nghìn DN XNK và cần xem xét trong một bài toán tổng thể để giảm chi phí cho DN XNK.
Theo Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND TP Hải Phòng về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển), bắt đầu từ 1/1/2017, ngoài việc tăng mức phí đến 70%, thậm chí có loại phí tăng gấp đôi đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, DN còn phải nộp thêm phí mới đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể: Container 20 feet là 250 nghìn đồng/container; container 40 feet là 500 nghìn đồng/container; hàng lỏng, hàng rời là 20 đồng/tấn.
Theo phản ánh của Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và nhiều DN hội viên của VCCI thì với chính sách tăng phí và bổ sung phí mới tại Nghị quyết 148 “một số DN sợi dệt trung bình và lớn tại khu vực Thái Bình và Hà Nam, lượng xuất khẩu từ 150 – 400 container (40ft)/tháng/DN thì mỗi DN sẽ phải chi thêm từ 900 triệu đồng đến 2,4 tỷ đồng/năm”. Các DN có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trong ngành, lĩnh vực khác, dự kiến sẽ chi thêm hàng năm triệu cho mỗi lần thông quan.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, đây là một quy định bất ngờ và gây choáng váng cho các DN. Theo phản ánh của các DN, các chi phí liên quan đến XNK, thông quan hàng hóa tại cảng Hải Phòng đã là rất cao so với các nước trong khu vực mà còn cao hơn cả chi phí tại Cảng TP HCM. “Mấy năm qua, những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, hiệp hội và các DN nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu các chi phí chưa mang lại hiệu quả thì nay Hải Phòng lại tăng thêm phí và sau Hải Phòng sẽ tiếp tục có khả năng nhiều địa phương khác tiếp tục làn sóng “tận thu”, ông Tuấn lo ngại.
Cũng theo phản ánh của các DN, việc xây dựng quy trình thu phí mà TP Hải Phòng thực hiện là không bình thường, bỏ qua các bước đối thoại trực tiếp với các đối tượng chịu tác động trước khi ban hành. “Chỉ có một số ít các DN được triệu tập đến dự cuộc họp ngày 31/12/2016 để thông báo quyết định áp đặt mức thu phí và áp dụng ngay từ ngày 1/1/2017. Cách làm trên có phù hợp với các quy định của WTO và các hiệp định quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã ký và đang thực hiện hay không?”, đại diện các DN ngành bông sợi đặt vấn đề.
Ngân sách T.Ư sẽ thất thu nếu Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 148
Tại cuộc họp chiều qua, Phó Tổng Thư ký VPSF Phạm Ngọc Thủy cho rằng, cần phải đánh giá về tính hợp pháp của Nghị quyết 148. Theo bà Thủy, thứ nhất, về một nghị quyết có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng ngàn DN thì phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động. Thứ hai, phải đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố 30 ngày để lấy ý kiến, nhưng Hải Phòng đã không thực hiện việc này.
Thông tin từ Diễn đàn VPSF cũng cho biết, Cục Hàng hải, Bộ GTVT cũng không biết đến chuyện Hải Phòng thu phí cảng biển. Cục chỉ biết cho đến khi có ý kiến của các hiệp hội. Do vậy, quá trình tiếp cận hồ sơ khó khăn, cụ thể, không thấy có dự thảo để trình trước khi HĐND TP Hải Phòng họp và ra Nghị quyết 148.
Trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Phí và Lệ phí, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia cũng giao trách nhiệm quản lý, quy định và thu một số phí khác ở khu vực cảng biển cho cơ quan có thẩm quyền cấp T.Ư (như phí sử dụng neo, đậu) và một số hạng mục được Luật quy định chuyển từ phí thành dịch vụ do Nhà nước định giá (như dịch vụ cảng).
Như vậy, xét về thẩm quyền, HĐND TP Hải Phòng chỉ được quy định và thu phí đối với các hạng mục đầu tư của địa phương mà không thuộc diện do T.Ư quản lý và thu phí; do các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại khu vực cảng biển được Nhà nước cho phép tính thành giá dịch vụ.
Bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho biết, Hiệp hội cũng không biết phải xử lý thế nào: “Khi có quyết định này các DN Nhật sốc nặng vì họ cho rằng, theo thông lệ quốc tế, nếu thấy thực sự cần thiết phải thu phí phải làm một điều tra xem mức chi phí như thế nào, thu trong thời gian bao lâu để bù đắp lại số tiền đã bỏ ra”.
