Kênh đào Suez
Chuyên gia hàng đầu ngành vận tải biển Peter Sand cảnh báo rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của lực lượng Houthi vào các tàu hàng đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden có thể làm giảm lượng tàu qua Kênh đào Suez, từ đó có thể gây ra cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Sand, Trưởng nhóm Phân tích của Hãng tư vấn và phân tích thị trường Xeneta, cho biết: “Tất cả các tàu đi qua Kênh đào Suez đều phải đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden, và lực lượng Houthi đã nói rõ rằng bất kỳ tàu nào cũng có thể là mục tiêu tấn công”. Ông nhận định, “Tôi không tin rằng Kênh đào Suez sẽ phải đóng cửa, tuy nhiên nếu có những leo thang đáng kể hơn nữa thì chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng này, dù việc đóng cửa chỉ là trong vài ngày”.
Ông Sand đã bình luận như trên sau khi có tin về vụ tấn công tên lửa vào tàu Maersk Hamburg. Sau vụ tấn công này, đã có báo cáo khác về các cuộc tấn công tiếp theo của lực lượng Houthi nhằm vào các tàu khác nữa, bao gồm cả vụ tấn công tên lửa vào tàu Al Jasrah của hãng Hapag-Lloyd, gây hỏa hoạn nhưng không có thương tích, và một vụ tương tự nhằm vào tàu container MSC Palatium III.
Đúng như cảnh báo của ông Sand về tác động đối với kênh đào Suez, hãng tàu Maersk vào ngày 15/12 đã cho biết họ sẽ tạm dừng mọi hoạt động qua Biển Đỏ, và Hapag-Lloyd được cho là cũng đang cân nhắc thực hiện tương tự.
Ông Sand cũng nhắc lại về sự cố hơn hai năm trước, “Chúng ta đều đã ghi nhận về sự cố tàu Ever Given vào năm 2021, hậu quả nghiêm trọng từ sự cố này là Kênh đào Suez bị tắc nghẽn. Chuỗi cung ứng khi đó đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và phải mất nhiều tháng mới lập lại được trật tự.” Ông nhận định, “Ngành vận tải đường biển đã bị sự cố này ảnh hưởng sâu sắc và giờ đây người trong ngành thực sự lo sợ trước bất kỳ tình huống nào có thể dẫn đến việc đóng cửa Kênh đào Suez.”
Hiện nay, có hơn 50 tàu đi qua kênh đào Suez mỗi ngày, chở hàng tỷ USD hàng hóa đến Bắc Âu, Địa Trung Hải và Bờ Đông Bắc Mỹ.
Hãng Xeneta cho biết, với những hạn chế về tàu qua kênh đào Panama do tình trạng khô hạn, thì những diễn biến mới nhất ở Suez đã đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn đối với ngành vận tải biển.
Ông Sand bổ sung: “Chúng tôi đã chứng kiến các hãng tàu và chủ tàu chọn điều chỉnh hải trình các tàu không đi vào khu vực Biển Đỏ và Vịnh Aden”, và diễn giải, “Do tầm quan trọng của Kênh đào Suez đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, một sự gián đoạn dù là nhỏ thôi cũng vẫn có thể gây ra hậu quả lớn. Do đó, giải pháp thay thế chính là cho tàu đi vòng xuống Mũi Hảo Vọng, điều này tăng thêm thời gian vận chuyển lên tới 10 ngày cho các tuyến từ Châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải.
“Chúng ta có thể sẽ thấy chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tăng lên đáng kể. Tùy thuộc vào quy mô và thời lượng của các sự cố có thể xảy ra tại khu vực lân cận kênh đào Suez, chúng tôi dự đoán giá cước vận tải biển có thể tăng lên tới 100%.”