Bà Huyền chia sẻ thêm, chi phí cho tất cả các dịch vụ liên quan đến hàng hóa, từ khi xuất xưởng lên đến tàu chuyển đi cho đối tác, cho một container 40 feet hết khoảng 4 triệu đồng, nhưng chỉ riêng đoạn đường từ đường cao tốc Hải Phòng đến cảng Hải Phòng lại mất đến 500.000 đồng. “Như thế là quá cao. Một quy định liên quan đến đời sống của hàng ngàn DN lại được ban hành rất tùy hứng”, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản phát biểu.
Một thông tin đáng chú ý liên quan đến việc thu phí của Nghị quyết 148 được Chủ tịch VPSF đưa ra, đó là việc Hải Phòng tăng phí, tăng ngân sách địa phương sẽ dẫn tới một câu chuyện đáng báo động, đó là nguồn thu địa phương tăng nhưng tổng thu nhập DN giảm, dẫn tới thuế thu nhập DN giảm, như vậy ngân sách T.Ư sẽ bị giảm đáng kể. Ví dụ Hải Phòng dự kiến thu khoảng 1.500-2.500 tỷ tiền phí/năm, thuế DN đóng cho Nhà nước sẽ giảm khoảng 20%, tầm 300-500 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm Nhà nước mất một khoản thu khá lớn.
Cảng Hải Phòng tiếp sức “hành” doanh nghiệp?
Ngay khi Nghị quyết 148 được ban hành, Cảng Hải Phòng đã thêm “biên lai thu phí” này vào thủ tục thông quan. Các DN lập tức phản ứng, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Cảng Hải Phòng, đề nghị thực hiện đúng quy định thông quan, giấy tờ nào không nằm trong quy định thông quan không được phép đưa vào. Cảng Hải Phòng đã thực hiện chỉ thị của Tổng cục Hải quan nhưng khi xếp hàng lên tàu, vẫn bắt buộc phải xuất trình “biên lai thu phí”. Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cũng thông báo 100% các DN Nhật phải có “biên lai thu phí” mới được thông quan trên đường ra biển. Trong khi đó, thông lệ quốc tế và luật pháp quốc tế, thông quan là quá trình liên tục, không thể xong thủ tục thông quan rồi vẫn còn phải thông quan trên bến cảng nữa.
Trước vấn đề này, một số DN cho rằng phải tăng giá vào hàng hóa, dịch vụ hoặc họ sẽ chọn các cảng biển khác, có thể sang tận cảng Thái Lan (dù cách 600km nhưng thủ tục thông quan, chi phí thấp hơn) để tiến hành xuất, nhập hàng hóa.
Bởi theo tính toán của các DN, cụ thể, các DN dệt may, nếu thực hiện Nghị quyết 148 này, số tiền họ phải nộp phí khá lớn như May 10 mức phí này khoảng hơn 2 tỷ đồng, TCty Dệt may Hà Nội khoảng gần 700 triệu đồng, May Tinh Lợi 2,2 tỷ đồng…
Để được thông quan tại cảng biển Hải Phòng, các DN XNK phải thực hiện thêm một thủ tục kê khai nộp phí hạ tầng mới. DN phải thực hiện các thủ tục hành chính như đến điểm thu phí, nhận tờ khai, kê khai và nộp tiền. Theo thông tin từ DN, thời gian để thực hiện cho thủ tục này từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ (chưa kể các khâu chuẩn bị và các vướng mắc phát sinh).
Trong bối cảnh Nhà nước đang có nhiều chính sách thúc đẩy cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục hải quan và XNK chuyên ngành, đảm bảo hoạt động thông quan nhanh chóng và thuận lợi, thì việc phát sinh thêm thủ tục hành chính khiến cho hoạt động thông quan bị kéo dài, nhiều DN đánh giá là “bước lùi” của chính sách, đi ngược lại tinh thần cải cách mà Chính phủ đang xây dựng và hướng đến.
Hiện tại, Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, hoạt động, phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi thì chính sách bổ sung phí mới và tăng phí của văn bản này, đang đi ngược lại tinh thần của các chính sách tích cực trên và làm suy giảm niềm tin của cộng đồng DN.
VCCI lo ngại việc ban hành Nghị quyết 148 tại Hải Phòng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm để các địa phương có cảng biển và cảng sân bay sẽ đặt ra các loại phí trong thời gian tới, tạo ra những bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của DN Việt Nam.